Thủ tướng: "Nhiều thủ tục đất đai làm mất thời gian, mất luôn cả cơ hội"
(Dân trí) - Thủ tục hành chính liên quan đất đai là một trong những trăn trở của Thủ tướng. Ông cho rằng có rất nhiều thủ tục kéo dài làm mất thời gian, chi phí và mất luôn cơ hội của người dân, doanh nghiệp.
Nhiều vấn đề lớn - là những vướng mắc trong thực tiễn liên quan quản lý, sử dụng đất đai, được Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra khi thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai sửa đổi, sáng 9/6.
Nhấn mạnh đây là luật rất khó, rất nhạy cảm, Thủ tướng kỳ vọng các đại biểu Quốc hội với thực tiễn công tác tại các bộ, ngành, địa phương sẽ có nhiều góp ý xác đáng.
"Về nguyên tắc, không có một văn bản nào có thể xử lý và bao phủ hết mọi góc cạnh của cuộc sống. Việc sửa Luật Đất đai cũng vậy, nhưng cố gắng giải quyết được những vướng mắc, bất cập trong khai thác, sử dụng nguồn lực quan trọng của đất nước là đất đai", người đứng đầu Chính phủ chia sẻ.
Mạnh dạn phân cấp, phân quyền
Góp ý vào việc sửa luật, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần chú trọng khai thác tối đa nguồn lực từ đất. Luật cũng phải vừa giải quyết vấn đề thực tiễn, vừa có tầm nhìn mang tính dự báo, mang tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược.
Nhấn mạnh dự luật này nhận được hơn 12 triệu lượt góp ý của nhân dân, Thủ tướng kỳ vọng khi Luật được thông qua sẽ góp phần quan trọng trong giải phóng nguồn lực đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.
"Mạnh dạn phân cấp, phân quyền" là vấn đề được Thủ tướng nhấn mạnh. Đây là nội dung đang rất vướng trong thực tế, nên theo Thủ tướng, phải quy định trong luật mới làm được.
"Ví dụ 10ha đất lúa, 20ha đất rừng mà phải trình lên đến Thủ tướng, qua quy trình nhiều bước thì mất rất nhiều thời gian, làm lãng phí nguồn lực và cơ hội", người đứng đầu Chính phủ dẫn chứng.
Ông lưu ý, phân cấp cũng phải ở mức độ phù hợp để đảm bảo quản lý được; đi đôi với phân bổ nguồn lực; nâng cao khả năng thực thi của đơn vị cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh đi "chệch hướng".
Trăn trở thứ hai được lãnh đạo Chính phủ đề cập, là thủ tục hành chính. "Có rất nhiều thủ tục hành chính về đất đai cần tháo gỡ, làm sao giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, giảm đi lại cho người dân, giảm những chi phí không cần thiết. Nhiều thủ tục kéo dài làm mất thời gian, chi phí và mất luôn cơ hội của người dân, doanh nghiệp", Thủ tướng nói.
Gợi mở hướng giải quyết, người đứng đầu Chính phủ cho rằng cần ứng dụng CNTT, chuyển đổi số vào quản lý đất đai.
Vấn đề thứ ba liên quan quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thủ tướng cho rằng quy hoạch đất vừa giải quyết vấn đề trước mắt, vừa phải có tầm nhìn dài hạn để phát triển bền vững, lâu dài.
"Đất đai là hằng số không thể sinh ra nên phải sử dụng, khai thác sao cho hiệu quả", Thủ tướng nhấn mạnh cần tiết kiệm tài nguyên đất đai.
Phù hợp thị trường, nhưng cần công cụ quản lý của Nhà nước
Vấn đề thứ tư Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập là việc rà soát thu hồi đất và tái định cư - điều mà người dân và cử tri quan tâm rất nhiều.
Quán triệt quan điểm của Đảng về việc khi thu hồi đất để thực hiện dự án tái định cư, phải đảm bảo cuộc sống của người bị thu hồi đất bằng hoặc tốt hơn nơi cũ. Theo người đứng đầu Chính phủ, quy định này cần được lượng hóa trong luật.
Về định giá đất, theo Thủ tướng, phải phù hợp với phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN.
"Luật đã quy định nhưng đây là vấn đề khó, thị trường thì luôn lên xuống, mình tuân thủ thị trường thì có can thiệp khi cần thiết không? Phải cân đối chỗ này", Thủ tướng cho rằng cần có công cụ quản lý của Nhà nước, để bảo đảm thị trường vừa phát triển lành mạnh, nhưng không tạo nên xáo trộn, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi phải nhường đất triển khai các dự án.
"Cái này rất khó, không lượng hóa được sẽ dẫn đến không bám sát thực tiễn, áp dụng tùy tiện và dẫn đến cái sai", lãnh đạo Chính phủ lưu ý.
Thủ tướng định hướng cần nâng cao năng lực quản lý của cán bộ địa chính, có cơ sở dữ liệu về đất đai mang tính chất bao quát, khi tra cứu có thể liên thông giữa các địa phương để tham khảo.
Tái khẳng định đây là luật rất khó và nhạy cảm, phạm vi rộng, đối tượng nhiều, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến và tiếp thu tối đa, đảm bảo Luật Đất đai sửa đổi vừa phải xử lý được vướng mắc hiện tại, vừa có tầm nhìn trong tương lai.