Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu thăm chính thức Vương quốc Na Uy
(Dân trí) - Sáng 24/5 (theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng đoàn cấp cao Việt Nam đã đến Oslo, bắt đầu chuyến thăm chính thức Vương quốc Na Uy. Chuyến thăm của Thủ tướng diễn ra theo lời mời của Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, từ ngày 24-26/5.
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam tới Na Uy kể từ năm 1999. Sự kiện này góp phần khẳng định lại mối quan hệ mạnh mẽ giữa hai nước, làm sâu sắc thêm tình hữu nghị truyền thống, và tăng cường quan hệ hợp tác Na Uy - Việt Nam theo hướng thực chất hơn và hiệu quả hơn.
Việt Nam và Na Uy thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1971. Na Uy là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra trong bối cảnh hai nước sắp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1971-2021).
Trong chuyến thăm, dự kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Na Uy, hội kiến Chủ tịch Quốc hội Na Uy, dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Na Uy, tiếp các tập đoàn lớn và thăm một số cơ sở sản xuất của Na Uy, quốc gia có nhiều kinh nghiệm về làm kinh tế biển, nằm trong tốp 10 quốc gia sản xuất thủy sản lớn nhất thế giới. Hiện cộng đồng người Việt tại Na Uy có khoảng hơn 20.000 người (đông nhất tại Bắc Âu).
Hợp tác thương mại-đầu tư, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Na Uy năm 2018 đạt 363 triệu USD so với mức 354 triệu USD năm 2017.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Na Uy gồm: Hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, hạt điều. Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Na Uy các mặt hàng, như: Hàng thủy sản, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, phân bón các loại, các sản phẩm hóa chất, sắt thép.
Hiện Na Uy có 41 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 166 triệu USD, xếp thứ 41/130 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các dự án của Na Uy chủ yếu tập trung trong lĩnh vực chế biến gỗ, vật liệu xây dựng và trang trí nội thất; nông lâm nghiệp, thủy sản, thông tin và truyền thông.
Cho đến nay, Na Uy đã cung cấp 320 triệu USD viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam và là một trong số ít các nước còn duy trì hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực môi trường, giáo dục, quản lý kinh tế, cải cách hành chính, rà phá bom, mìn… Các dự án do Na Uy tài trợ cũng đang được triển khai hiệu quả, góp phần giúp Việt Nam hoàn thành trước thời hạn các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của LHQ.
Châu Như Quỳnh