1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khai mạc Ủy hội sông Mê Công quốc tế

(Dân trí) - Sáng 5/4, tại TPHCM đã diễn ra Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu khai mạc hội nghị và thông qua tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh.

Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mê Công có sự tham dự của các đoàn đại biểu cấp cao 4 nước thành viên của Ủy hội là Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam và 2 nước đối tác đối thoại là Trung Quốc, Mianma cùng đại diện các đối tác phát triển, quan sát viên.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Lào Thoong-xỉnh Thăm-mạ-vông, Thủ tướng Campuchia Săm-đéc Hun Xen, Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao, Đặc phái viên của Thủ tướng Thái Lan, Bộ trưởng Tài nguyên nước Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Mianma đã dẫn đầu các đoàn đại biểu dự hội nghị. Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cũng có mặt tại sự kiện này.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh Hội nghị Cấp cao lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với các quốc gia thành viên Ủy hội và tiến trình hợp tác Mê Công. Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn khi các quốc gia thành viên chuẩn bị kỷ niệm 20 năm ngày ký Hiệp định hợp tác Mê Công và thành lập Ủy hội sông Mê Công quốc tế năm 1995. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam rất coi trọng sự ổn định và phát triển bền vững của khu vực châu thổ sông Mê Công, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam, cũng như việc ứng phó với các thách thức an ninh nguồn nước và tác động của biến đổi khí hậu nói chung; mong muốn cùng các nước ven sông tăng cường hợp tác, thúc đẩy vai trò của Ủy hội sông Mê Công quốc tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của cả khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc hội nghị

Các nước thành viên, các đối tác đối thoại, đối tác phát triển đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội nghị Cấp cao; đề cao vai trò của Ủy hội sông Mê Công quốc tế và mong muốn Ủy hội tiếp tục được củng cố, hoàn thiện các cơ chế hợp tác khu vực; nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác, đối thoại giữa các nước ở hạ lưu vì mục tiêu phát triển bền vững sông Mê Công. Là nước Đối tác đối thoại của Ủy hội, Trung Quốc và Mianma khẳng định ủng hộ và đánh giá cao hợp tác với Ủy hội sông Mê Công và mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực như giao thông thủy, chia sẻ thông tin.

Với chủ đề “An ninh nước, năng lượng, lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu của Lưu vực sông Mê Công”, Hội nghị đã thảo luận về những vấn để nổi bật hiện nay trong hợp tác Mê Công, trong đó có việc đảm bảo an ninh nước, năng lượng và lương thực trong bối cảnh gia tăng nhu cầu sử dụng tài nguyên nước và các tài nguyên khác của sông Mê Công trước áp lực phát triển kinh tế xã hội cũng như các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Hội nghị cũng đã rà soát, đánh giá những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Tuyên bố Hủa Hỉn năm 2010 và đề ra các biện pháp nhằm tiếp tục thúc đẩy việc quản lý, sử dụng và phát triển bền vững sông Mê Công, trong đó có việc chuẩn bị xây dựng và thực hiện Kế hoạch Chiến lược giai đoạn 2016-2020 của Ủy hội.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức thông qua tuyên bố TPHCM gồm 27 điểm thống nhất hành động chung giữa các nước thành viên Ủy hội sông Mê Công quốc tế, trong đó nòng cốt là 4 nước hạ lưu sông Mê Công là Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Hội nghị đã nhất trí thông qua Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó tiếp tục khẳng định tinh thần đoàn kết giữa các thành viên và cam kết thực hiện Hiệp định Hợp tác Phát triển bền vững lưu vực Mê Công năm 1995 và các quy định, thủ tục của Ủy hội. Các thành viên cam kết thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác, tăng cường vai trò của Uỷ hội sông Mê Công quốc tế hướng tới mục tiêu quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nước, lương thực và năng lượng trong lưu vực sông Mê Công. Tuyên bố đã xác định 6 lĩnh vực hoạt động ưu tiên và 6 định hướng cho hoạt động hợp tác của Ủy hội trong giai đoạn tới, trong đó tập trung vào việc tăng cường thực hiện các Thủ tục của Uỷ hội, rà soát cập nhật các kế hoạch chiến lược, đẩy mạnh các dự án nghiên cứu đánh giá tác động, các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu và giảm nhẹ các rủi ro đối với hệ sinh thái sông Mê Công. Các thành viên cũng nhất trí đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các Đối tác Đối thoại, các Đối tác Phát triển, các sáng kiến khu vực và quốc tế có liên quan, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác và hỗ trợ của các đối tác trong quá trình thực hiện kế hoạch hoạt động giai đoạn 2016-2020 của Ủy hội.

Bên lề Hội nghị Cấp cao, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Cam-pu-chia Săm-đéc Hun Xen, Thủ tướng Lào Thoong-xỉnh Thăm-mạ-vông, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mi-an-ma Vun-na Mông Lin và Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao, Đặc phái viên Thủ tướng Thái Lan Xi-ha-sặc Phuông-kệt-keo.

Trong trao đổi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt chào mừng các Đoàn đại biểu, đánh giá cao những đóng góp của các nước đối với thành công của Hội nghị đồng thời khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với các nước trong Lưu vực sông Mê Công. Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam mong muốn hợp tác chặt chẽ với các thành viên và các nước đối tác nhằm triển khai một cách hiệu quả các định hướng, chiến lược và dự án của Ủy hội, trong đó có việc thúc đẩy dự án nghiên cứu của Ủy hội về quản lý và phát triển bền vững sông Mê Công bao gồm những tác động của các công trình thuỷ điện trên dòng chính; thúc đẩy việc thực hiện nghiêm túc các quy định của Hiệp định Mê Công năm 1995 và thủ tục của Ủy hội, trong đó có thủ tục Thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận (PNPCA). Thủ tướng cũng thông báo Việt Nam đang hoàn tất các thủ tục để gia nhập Công ước LHQ năm 1997 về Luật sử dụng các nguồn nước quốc tế cho các mục đích phi giao thông thủy, và bày tỏ hy vọng các nước khác trong Lưu vực Mê Công xem xét gia nhập để Công ước sớm có hiệu lực…

Lãnh đạo các nước đều đánh giá cao việc Việt Nam chủ trì thành công Hội nghị Cấp cao lần thứ hai Ủy hội sông Mê Công quốc tế, trong đó có việc thông qua Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều nội dung quan trọng.

Công Quang