Thủ tướng không quyết định vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của bộ trưởng

Hoài Thu

(Dân trí) - Với tư cách là thành viên Chính phủ, Thủ tướng có trách nhiệm giải trình, trả lời chất vấn của ĐBQH. Thủ tướng cũng thay mặt Chính phủ, ủy quyền cho thành viên Chính phủ ký các văn bản của Chính phủ.

Chiều 12/2, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình Quốc hội tờ trình về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Theo Bộ trưởng Nội vụ, việc xây dựng Luật này nhằm sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước hiệu lực, hiệu quả.

Việc sửa luật cũng nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thúc đẩy Chính phủ kiến tạo phát triển.

Thủ tướng không quyết định vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của bộ trưởng - 1

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa ủy quyền Thủ tướng trình Quốc hội tờ trình về dự án Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi (Ảnh: Hồng Phong).

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết một trong những điểm mới của dự thảo Luật là quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ (Điều 10 dự thảo Luật). Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về các ngành, lĩnh vực.

Chính phủ phân công phạm vi quản lý Nhà nước cho các bộ, cơ quan ngang bộ; phân cấp thẩm quyền cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo phạm vi quản lý, bảo đảm phân định rõ trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách thành viên Chính phủ và người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ.

Chính phủ quyết định các chính sách phát triển ngành, vùng, địa phương, trừ những chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và chính quyền địa phương. Đối với những vấn đề đã phân quyền cho chính quyền địa phương, chính quyền địa phương chủ động quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân quyền.

Theo dự thảo Luật, Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ; lãnh đạo công tác của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao, bảo đảm nguyên tắc không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách thành viên Chính phủ đối với ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách.

Thủ tướng không quyết định vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của bộ trưởng - 2

Kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 9 khai mạc sáng 12/2 (Ảnh: Phạm Thắng).

Trên cơ sở nguyên tắc phân định thẩm quyền của Thủ tướng tại khoản 3 Điều 6 dự thảo Luật, nội dung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng được biên tập theo các nhóm sau: Nội dung trình Quốc hội; Nội dung trình ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nội dung trình Chủ tịch nước; Nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ. Thủ tướng không quyết định các vấn đề cụ thể trong việc quản lý Nhà nước đối với ngành, lĩnh vực.

Dự thảo Luật cũng bổ sung và quy định rõ trách nhiệm của Thủ tướng.

Theo đó, với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng thay mặt Chính phủ báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Với tư cách là thành viên Chính phủ, Thủ tướng có trách nhiệm giải trình, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Thủ tướng cũng thay mặt Chính phủ hoặc ủy quyền cho thành viên Chính phủ ký các văn bản của Chính phủ.

Thủ tướng không quyết định vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của bộ trưởng - 3

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng (Ảnh: Quang Vinh).

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết cơ quan thẩm tra nhất trí với việc sửa đổi toàn diện của đề án luật, nguyên tắc phân định thẩm quyền rõ trách nhiệm của các cơ quan.

Ủy ban Pháp luật cũng thống nhất với nguyên tắc đảm bảo Thủ tướng Chính phủ "không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách thành viên Chính phủ đối với ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách".

Việc cần phân định rõ trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách thành viên Chính phủ và tư cách người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ, cũng được cơ quan thẩm tra ủng hộ.

"Tuy nhiên, quy định nêu trên chưa thực sự rõ và có thể gây ra cách hiểu khác nhau trong áp dụng pháp luật. Do đó, đề nghị nghiên cứu làm rõ hơn để bảo đảm tính phù hợp, khả thi", ông Tùng nói.

Bên cạnh đó, theo ông Tùng, Ủy ban Pháp luật tán thành với việc bổ sung quy định về phân quyền, phân cấp, ủy quyền nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương.

Theo cơ quan thẩm tra, những nội dung về phân quyền, phân cấp, ủy quyền được thể hiện ở dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) gồm 5 chương, 32 điều (so với Luật hiện hành giảm 2 chương, giảm 18 điều), dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp bất thường lần này.