1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Thủ tướng: Hiện đại hóa đất nước là đảm bảo đời sống người dân

(Dân trí) - “Mục tiêu đưa đất nước thành nước công nghiệp phải đi từ hiện đại hóa nông thôn, nâng cao năng suất lao động, bảo đảm đời sống của người dân” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Hội nghị sơ kết 3 năm chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020 diễn ra tại Hà Nội ngày 16/5.

Báo cáo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thể hiện, trong 3 năm 2011-2013, chương trình đã huy động được 485.000 tỷ đồng, trong đó Ngân sách Nhà nước chiếm trên 33% với 162.000 tỷ đồng (bao gồm vốn hỗ trợ trực tiếp cho chương trình chiếm trên 10% với 50.000 tỷ đồng; vốn lồng ghép là 23% với gần 112.000 tỷ đồng); vốn tín dụng chiếm gần 48% với trên 231.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp hỗ trợ 30.000 tỷ đồng; dân đóng góp gần 63.000 tỷ đồng (chiếm 13%).  Giai đoạn 2014-2016, Chính phủ phân bổ nguồn vốn trái phiếu cho chương trình 15.000 tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đánh giá, nguồn ngân sách bố trí cho chương trình còn thấp so với nhiệm vụ đề ra, đầu tư của doanh nghiệp vào nông thôn rất thấp.

Về phát triển sản xuất tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo,  Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, đến nay cả nước đã có trên 9.000 mô hình sản xuất với tổng vốn ngân sách hỗ trợ khoảng 8.400 tỷ đồng, đem lại năng suất thu nhập cao hơn trước từ 15-40%. Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT cũng đánh giá, việc  chỉ đạo phát triển sản xuất ở nhiều nơi còn lúng túng trong chuyển đổi cơ sở sản xuất hàng hóa tập trung; phát triển làng nghề chưa thành định hướng quan trọng để chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn; vốn đầu tư cho phát triển sản xuất còn thấp (chỉ chiếm 7% tổng số  vốn thực hiện chương trình trên địa bàn xã).

Phó Thủ tướng  Vũ Văn Ninh nhận định, sau 3 năm thực hiện, xây dựng NTM đã trở thành phong trào sâu rộng trong cả nước, được cả hệ thống vào cuộc, được nhân dân ủng hộ. Đã xuất hiện nhiều mô hình tốt, trong đó có mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; gắn kết doanh nghiệp sản xuất với nông dân; mô hình xã NTM đã xuất hiện và trở thành hiện thực. Dù vậy, nhìn tổng thể tiến độ triển khai chương trình còn chậm, so với mục tiêu đề ra đến nay mới chỉ có khoảng 2% số xã đạt chuẩn NTM.
Thủ tướng: Hiện đại hóa đất nước là đảm bảo đời sống người dân
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát chủ trì hội nghị (ảnh: Chinhphu.vn)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng  khẳng định, xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, được nhân dân ủng hộ.  Xây dựng NTM là giải pháp chủ yếu, có tính chiến lược quan trọng để thực hiện sự nghiệp xây dựng nông nghiệp, nông thôn.

Thủ tướng cho rằng, trong 3 năm qua, các cấp ủy, chính quyền trong cả nước đã triển khai tích cực chương trình, sơ kết 3 năm cho thấy chương trình đúng đắn, đạt nhiều kết quả quan trọng, tích cực, toàn diện. Tuy nhiên, xây dựng NTM vẫn chậm về mục tiêu.

“Chúng ta đặt ra đến năm 2015 đạt 20% xã NTM, 2020 là 40%. Nhưng đến nay mới chỉ trên 2% số xã đạt 19 tiêu chí; 6,2% đạt từ 15-18 tiêu chí, như vậy mục tiêu đã đặt ra rất khó đạt, đòi hỏi phải nỗ lực rất lớn” - Thủ tướng chỉ rõ.

Nhấn mạnh tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn còn cao, đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý cần thực hiện tốt hơn nữa chương trình giảm nghèo ở nông thôn, hỗ trợ nông dân về vốn để tăng gia, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống; nhân rộng các cách làm hay, mô hình tốt trong phát triển nông nghiệp.

Mục tiêu sắp tới, Thủ tướng yêu cầu cần nhấn mạnh chương trình xây dựng NTM chính là cụ thể hóa nghị quyết của TƯ về tam nông, phấn đấu đưa Việt Nam cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

“Muốn đưa đất nước thành nước công nghiệp thì trước hết phải thực hiện đại hóa nông thôn, từ đó nâng cao năng suất lao động, bảo đảm đời sống của người dân, phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn; là nền tảng phát triển bền vững cho cả nền kinh tế Việt Nam. 19 tiêu chí xây dựng NTM chính là định lượng để thực hiện mục tiêu chung này” – người đứng đầu Chính phủ phân tích.

Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới tập trung vào việc đưa khoa học công nghệ vào để phát triển sản xuất nông nghiệp, nông lâm thủy sản, để tăng năng suất, tăng hiệu quả, tăng sức cạnh tranh, từ đó mới tăng thu nhập cho người nông dân. Cùng với đó phải xây dựng quan hệ sản xuất, hình thành chuỗi sản xuất để đem lại lợi ích cho nông dân. Không thể sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, mà phải hình thành những hình thức liên kết, hợp tác kiểu mới để nâng cao năng suất lao động, giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho sản xuất nông nghiệp. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Việc chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn, giảm lao động nông nghiệp để tăng thu nhập chỉ làm được khi có doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này. Cần hết sức khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Không chỉ là chính sách của Chính phủ, các địa phương phải linh động các cơ chế chính sách để thu hút doanh nghiệp về sản xuất ở địa bàn nông thôn. TƯ chỉ tạo ra khung chính sách, các địa phương phải linh động, sáng tạo.

P.Thảo