1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thủ tướng: Hai thập kỷ sau bão Linda, nỗi đau vẫn còn

(Dân trí) - "Sau hai thập kỷ, nỗi đau của các gia đình bị mất người thân vẫn còn đó. Vào ngày này, tất cả chúng ta đều xúc động nhớ đến thời khắc đau thương đã xảy ra. Thay mặt Chính phủ, tôi gửi tới đồng bào, thân nhân các gia đình bị thiệt hại lời thăm hỏi, chia sẻ sâu sắc nhất..." - Thư của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi thân nhân các gia đình bị thiệt hại do bão Linda (1997) ở ĐBSCL.

Sáng nay (30/10), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư tới thân nhân các gia đình bị thiệt hại bởi thiên tai; Chiến sĩ và các lực lượng phòng, chống thiên tai nhân 20 năm cơn bão số 5 (bão Linda) đổ bộ vào khu vực ĐBSCL.

Dân trí xin trích toàn bộ nội dung thư của Thủ tướng:

Thân ái gửi: Thân nhân các gia đình bị thiệt hại bởi thiên tai; Chiến sĩ và các lực lượng phòng, chống thiên tai

Hai mươi năm trước, vào ngày 2-11-1997, cơn bão số 5 (Linda) rất mạnh, bất ngờ và dị thường đã đổ bộ vào đồng bằng sông Cửu Long - vùng đất rất hiếm khi có bão. Bão đã gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản, đặc biệt là đối với tỉnh Cà Mau.

Rất nhiều ngư dân và tàu thuyền của đồng bào ta đã nằm lại biển khơi. Nhà cửa và cơ sở hạ tầng bị thiệt hại nặng nề. Cả hệ thống chính trị cùng nhân dân, chiến sĩ và lực lượng phòng, chống thiên tai đã nỗ lực ứng phó, khắc phục thiệt hại, giúp đồng bào vượt qua nỗi đau, khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống.

Sau hai thập kỷ, nỗi đau của các gia đình bị mất người thân vẫn còn đó. Vào ngày này, tất cả chúng ta đều xúc động nhớ đến thời khắc đau thương đã xảy ra. Thay mặt Chính phủ, tôi gửi tới đồng bào, thân nhân các gia đình bị thiệt hại lời thăm hỏi, chia sẻ sâu sắc nhất. Đồng thời, tôi cũng ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của chiến sĩ và lực lượng phòng, chống thiên tai.

Thời gian gần đây, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, xảy ra trên khắp các vùng miền cả nước. Các thách thức của biến đổi khí hậu, sự suy giảm rừng phòng hộ ven biển, lún sụt đất, nước biển dâng… là những yếu tố làm tăng nguy cơ rủi ro khi có thiên tai, nhất là bão, áp thấp nhiệt đới đối với đồng bằng sông Cửu Long.

Với bài học đắt giá từ cơn bão Linda, tôi kêu gọi đồng bào, chiến sĩ và các lực lượng phòng, chống thiên tai cả nước, trong đó có các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cần đề cao cảnh giác, sẵn sàng, chủ động ứng phó với thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Theo tài liệu của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, đêm 31/10/1997, một vùng áp thấp ở khu vực Nam biển Đông (cách quần đảo Trường Sa khoảng 350km về phía Đông - Đông Nam) mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới với sức gió cấp 6, cấp 7, di chuyển theo hướng Tây.

Trưa 1/11/1997, khi ở 8 độ vĩ Bắc - 111,9 độ kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 600km về phía Đông - Đông Nam, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, cơn bão số 5 (LINDA) với sức gió cấp 8, giật trên cấp 8.

Bão di chuyển nhanh (20km/h) chủ yếu theo hướng Tây và mạnh lên cấp 9, cấp 10, giật trên cấp 10. Đến 12h ngày 2/11/1997 tâm bão đi qua phía Nam của Côn Đảo với sức gió cấp 10, giật cấp 11,12.

Đến tối ngày 2/11/1997, bão đi vào vùng bờ biển Cà Mau, Bạc Liêu và đổ bộ vào đất liền với sức gió mạnh nhất đạt cấp 8, cấp 9. Sáng 3/11/1997, bão đi sang vùng biển Cà Mau - Kiên Giang và đi về phía Tây vịnh Thái Lan.

Tổng hợp thiệt hại của 21 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ, bão Linda đã gây thiệt hại như sau: 778 người chết, 2.123 người mất tích, 1.232 người bị thương; số nhà bị sập là 107.892;…thiệt hại về vật chất ước tính 7.200 tỷ đồng. Trong đó riêng tỉnh Cà Mau đã có 128 người chết, 1.164 người mất tích và 601 người bị thương.

Nguyễn Dương