Thủ tướng: "Giàu có chưa biết, nhưng mọi người hạnh phúc là rất đáng quý"
(Dân trí) - Trò chuyện với bà con người Việt ở Brazil, Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên mọi người học tập, làm ăn, sinh sống tuân thủ pháp luật và cho rằng ở đâu cũng tốt, chỉ cần luôn hướng về quê hương.
"Đi công tác nước ngoài dù bận rộn tới đâu, tôi cũng dành thời gian gặp bà con người Việt ở đó để lắng nghe ý kiến, thông tin tình hình đất nước và chia sẻ khó khăn với bà con, bởi cộng đồng người Việt ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam", Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với bà con người Việt ở Brazil.
Dư địa phát triển với Brazil rất lớn
Tối 23/9 theo giờ địa phương (sáng 24/9 giờ Việt Nam), sau một hành trình dài từ New York (Mỹ) tới Sao Paulo (Brazil) và sau những hoạt động trong lịch trình, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam vẫn dành thời gian gặp gỡ, chia sẻ với bà con người Việt nơi đây.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết cộng đồng người Việt hình thành trên 100 quốc gia với khoảng 6 triệu người, trong đó có 10% là trí thức, còn lại rất nhiều người hoạt động ở các lĩnh vực khác nhau nhưng cơ bản là thành công.
"Nghe Đại sứ báo cáo bà con không có ai quá vất vả, quá nghèo đói, đó là cái chúng tôi rất mừng", theo lời người đứng đầu Chính phủ Việt Nam. Ông nói giàu có chưa biết thế nào là đủ, nhưng nhìn trên khuôn mặt mọi người thể hiện sự ấm no, hạnh phúc, đó là điều rất đáng quý.
Về mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Brazil. Thủ tướng cho biết hai bên luôn ủng hộ nhau phát triển kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1989.
Đến nay, quan hệ thương mại hai chiều đạt 7 tỷ USD, quan hệ thương mại - kinh tế - đầu tư được xác định là định hướng lớn.
"Chúng tôi đang chỉ đạo tiếp tục đàm phán để ký được hiệp định thương mại với các nước trong khu vực Nam Mỹ và cả với Brazil, vì dư địa phát triển còn rất lớn", Thủ tướng nhận định.
Theo Thủ tướng, với dân số hơn 214 triệu dân và hơn 8 triệu km2 đất liền, Brazil là vùng đất có tiềm năng phát triển rất lớn. Việt Nam đang tính toán đàm phán để mở cửa thị trường này, tập trung vào lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam như xuất khẩu giày da, may mặc và thị trường nông thủy sản.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác về giáo dục, văn hóa vì dư địa này còn lớn.
Lãnh đạo Chính phủ cho rằng bà con người Việt ở Brazil có thể kêu gọi người thân hoặc đưa anh chị em, bạn bè có điều kiện sang làm ăn, sinh sống tại Brazil hay các nước Nam Mỹ khác, nhằm tiếp tục lan tỏa tinh thần Việt Nam.
"Trước đây chuyện đi lại khó khăn nhưng giờ thuận lợi hơn nhiều. Bà con có điều kiện có thể sang nước ngoài làm ăn, sinh sống. Chỉ cần hướng về quê hương, Tổ quốc thì ở đâu cũng đều tốt", theo lời Thủ tướng.
Ông mong bà con người Việt tại đây sẽ là cầu nối cho sự phát triển mối quan hệ hai nước.
Việt Nam trưởng thành, lớn mạnh
Thông tin về tình hình Việt Nam, Thủ tướng nhắc lại câu nói rất quan trọng ngày càng đúng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là "đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, cơ đồ, vị thế và uy tín như ngày nay".
"Chúng ta thoát ra từ chiến tranh, trải qua các cuộc kháng chiến chống phát xít, đế quốc, thực dân và đối mặt bao vây cấm vận… Nhưng trải qua nhiều hy sinh, mất mát, giờ đây chúng ta có thể sánh vai với các cường quốc năm châu về nhiều mặt", Thủ tướng nhận định.
Ông khái quát một số điểm nhấn về kinh tế, bình quân đầu người năm 2022 đạt hơn 4.000 USD, quy mô nền kinh tế đạt hơn 400.000 tỷ đồng và quan trọng nhất là không ai bị bỏ đói dù khó khăn, dù dịch Covid-19.
"Những năm qua khó khăn nhưng chúng ta đã làm tốt an sinh xã hội, đầu tư hơn 100.000 tỷ cho các gói an sinh và bao trùm nhiều đối tượng", Thủ tướng nói.
Trong khi đó, trên trường quốc tế, vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng được đánh giá cao. Sự trưởng thành, lớn mạnh của đất nước thể hiện trên nhiều lĩnh vực.
Thủ tướng dẫn chứng tại diễn đàn Liên Hợp Quốc mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói về quan hệ hai nước và coi đó là hình mẫu trong quan hệ quốc tế để gác lại quá khứ, cùng nhau hợp tác và hướng đến tương lai", theo lời Thủ tướng.
Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới phải lựa chọn giữa tăng trưởng hoặc lạm phát, Thủ tướng cho biết Việt Nam đã cân đối được cả hai mục tiêu này.
Thừa nhận những khó khăn nội tại của nền kinh tế về áp lực lạm phát hay vấn đề của thị trường chứng khoán, bất động sản, Thủ tướng nhận định sẽ khó khăn chung khi nền kinh tế có quy mô nhỏ, độ mở cao, sức chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn hạn chế.
Ông mong bà con ở nước ngoài đoàn kết và luôn hướng về quê hương, đất nước, đóng góp bằng việc lo tốt cho cuộc sống của mình và của gia đình, làm cầu nối giữa Việt Nam với các nước trở nên tốt đẹp hơn.
Hoài Thu (Từ Sao Paulo, Brazil)