Thủ tướng điểm lại 4 điều người dân lo lắng về tài nguyên môi trường
(Dân trí) - Trích dẫn một cuộc khảo sát xã hội, trong đó có câu hỏi “vấn đề lo lắng nhất trong cuộc sống hiện nay là gì?”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận, có 4 điều người dân lo lắng liên quan đến ngành tài nguyên và môi trường. “Tôi nói điều này để thấy chúng ta còn nhiều vấn đề khiến người dân lo lắng”- Thủ tướng nói.
Phát biểu tại Hội nghị của ngành tài nguyên và môi trường triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 ngày 8/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc đã tạo ra những gam màu tươi sáng hơn trong bức tranh về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
Thủ tướng cho rằng, 2018 là năm tăng trưởng vượt bậc của nền kinh tế, trong thành công đó có sự đóng góp trực tiếp và quan trọng của ngành tài nguyên và môi trường, nhất là trong quản lý tài nguyên, xử lý hài hòa sự cố môi trường, đảm bảo sự phát triển của người dân.
Thủ tướng đánh giá cao Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc đơn giản hóa thủ tục kinh doanh góp phần vào phát triển kinh - tế xã hội. Cụ thể, Bộ đã tích cực đổi mới phương thức quản lý môi trường từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa; bãi bỏ, sửa đổi gần 63% điều kiện kinh doanh; hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 97,2% cần cấp...
Đề cập đến các mặt tồn tại, hạn chế của ngành, Thủ tướng dẫn thông tin từ một cuộc khảo sát xã hội, trong đó có câu hỏi: Vấn đề lo lắng nhất trong cuộc sống hiện nay là gì? Kết quả là có 14 lo lắng, gồm: Việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, tham nhũng, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, an toàn thực phẩm, an toàn lao động, môi trường kinh doanh, thiên tai, tính minh bạch và tham gia quản trị nhà nước, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu.
“Như vậy, có 4 điều người dân lo lắng liên quan đến ngành tài nguyên và môi trường. Tôi nói điều này để thấy chúng ta còn nhiều vấn đề khiến người dân lo lắng”- Thủ tướng chia sẻ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra tình trạng quản lý, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản còn lãng phí, sai phạm; đặc biệt có địa phương đã chỉ đạo quyết liệt nhưng nhiều nơi còn buông lỏng quản lý, còn xảy ra tình trạng khai thác đá, cát sỏi trái pháp luật...
Thủ tướng cũng đề nghị phải xem xét thận trọng việc cho phép mở rộng các nhà máy xi măng trước tình trạng nhiều núi đá vôi bị khai thác triệt để. Một số cán bộ trong hệ thống tài nguyên và môi trường chưa gương mẫu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, thậm chí có cán bộ tham nhũng, tiêu cực, gây khó khăn....
Coi chừng thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu đổ dồn vào Việt Nam
Đề cập đến bối cảnh quốc tế thời gian qua và những năm tiếp theo, trong đó nhấn mạnh đến chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng hài hòa giữa kinh tế và môi trường, Thủ tướng nhấn mạnh đến tinh thần không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế nhưng cũng không cứng nhắc mà cần hài hòa trong phát triển.
Năm 2019 và các năm sau, Bộ Tài nguyên và Môi trường “phải coi chừng tình trạng thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu đổ dồn vào Việt Nam”. Một câu hỏi đặt ra với Bộ là làm thế nào để có thể chung tay bảo vệ môi trường, phát triển bền vững trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thủ tướng cũng đặt bài toán ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu cho ngành tài nguyên và môi trường trong năm 2019 và các năm tiếp theo. Trong biến đổi khí hậu chung của cả nước, Thủ tướng đặc biệt lưu ý biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long, sạt lở sông biển ở miền Trung và sạt lở núi cũng như lũ quét, lũ ống ở miền Bắc.
Bộ Tài nguyên và Môi trường phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật về môi trường, “làm sao giảm tình trạng xin - cho, làm sao công khai minh bạch, có chế tài xử lý nghiêm vi phạm, làm sao nhanh chóng, thuận lợi, phân cấp mạnh mẽ...”.
“Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cần ban hành bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố. Đến cuối năm cần công bố tỉnh, thành nào đứng đầu về công tác bảo vệ môi trường, còn tỉnh thành nào đứng cuối về chỉ số này” - Thủ tướng nói.
Bày tỏ quan tâm đến quy hoạch sử dụng đất đai, Thủ tướng lưu ý bất cập trong định giá quyền sử dụng đất khi mà hiện nay chưa bám sát giá thị trường. Cần đổi mới công tác định giá đất theo các chuẩn mực quốc tế, chống thất thoát, lãng phí.
Hiện nay còn khoảng 1,9 triệu ha đất chưa sử dụng, Thủ tướng yêu cầu rà soát, xác định quỹ đất này để đưa vào sử dụng hiệu quả, trong đó phải quan tâm phủ xanh diện tích đất trống, đồi núi trọc.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần chú trọng các nguy cơ liên quan đến sạt lở, sụt lún, động đất cũng như khám phá các giá trị địa chất Việt Nam để bảo vệ, phát triển du lịch. Phải tiếp tục quản lý tốt hơn việc khai thác cát lòng sông. Có phương án phục hồi các dòng sông “chết” ví dụ như sông Bắc Hưng Hải,…
Thế Kha