1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thủ tướng đề nghị phê chuẩn 2 Phó Thủ tướng mới

(Dân trí) - Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ngoài việc miễn nhiệm Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, chọn người thay thế, Thủ tướng còn đề nghị tăng thêm 1 Phó Thủ tướng cho Chính phủ. 2 nhân sự được giới thiệu là Bộ trưởng Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh.

Thông tin về nội dung công tác nhân sự tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 trong buổi họp báo chiều 17/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong kỳ họp này, Chính phủ có đề nghị phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chuyển sang làm công tác tại UB TƯ MTTQ Việt Nam. Việc đó đồng nghĩa phải chọn một nhân sự khác thay thế vị trí Phó Thủ tướng của ông Nhân.
 
Hai Bộ trưởng Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh được đề nghị phê chuẩn làm Phó Thủ tướng
Hai Bộ trưởng Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh được đề nghị phê chuẩn làm Phó Thủ tướng

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị tăng thêm 1 Phó Thủ tướng cho Chính phủ. “Như vậy, kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét phê chuẩn 2 chức danh Phó Thủ tướng” - ông Phúc nói.

Cụ thể về các nhân sự được đề nghị, ông Phúc chỉ rõ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã được đề nghị miễn nhiệm chức vụ này để giới thiệu đảm nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng.

Theo dự kiến, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình đề nghị Quốc hội xem xét phê chuẩn chức danh Phó Thủ tướng Chính phủ.

Với câu hỏi nhân sự được đề nghị thay thế vị trí các Bộ trưởng đảm nhiệm cương vị mới, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ông Phạm Bình Minh sẽ kiêm nhiệm cả 2 chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao và Phó Thủ tướng Chính phủ.

Còn phương án nhân sự thay thế Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, đến thời điểm này Thủ tướng vẫn chưa trình Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội.  

Trong chương trình, dự kiến ngày 13/11 tới, Thủ tướng sẽ trình Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm các nhân sự giữ chức vụ Phó thủ tướng Chính phủ, Quốc hội sẽ bỏ phiếu quyết định việc này vào sáng 14/11.

Ông Vũ Đức Đam sinh ngày 3/2/1963 tại xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Ông hiện là Ủy viên Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa 11, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Ông từng là Phó vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Bưu điện), Vụ trưởng Vụ ASEAN (Văn phòng Chính phủ), Vụ trưởng - Thư ký của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Ông Đam hiện là Bộ trưởng trẻ tuổi nhất trong Chính phủ.

Ông Phạm Bình Minh sinh năm 1959 tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông hiện là Ủy viên Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa 11, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông cũng là con trai cố Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (tên thật Phạm Văn Cương).
 

Khai mạc từ ngày 21/10 và dự kiến sẽ bế mạc ngày 31/11, kỳ họp Quốc hội thứ 6 này được đánh giá là kỳ họp kéo dài nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay với tổng cộng 44 ngày, trong đó có 35 ngày làm việc trực tiếp. Quốc hội lần họp này sẽ dành nhiều thời gian để xem xét, quyết định 2 đạo luật quan trọng là Hiến pháp năm 1992 sửa đổi và luật Đất đai sửa đổi.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sau những lần thảo luận tại 3 kỳ họp trước đã tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương, 120 điều. Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, hiện tại còn một số vấn đề vẫn còn ý kiến khác nhau.

Đầu tiên là quy định về chính quyền địa phương. Do chưa kịp tổng kết thí điểm không tổ chức HĐQND quận, huyện, phường cũng như thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, Đà Nẵng nên bản dự thảo trình Quốc hội lần này vẫn thiết kế 2 phương án. Phương án 1 để ngỏ quy định về chính quyền địa phương để bổ sung, quyết định sau khi tổng kết việc thí điểm. Phương án 2 quy định rõ hơn, chính quyền gồm HĐND, UBND nhưng không phải nơi nào cũng đầy đủ 3 cấp chính quyền, một số nơi sẽ không có cấp phường, quận (không tổ chức HĐND). Thăm dò ý kiến qua Hội nghị đại biểu QH chuyên trách nửa tháng trước, đa số ý kiến nghiêng về phương án 1.

Vấn đề Hội đồng Hiến pháp, ông Phúc phân tích, việc bảo vệ Hiến pháp hiện được giao cho các UB, Hội đồng dân tộc của Quốc hội có chức năng giám sát, đảm bảo tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật. Qua giám sát, các cơ quan này đã phát hiện được một số văn bản vi hiến, kịp thời yêu cầu chỉnh sửa lại. Mô hình cơ quan bảo hiến độc lập tại Việt Nam rất mới, chưa từng áp dụng. Vì vậy dự thảo cũng có 2 phương án. Phương án 1 quy định việc tổ chức Hội đồng Hiến pháp, phương án 2 giữ nguyên như bộ máy hiện hành, chỉ đầu tư thêm cơ sở vật chất, con người cho các cơ quan hiện tại để làm công tác bảo vệ Hiến pháp được tốt hơn.

Luật Đất đai sửa đổi cũng đã qua lần thứ 3 thảo luận tại Quốc hội. Quyết định lùi bấm nút vào phút chót tại kỳ họp thứ 5, kỳ họp thứ 6 này, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng sẽ được thông qua, sau khi dự thảo sửa đổi Hiến pháp được quyết định. Dự thảo mới nhất đã tăng 2 điều so với lần trình ra Quốc hội hồi đầu năm.

Về vấn đề thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, các ý kiến đã thống nhất vẫn quy định thu hồi đất với các dự án loại này. Tuy nhiên, trong luật ghi rất rõ danh mục dự án phục vụ phát triển kinh - tế xã hội gồm dự án nào.

Ngoài ra, kỳ họp này cũng có sự điều chỉnh nhỏ trong chương trình chất vấn. Theo thông lệ, mỗi kỳ họp Quốc hội thường bố trí 2,5 ngày để chất vấn các thành viên Chính phủ nhưng kỳ họp thứ 6 này, hoạt động chất vấn được nâng lên 3 ngày để Quốc hội có thêm thời gian xem xét báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Chất vấn từ kỳ họp 3, 4 , 5 đến giờ cũng như báo cáo thêm việc thực hiện Nghị quyết 37 của Quốc hội về công tác tư pháp.

P.Thảo