1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thủ tướng có thể họp qua cầu truyền hình

(Dân trí) - Thủ tướng có thể làm việc chuyên đề với một số Bộ trưởng, một nhóm doanh nghiệp thông qua cầu truyền hình. Đây là một trong những đề xuất của Văn phòng Chính phủ tại phiên họp thường kì Chính phủ tháng 8. Hình thức họp này dự kiến thực hiện từ 1/1/2008.

Tại cuộc họp báo chiều 28/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tại phiên họp thường kì của Chính phủ tháng 8, những đề xuất của Văn phòng Chính phủ nhằm cải cách lề lối làm việc của Chính phủ đã được các thành viên Chính phủ cho ý kiến, nhiều đề xuất đã được thông qua.

 

Theo đó, mặc dù Bộ trưởng Bộ chủ trì là người chịu trách nhiệm cao nhất, cuối cùng về các vấn đề, đề án, chuyên ngành mình quản lí, nhưng văn phòng Chính phủ có trách nhiệm làm đầu mối phối hợp với các bộ ngành để xử lí các vấn đề còn những ý kiến khác nhau, trước khi trình Thủ tướng. Việc này có ý nghĩa thúc đẩy nhanh hơn quá trình xây dựng các văn bản, đưa ra quyết định đối với các vấn đề quan trọng.

 

Trước các phiên họp Chính phủ, Văn phòng Chính phủ gặp các Bộ trưởng để rà soát các các đề án. Thực hiện biểu quyết giơ tay tại các phiên họp. Tăng số phiên họp hàng tháng của Chính phủ (hiện nay  mỗi tháng mọt lần), rút ngắn thời gian phiên họp.

 

Tăng cường trang bị cho các phòng họp, trang bị máy tính xách tay cho các bộ trưởng làm việc tại phiên họp Chính phủ. Trang bị các phương tiện kĩ thuật để Thủ tướng có thể làm việc chuyên đề với một số bộ trưởng hoặc một nhóm doanh nghiệp. Dự kiến hình thức họp này bắt đầu được thực hiện từ 1/1/2008.

 

Thủ tướng có thể họp qua cầu truyền hình - 1

Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 8/2007. (Ảnh: Website Chính phủ).

 

Thành lập 16 Tổng cục

 

Dự thảo Nghị định mới về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, cơ quan ngang bộ cũng đã được Chính phủ cho ý kiến. Theo ông Trần Văn Tuấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nghị định này không qui định Bộ là đại diện chủ sở hữu vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp. Qui định này nhằm tiến tới bỏ dần chức năng “bộ chủ quản” đối với doanh nghiệp, từng bước giao cho đơn vị khác quản lí.

 

Về cơ cấu các Bộ, theo ông Tuấn, các bộ có “phần cứng” gồm 6 đơn vị: Vụ kế hoạch - tài chính, vụ tổ chức cán bộ, vụ pháp chế, hợp tác quốc tế, thanh tra, văn phòng bộ. Tùy điều kiện cụ thể, các bộ sẽ có các vụ chuyên ngành, chuyên sâu khác.

 

Tại phiên họp, 16 tổng cục, tổ chức tương đương đã được Chính phủ thống nhất thành lập:

 

Bộ Tài chính: Tổng cục thuế, Tổng cục Hải Quan, Ủy ban Chứng khoán, Kho bạc

 

Bộ Kế hoạch - Đầu tư: Tổng cục Thống kê

Bộ Khoa học - Công nghệ: Tổng cục Đo lường chất lượng

Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội: Tổng cục Dạy nghề

Bộ Ngoại giao: Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Biên giới quốc gia

 

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch: Tổng cục Du lịch, Tổng cục TDTT

 

Bộ Y tế: Tổng cục Dân số

 

Bộ Nội vụ: Ban Thi đua khen thưởng, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ.

 

Chính phủ cũng giao các bộ chuyên môn và bộ Nội vụ nghiên cứu trình 1 số đơn vị có thể thành lập tổng cục trong thời gian tới.

 

Theo dự thảo nghị định, Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan ngang bộ được quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức cấp trưởng, cấp phó Tổng cục (trước đây Thủ tướng kí các quyết định với Tổng cục trưởng). Về thẩm định của các ban Đảng đối với cán bộ, qui trình đề bạt cán bộ vẫn được giữ như trước.

 

Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan ngang bộ phân cấp cho người đứng đầu các tổ chức thuộc bộ được bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với cấp trưởng, cấp phó các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức tổng cục, cục.

 

Về quản lí nhà nước đối với hội, tổ chức phi Chính phủ, các ý kiến thống nhất giao cho bộ Nội vụ quản lí thông qua: cấp phép, ra quyết định thành lập, duyệt điều lệ.

 

“Đối với một số người đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang bộ trước khi hợp nhất, nếu còn trong tuổi lao động còn có năng lực có thể đáp ứng được, tới đây Thủ tướng sẽ có quyết định giao nhiệm vụ phù hợp với khả năng” - Đó câu trả lời của ông Tuấn đối với các câu hỏi về trường hợp của các ông Nguyễn Danh Thái (nguyên Chủ nhiệm UBTDTT), Lê Đức Thuý (nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước).

 

Mạnh Cường