Thủ tướng: Biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan diễn ra nhiều nơi
(Dân trí) - Nêu một số rủi ro mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc tới thách thức về an ninh lương thực, biến đổi khí hậu và tình trạng thời tiết cực đoan diễn ra ở nhiều nơi.
Nhiều yếu tố tác động tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập khi phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, sáng 5/8.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng ta đã đi qua tháng đầu tiên của quý III trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp; khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.
Trên thế giới, tăng trưởng thấp trong khi cầu tiêu dùng còn yếu, lạm phát vẫn ở mức cao, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt.
Bên cạnh đó, áp lực nợ công, nợ xấu của doanh nghiệp, rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản vẫn còn cao tại một số quốc gia. Hệ thống ngân hàng Mỹ tiềm ẩn yếu tố rủi ro.
Thủ tướng cho rằng các nước trên thế giới vẫn đang giải "bài toán khó" giữa thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.
Đáng chú ý, người đứng đầu Chính phủ cho biết đã xuất hiện một số rủi ro, thách thức mới về an ninh lương thực toàn cầu khi Nga, Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực trong nước, ảnh hưởng đến nguồn cung gạo trên thế giới. Nguồn cung dầu thô tiếp tục bị thu hẹp, đẩy giá dầu tăng cao nhất kể từ tháng 4.
Đặc biệt, biến đổi khí hậu, tình trạng thời tiết cực đoan diễn ra ở nhiều nơi, hạn hán kéo dài trên phạm vi rộng, bão lũ, thiên tai tại nhiều quốc gia.
Trong khi đó, ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi do tác động kép và sức ép từ cả bên trong lẫn bên ngoài; nhiều vấn đề tồn tại, yếu kém kéo dài nhiều năm, trong đó các vấn đề của thị trường trái phiếu, bất động sản… bộc lộ rõ hơn trong bối cảnh khó khăn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu dự báo tình hình thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nền kinh tế nước ta đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc.
Thủ tướng lưu ý trong tháng 8, có nhiều sự kiện quan trọng như Lễ kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9. Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm thường xuất hiện mưa bão, rủi ro thiên tai… Vì thế, còn rất nhiều việc cần tập trung thực hiện để đạt mục tiêu đề ra.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận, phân tích kỹ, khách quan, trung thực, đánh giá toàn diện tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng, trong đó nêu rõ những việc nào đã làm tốt để tiếp tục phát huy và làm tốt hơn, những việc còn chưa đạt yêu cầu, nguyên nhân khách quan, chủ quan, những kinh nghiệm quý, bài học hay.
Cũng theo yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ, các ý kiến cần dự báo bối cảnh, tình hình thời gian tới, từ đó đưa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Theo chương trình, trong phiên họp thường kỳ tháng 7, Chính phủ sẽ tập trung thảo luận một số nội dung: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2023; triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia; rà soát, tổng hợp nhu cầu điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.
Chính phủ cũng xem xét kết quả xử lý kiến nghị, đề xuất của địa phương gửi đến đoàn công tác của thành viên Chính phủ.