Thủ tướng phê duyệt Chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài
(Dân trí) - Các cơ quan được khuyến khích phát hiện, giới thiệu, tiến cử nhân tài vào làm việc trong cơ quan Nhà nước. Đó là một nội dung quan trọng trong Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp mạnh, đột phá để thu hút và trọng dụng nhân tài cả trong và ngoài nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
Các ngành, lĩnh vực mũi nhọn được chú trọng công tác này bao gồm: khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa; khoa học xã hội; y tế; thông tin và truyền thông, chuyển đổi số...
Chiến lược đặt ra mục tiêu đến tháng 6 năm 2024, 100% các bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp với Chiến lược quốc gia và yêu cầu thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, có lợi thế.
Năm 2025, các đơn vị thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước khoảng 10% so với tổng số tuyển dụng mới.
Đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, tỷ lệ nhân tài thu hút vào làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước không dưới 20% so với tổng số các trường hợp tuyển dụng mới hàng năm.
Chiến lược cũng đặt mục tiêu 100% nhân tài (được công nhận) tiếp tục ở lại làm việc sau 5 năm được thu hút và trọng dụng làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước.
Đồng thời, tỷ lệ nhân tài được đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực khoa học - công nghệ đạt 30% vào năm 2025; đạt 60% vào năm 2030 để tiến tới đạt 100% vào năm 2050.
Một trong các nhiệm vụ và giải pháp đặt ra là khuyến khích và phát hiện, tiến cử nhân tài. Trong đó, việc tìm kiếm nhân tài nhằm phát hiện người có phẩm chất đạo đức, lối sống chuẩn mực; có khát vọng cống hiến, có trình độ, năng lực sáng tạo vượt trội.
Các nhóm thuộc mọi đối tượng từ học sinh, sinh viên, người có học vị, học hàm, cán bộ công chức, viên chức, người lao động và những người có trình độ, năng lực vượt trội, kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở cả trong và ngoài nước.
Chiến lược cũng đề ra giải pháp đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong các ngành, lĩnh vực theo hướng phát triển tối đa năng lực, phát triển những năng khiếu chuyên biệt, năng lực nổi bật của nhân tài.
Bên cạnh đó, Thủ tướng mong muốn tập hợp, phát triển đội ngũ giảng viên tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân tài là các chuyên gia, nhà giáo dục, khoa học, lãnh đạo, quản lý, kinh doanh đầu ngành, có trình độ, kinh nghiệm, uy tín cao ở trong và ngoài nước; chú trọng mời đội ngũ giáo sư, chuyên gia đầu ngành gốc Việt trở về làm việc, tham gia giảng dạy tại Việt Nam.