Thủ tướng bất ngờ truy vấn trực tuyến, nhiều cán bộ chống dịch "đứng hình"
(Dân trí) - Không báo trước, Thủ tướng đột xuất yêu cầu kết nối với các điểm cầu xã, phường để kiểm tra công tác chống dịch bằng cách đặt câu hỏi với người đứng đầu cơ sở về các nội dung triển khai trên địa bàn.
Chiều 5/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chủ trì họp trực tuyến toàn quốc với 63 tỉnh, thành, 705 quận, huyện, thị xã, 9.043 xã, phường, thị trấn…
Qua trung tâm chỉ huy, điều hành chống dịch thiết lập tại phòng làm việc, Thủ tướng trực tiếp kiểm tra tình hình chống dịch tại cơ sở bằng cách chất vấn cán bộ chịu trách nhiệm với hoạt động này.
Cụ thể, trong cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu kết nối đột xuất với nhiều lãnh đạo xã, phường, quận, huyện có diễn biến dịch phức tạp trên cả nước. Người đứng đầu Chính phủ sau đó đặt câu hỏi, kiểm tra xem người đứng đầu cơ sở nắm vững tới đâu về tình hình dịch, phương pháp chống dịch, các quan điểm chỉ đạo của Trung ương và liên tục đặt ra các câu hỏi về công tác điều trị bệnh nhân F0, công tác y tế, xét nghiệm, đảm bảo an sinh xã hội.
Một phường phát hiện 263 F0 trong ngày cho thấy khu vực "rất đỏ"
Kết nối với điểm cầu tại Phường 5, Quận 5, TPHCM Thủ tướng nghe cán bộ cơ sở báo cáo về các bước xét nghiệm để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Thủ tướng đặt câu hỏi "đến khi nào phường có thể xét nghiệm hết cho người dân trên địa bàn phường, theo hướng dẫn của Bộ Y tế"? Nữ cán bộ phụ trách cơ sở này trả lời: "Đến 15/9 sẽ đạt được mục tiêu quét hết". Thủ tướng "vặn" lại: "Nhưng giờ mới quét được 2 lần thì phải làm sao?".
Cán bộ cơ sở này lúng túng. Thủ tướng nhận xét, việc này cho thấy Phường 5 Quận 5 còn "rất đỏ". Ngày hôm qua, trên địa bàn, qua xét nghiệm vẫn phát hiện được 263 F0, cho thấy nguy cơ dịch bệnh rất cao. Vậy nên cần xét nghiệm thần tốc, xét nghiệm càng nhanh càng tốt trong thời gian giãn cách.
Thủ tướng cũng nhắc các cán bộ làm công tác phòng chống dịch tại cơ sở cần nắm vững những nội dung hướng dẫn của Bộ Y tế về từng phần việc như xét nghiệm, điều trị, dự phòng.
Tiếp tục, tại phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, cán bộ cơ sở báo cáo kế hoạch đến 15/9 sẽ cơ bản kiểm soát được dịch. Tình hình diễn biễn dịch hiện đang có xu hướng đi xuống, rất khả quan.
Thủ tướng hỏi, đưa trạm y tế lưu động xuống có giúp cơ sở triển khai việc chống dịch thuận lợi hơn không? Vị cán bộ này khẳng định hiệu quả mang lại của việc này giúp điều trị kịp thời cho các ca bệnh, tỷ lệ tử vong, theo đó, cũng giảm hẳn.
Người đứng đầu Chính phủ tiếp tục kiểm tra, yêu cầu cán bộ này nhắc lại "từ khóa" trong nội dung hướng dẫn công tác xét nghiệm của Bộ Y tế. Người được hỏi không có câu trả lời. Thủ tướng nhắc nhở, từ khóa đó là "thần tốc".
Thủ tướng giải thích, phải thần tốc xét nghiệm là vì muốn đánh địch thì phải biết tình hình "binh tình" của địch thế nào, nằm ở đâu. Xét nghiệm chính là để biết dịch khu trú chỗ nào trong cộng đồng. Đó cũng là ý nghĩa của phương châm "chống dịch như chống giặc".
"Các cán bộ phải về nghiên cứu tiếp những nội dung này nhé. Các đồng chí làm thì được đấy nhưng mà nghiên cứu thì… chưa thuộc bài lắm" - Thủ tướng nhận xét.
Thiết lập kịch bản thích ứng nơi tiêm đủ 2 liều vắc xin
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao sự hưởng ứng, đồng tình, vào cuộc, chia sẻ, thông cảm của nhân dân để thực hiện được mục tiêu chống dịch, phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng cũng chia sẻ sự thấu hiểu khó khăn và cả những mất mát của nhân dân trong dịch bệnh, trong lúc giãn cách xã hội, thiếu vắc xin và mong nhân dân thông cảm, chia sẻ, tích cực tham gia phòng chống dịch, nhất là việc thực hiện giãn cách xã hội để ngăn chặn lây lan trong cộng đồng.
Trong lúc đang đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin đảm bảo thích ứng an toàn với dịch Covid-19, theo Thủ tướng, thực hiện phòng dịch vẫn là cơ bản, quyết định, trong đó có biện pháp giãn cách xã hội.
Về biện pháp chống dịch, Thủ tướng cho biết, rút kinh nghiệm gần 2 năm qua, học hỏi kinh nghiệm thế giới, qua đó, đang từng bước hoàn thiện và các ý kiến tại cuộc họp đều thống nhất, Việt Nam đang đi đúng, trúng. Điều chỉnh lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện từ tập trung sang kết hợp hài hòa, giữa tập trung và vừa lãnh đạo chỉ đạo chuyên sâu, lại phân cấp, phân quyền, phân tán, lấy xã, phường, thị trấn làm pháo đài, người dân là chiến sĩ, người dân là chủ thể, trung tâm trong phòng, chống dịch.
Về kết quả phòng, chống dịch, sau thời gian triển khai, Thủ tướng yêu cầu, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tiếp thu ý kiến, tham khảo bài học quốc tế, từng bước thực hiện tốt và hiệu quả hơn.
Một lần nữa, Thủ tướng quán triệt, các địa phương đang phải giãn cách xã hội, giãn cách tăng cường phải thực hiện được 5 nhiệm vụ quan trọng đã được giao.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương đã hy sinh giãn cách xã hội phải đạt được mục tiêu cụ thể, chứ không để kéo dài, lai rai mãi mà không có kết quả gì. Trong thời gian giãn cách xã hội làm chập chờn thì mất cả hai: không kiểm soát được dịch mà kinh tế thiệt hại, đời sống người dân bị ảnh hưởng.
Thủ tướng thông tin, 3 ngày trước, bộ phận chuyên môn đã thiết lập hệ thống điều hành chỉ huy từ phòng làm việc của Thủ tướng đến cấp xã, phường, thị trấn - những pháo đài phòng chống dịch. Qua đây, Thủ tướng có thể kiểm tra, giám sát đến cấp cơ sở là xã, phường, thị trấn, bởi thành công hay không là ở cấp này.
Thủ tướng yêu cầu, từng bước khôi phục và phát triển sản xuất tại các địa phương kiểm soát được dịch bệnh, sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất. Tăng cường lưu thông hàng hóa, bảo đảm hàng hóa, nguyên liệu cho sản xuất, không ban hành giấy phép con, gây phiền hà, tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ.
Thủ tướng gợi ý, sau khi tiêm vắc xin, nhất là nơi tiêm đủ 2 mũi, có thể thiết lập kịch bản thích ứng an toàn: Giao thông an toàn, đi lại an toàn, sản xuất an toàn và ý thức an toàn để bảo vệ mình, bảo vệ gia đình, bảo vệ cộng đồng xã hội.
Lãnh đạo các cấp đang quyết liệt đẩy mạnh ngoại giao vắc xin ở các cấp Bộ trưởng, Chính phủ và nguyên thủ quốc gia, cả song phương và đa phương nhằm đưa về nước lượng vắc xin nhiều nhất, nhanh nhất có thể. Trong đó, chủ trương được thống nhất là quan tâm hết sức việc tiêm vắc xin cho trẻ em - Thủ tướng cũng cho biết thêm.