Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng bị "phê" vì quy định chống dịch thiếu cân nhắc
(Dân trí) - Báo cáo ngày 5/9 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 nêu tên 3 thành phố trên, nhắc nhở về việc ban hành quy định phòng, chống dịch chưa cân nhắc kỹ lưỡng, gây bức xúc trong dư luận.
Báo cáo trên được Ban chỉ đạo quốc gia xem xét, thảo luận trong cuộc họp chiều 5/9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban chỉ đạo.
Địa phương ban hành hướng dẫn chống dịch khác Trung ương
Tại cuộc họp, trên tinh thần không báo trước, Thủ tướng yêu cầu kết nối đột xuất với nhiều lãnh đạo xã, phường, quận, huyện có diễn biến dịch phức tạp trên cả nước. Người đứng đầu Chính phủ tiếp tục kiểm tra xem người đứng đầu cơ sở nắm vững tới đâu về tình hình dịch, phương pháp chống dịch, các quan điểm chỉ đạo của Trung ương và liên tục đặt ra các câu hỏi về công tác điều trị bệnh nhân F0, công tác y tế, xét nghiệm, đảm bảo an sinh xã hội.
Trong báo cáo, Ban Chỉ đạo Quốc gia nêu một trong những vấn đề tồn tại, thách thức trong chống dịch là vẫn còn một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ… khi ban hành các quy định phòng, chống dịch theo thẩm quyền, nhất là vấn đề giao thông, lưu thông hàng hóa, chưa cân nhắc kỹ lưỡng một số mặt như cách làm, thời điểm thực hiện, việc đánh giá tác động và chuẩn bị truyền thông. Vì thế, việc này đã nên gây bức xúc trong dư luận.
Một số địa phương còn ban hành các hướng dẫn khác với Trung ương chưa kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo Quốc gia.
Tình hình an ninh trật tự tại các khu công nghiệp, an ninh công nhân tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nếu không làm tốt công tác phòng ngừa dễ bị kích động, bùng phát thành điểm nóng về an ninh trật tự, đặc biệt là ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp. An ninh mạng diễn ra nhiều vụ việc đưa tin sai sự thật về hoạt động phòng, chống dịch của cơ quan nhà nước. Tình trạng vận chuyển vật tư, trang thiết bị, thuốc giả, hàng kém chất lượng, không có hóa đơn, xuất xứ diễn biến phức tạp.
Hà Nội có 8 chuỗi lây nhiễm chưa rõ nguồn lây
Cập nhật diễn biến tình hình dịch bệnh tại các "điểm nóng" trên cả nước, Ban Chỉ đạo quốc gia cho biết, từ 27/4 đến ngày 4/9/2021, TPHCM ghi nhận tích lũy 245.188 ca mắc (chiếm 48,4% tổng số ca mắc của cả nước).
Sau một tuần triển khai xét nghiệm toàn dân, thành phố phát hiện 38.000 ca dương tính trong tổng số 1,27 triệu người được lấy mẫu (tỷ lệ nhiễm khoảng 2,9%). Tính chung qua 2 đợt lấy mẫu diện rộng, tỷ lệ người nhiễm bệnh ở mức 3.4%.
Tại Bình Dương, cùng thời gian trên đã tích lũy gần 129.000 ca bệnh được xác định, tập trung chủ yếu tại Tân Uyên, Dĩ An và Thuận An. Tỷ lệ F0 được phát hiện qua xét nghiệm tầm soát thấp hơn TPHCM, khoảng 2,1%.
Hà Nội, từ 27/4 đến ngày 4/9, ghi nhận tích lũy 3.520 ca, trong đó có 1.569 ca phát hiện ngoài cộng đồng.
Ban chỉ đạo quốc gia thông tin, tại Hà Nội có 11 chuỗi lây nhiễm gồm 3 chuỗi đã xác định được nguồn lây và 8 chuỗi lây nhiễm chưa rõ nguồn lây. Trong đó, ổ dịch phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân (492 ca), ổ dịch phường Văn Miếu và Văn Chương (204 ca), ổ dịch Giáp Bát, Hoàng Mai (50 ca) đang là những ổ dịch có diễn biến phức tạp nhất trên địa bàn thành phố.
Trong 7 ngày gần đây số ca mắc có xu hướng tăng, trung bình mỗi ngày trên 70 ca.
Ban chỉ đạo quốc gia nêu mục tiêu, đến 15/9, tại các khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao phải lấy mẫu xét nghiệm tất cả người dân ít nhất 3 lần (2-3 ngày/lần); các khu vực khác lấy mẫu xét nghiệm tất cả người dân ít nhất một lần (từ 5-7 ngày/lần).
Cùng với đó, cơ quan điều hành chống dịch quán triệt khẩn trương tiêm vắc xin ngay khi được phân bổ, ưu tiên tiêm cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người dân tại khu vực nguy cơ cao, rất cao, khu vực có mật độ dân cư cao.