Thủ tướng: "Báo chí cần tập trung phát hiện những vấn đề nóng, nhạy cảm"
(Dân trí) - Theo định hướng của Thủ tướng Phạm Minh Chính, báo chí cần tập trung phát hiện những vấn đề nóng, nhạy cảm cũng như điểm nghẽn đang được dư luận quan tâm, đi vào những vấn đề khó và phức tạp.
Sáng 13/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023).
Cuộc làm việc nhằm chia sẻ, lắng nghe các ý kiến để đổi mới quản lý Nhà nước với báo chí, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi, điều kiện tốt nhất có thể cho báo chí. Tinh thần được Thủ tướng quán triệt là "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm", "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể".
Báo chí đối mặt nhiều thách thức
Theo người đứng đầu Chính phủ, trong chiến tranh hay hòa bình, báo chí đều thể hiện vai trò quan trọng.
Nhìn lại 2 năm trước, khi cả thế giới phải đối mặt với dịch Covid-19 với đầy khó khăn, thách thức, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò của báo chí, đặc biệt trong giai đoạn Việt Nam chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, mở cửa trở lại, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhìn nhận báo chí đi tiên phong trong phản ánh chính sách mới, những bất cập chính sách, phát hiện những mô hình mới, kinh nghiệm hay, cách làm tốt, những tấm gương điển hình trong đời sống xã hội.
Cùng với đó, báo chí góp phần đề cao giá trị nhân văn, lòng nhân ái, vị tha, cuộc sống tinh thần, mục tiêu, lý tưởng, hoài bão, ước mơ.
"Nhiều bài báo xúc động, đầy tình người, làm lay động con tim, tạo được sự đồng cảm, chia sẻ, tạo động lực, truyền cảm hứng, mang lại niềm tin, sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần đối với những mảnh đời éo le, những số phận bất hạnh, giúp họ tự tin vươn lên trong cuộc sống, làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn", Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ.
Dù vậy, lãnh đạo Chính phủ đánh giá bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của báo chí vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nhất là về mô hình tổ chức, công tác giám sát sinh hoạt của hội viên...
Đặc biệt là những tồn tại, hạn chế như vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của một số cơ quan báo chí và người làm báo; tình trạng "báo hóa" tạp chí, trang tin điện tử tổng hợp; biểu hiện "tư nhân hóa báo chí"; phản ánh nhiều bạo lực, chạy theo thị trường, thiếu tính định hướng, thiếu tính giáo dục và nhân văn…
Thủ tướng chia sẻ với khó khăn, thách thức mà các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí, truyền thông và những người làm báo trên cả nước đang phải đối mặt, nhất là vấn đề về kinh tế báo chí, biên chế, tài chính, cơ sở vật chất và cơ chế, chính sách với Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí.
Tăng cường thông tin phân tích và báo chí giải pháp
Đưa ra dự báo tình hình tới đây còn nhiều thách thức, Thủ tướng cũng gợi mở nhiều vấn đề để báo chí nỗ lực đạt được các mục tiêu đề ra.
"Cùng nhau chung sức, đồng lòng xây dựng và phát triển đội ngũ người làm báo nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, sâu sắc về khoa học và công nghệ, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại", Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Thủ tướng lưu ý cần tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, qua đó giúp chấn chỉnh những "lệch chuẩn" về đạo đức nghề nghiệp, thúc đẩy giá trị nhân văn trong hoạt động báo chí.
Thủ tướng đề nghị các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo, cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tăng cường tập hợp, đoàn kết hội viên, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền; làm tốt vai trò giám sát, phản biện; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, trung thực, minh bạch.
Theo định hướng của người đứng đầu Chính phủ, báo chí cần tập trung phát hiện những vấn đề nóng, nhạy cảm, mới xuất hiện, các nút thắt, điểm nghẽn đang được dư luận quan tâm; đi vào những vấn đề khó, phức tạp trong nước và quốc tế.
Mặt khác, báo chí cần phản ánh sinh động, khách quan, đa chiều, toàn diện, khoa học, sâu sắc và có giải pháp cho từng vấn đề; tăng cường thông tin phân tích, phát huy vai trò báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc nhở báo chí không né tránh những vấn đề tiêu cực, góp phần đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng đưa tin theo hướng xây dựng, tìm ra cách khắc phục để đem lại cái nhìn và kết quả tích cực hơn cho cộng đồng.
Thủ tướng mong muốn báo chí phải đi đầu trong phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, người tốt, việc tốt, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, tạo động lực, truyền cảm hứng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, xã hội.
"Báo chí cần đẩy mạnh đấu tranh bảo vệ chân lý, lẽ phải, người lương thiện; lên án cái xấu, cái ác, cái tiêu cực; chống lại những suy nghĩ và hành động sai trái, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống", Thủ tướng quán triệt tuyệt đối không để trống, không nhường mặt trận nóng bỏng này cho các thế lực thù địch.
Đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí
Trong định hướng hoạt động tới đây, Thủ tướng nhấn mạnh cần đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí gắn với kinh tế số và kinh tế báo chí truyền thông; tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các công nghệ mới vào hoạt động báo chí, truyền thông; bám sát các xu hướng tất yếu trong báo chí, truyền thông thế giới để đổi mới và làm tốt vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng cần tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, liên kết trong hoạt động báo chí để nhà báo bớt khó khăn trong cuộc sống, yên tâm với công việc, để tâm sáng, lòng trong, bút sắc, tạo nên những sản phẩm thực sự có chất lượng cao.
Cũng tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ ngành đã trao đổi, giải đáp, Thủ tướng đã chỉ đạo và cho chủ trương xử lý các đề xuất, kiến nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí.
Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới hoạt động báo chí như Nghị định 60 về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, một số thông tư của các bộ; tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch báo chí hợp lý, hiệu quả hơn…