Thủ tướng: Báo chí cần phản ánh những biểu hiện nhũng nhiễu, tham nhũng vặt

(Dân trí) - Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bên cạnh việc đưa tin các vụ việc lớn được dư luận xã hội quan tâm, báo chí cũng phải phản ánh về những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt” gây phiền hà, bức xúc đối với đời sống của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngày 15/8, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Lễ trao giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ hai, năm 2018 - 2019.

Tham dự lễ trao giải có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương…

Ban tổ chức cho biết, giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ hai, năm 2018 -2019 đã nhận được 1.002 tác phẩm hợp lệ của 4 loại hình (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình) của trên 100 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương. Hội đồng chung khảo đã chọn được 35 tác phẩm xuất sắc để trao 4 giải A, 9 giải B, 10 giải C và 12 giải khuyến khích.

Trong các tác phẩm trên, ban tổ chức giải cho rằng, có nhiều tác phẩm được thể hiện công phu và theo phong cách làm báo mới như tác phẩm: “Ma trận vàng đen trong cơn khát … năng lượng” của nhóm tác giả Báo điện tử Vietnamplus; một số tác phẩm có nội dung đề tài đa dạng, bám sát tiêu chí của đề ra như: loạt bài “Ai để SABECO bán rẻ đất vàng” đăng trên Báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh (3 bài); Loạt bài: Truyền bá chuyện vong báo oán tại chùa Ba Vàng (5 bài) đăng trên Báo Lao động.

Thủ tướng: Báo chí cần phản ánh những biểu hiện nhũng nhiễu, tham nhũng vặt - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ trao giải báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tha nhũng, lãng phí

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng BCĐ TƯ về phòng chống tham nhũng - công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ hơn và đạt những kết quả toàn diện, để lại dấu ấn đậm nét.

Theo Thủ tướng, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm. Đặc biệt, đã xử lý quyết liệt, nghiêm minh nhiều tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên sai phạm, kể cả cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang, kể cả cán bộ đương chức và nghỉ hưu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật bất kể người vi phạm là ai.

Thủ tướng nhấn mạnh, những kết quả trên đã tạo bước đột phá, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân, đồng thời có tác dụng phòng ngừa, răn đe rõ rệt; vừa cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn chặn tham nhũng, vừa khích lệ các nhân tố tích cực tham gia phòng chống tham nhũng.

Có được những kết quả nêu trên, Thủ tướng đề cập đến vai trò quan trọng của MTTQ Việt Nam, các tổ chức đoàn thể, cơ quan báo chí, đặc biệt là những người làm báo. Các cơ quan truyền thông, báo chí đã đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao hình ảnh và vị thế của đất nước trong cộng đồng quốc tế.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng lãng phí, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn tin tưởng, kỳ vọng và đánh giá cao vai trò của báo chí. Báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước; phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…

Thủ tướng: Báo chí cần phản ánh những biểu hiện nhũng nhiễu, tham nhũng vặt - 2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải A

Để góp phần tích cực hơn nữa, theo Thủ tướng cần phải phát huy vai trò giám sát của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, báo chí và công luận trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Thủ tướng cũng cho rằng, cần phải có cơ chế phối hợp giữa MTTQ các cấp, cơ quan báo chí, các cơ quan kiểm tra, thanh tra, các cơ quan bảo vệ pháp luật, các bộ ngành liên quan… để giải quyết, xử lý những vụ việc do nhân dân, do báo chí phát hiện, phản ánh

“Bên cạnh việc đưa tin các vụ án, vụ việc lớn, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, báo chí cũng phải phản ánh về những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, cửa quyền, “tham nhũng vặt” xảy ra, gây không ít phiền hà, bức xúc đối với đời sống của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Quang Phong