1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thứ trưởng GTVT: “Uy tín người làm cầu đường giảm vì vấn đề hằn lún”

(Dân trí) - “Những đoạn tuyến bị hằn lún là do các nhà thầu, chủ đầu tư còn chủ quan khi tổ chức thi công. Tuy nhiên, còn một mét đường nào hằn lún thì Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ có trách nhiệm nghiên cứu, khắc phục tới cùng” - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định.

Hội nghị trao đổi kinh nghiệm thiết kế, thi công, quản lý chất lượng, xử lý hiện tượng hằn lún vệt bánh xe mặt đường bê tông nhựa, diễn ra hôm qua (30/6) tại Bộ GTVT, đã thu hút nhiều ý kiến của các đơn vị ngành này, cùng với kết quả đánh giá của “Tổ đặc nhiệm” của Bộ này thì nhiều nguyên nhân của tình trạng hằn lún đường đã được đưa ra.

Mặt đường chưa chắc đã… thông xe

Là Tổ trưởng Tổ đặc nhiệm và trực tiếp dẫn đoàn đi kiểm tra chất lượng các tuyến đường trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, ông Hoàng Hà - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ - cho biết, do việc tổ chức thi công, công tác thiết kế, quản lý chất lượng bê tông nhựa chưa tốt và chưa đúng yêu cầu kỹ thuật, vẫn còn tình trạng xe quá tải và thời tiết tác động đến bề mặt đường.

“Dự án xuất hiện hằn lún vệt bánh xe đã không tuân thủ các quy định về việc tập trung ít nhất 70% khối lượng vật liệu trước khi thí nghiệm, thiết kế cấp phối và rải thử bê tông nhựa trước khi thi công đại trà. Điều này dẫn đến tình trạng chỉ tiến hành thử nghiệm, thiết kế cấp phôi bê tông nhựa cho một mỏ vật liệu nhưng khi thi công đại trà lại dùng vật liệu ở nhiều mỏ cung cấp khác, có thành phần hạt và tỷ lệ hạt dẹt hoàn toàn khác loại vật liệu đã được thí nghiệm dẫn đến chất lượng bê tông nhựa không đàm bảo ổn định.

Cá biệt, có nhà thầu tổ chức thi công công không sử dụng được lu rung cho các lớp kết cấu, dẫn đến khả năng chưa đảm bảo độ chặt. Mặt khác, khi có yêu cầu thông xe ngay sau khi thi công đường lúc bê tông nhựa chưa đủ thời gian để liên kết chắc chắn, làm xuất hiện vệt hằn bánh xe ngay sau khi thông xe và phát triển nhanh” - ông Hà dẫn giải.

Hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường bê tông nhựa tại Dự án QL1 mở rộng đoạn qua Hà Tĩnh

Vấn đề hằn lún vệt bánh xe khiến ngành GTVT đau đầu trong những năm qua

Trong khi đó, đại diện Công ty cổ phần đầu tư xây dựng 703 - cho rằng, do tác động môi trường nhiệt độ cao, thiết kế quy phạm, bảo trì, chất lượng vật liệu lớp dưới, sử dụng nhựa hóa mềm thấp chất lượng không đồng đều. Theo vị đại diện này, không nên quy chụp cho 1 nguyên nhân nào đó, phải nghiên cứu phân tích kỹ lưỡng phù hợp với từng dự án riêng.

Cũng đề cập đến yếu tố nhiệt độ, đại diện Công ty Sơn Hải - đơn vị thực hiện gói thầu số 10 và 14 của Dự án Quốc lộ 1 mở rộng, đoạn qua tỉnh Quảng Bình - cho rằng, khí hậu khắc nghiệt miền Trung khí hậu thời tiết 40-41 độ, kết hợp hấp thụ nhiệt mặt đường, lưu lượng xe lớn tạo lún.

“Nhiệt độ cao làm yếu mặt đường, nhựa không đủ chặt kết hợp xe quá tải làm lún đường. Chúng tôi phải thi công đạt được các tiêu chuẩn thiết kế, kết thúc dây chuyền lu, các tiêu chuẩn, độ dẻo, độ rỗng dư đạt tiêu chuẩn thiết kế đạt được nhiệt độ trên 85oC. Vì vậy, muốn phá đường, nhiệt độ phải trên 85oC. Muốn làm được cần phải có thiết bị thảm dây chuyền bê tông nhựa tiên tiến chất lượng cao. Thiết bị không tốt ảnh hưởng đến năng suất, tiến độ, chất lượng. Sử dụng lu lèn để làm độ chặt mặt nhựa đường cao hơn” - đại diện Công ty Sơn Hải cho biết.

Uống “thuốc” đúng ngày sẽ khỏi “bệnh”?

Về phía Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định vấn đề hằn lún vệt bánh xe đã có nhiều chỉ đạo, giải pháp nhưng vẫn xảy ra. Vấn đề này làm ảnh hưởng đến uy tín người làm cầu đường.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông làm việc với 3 địa phương của tuyến đường cao tốc

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định xảy ra hằn lún đường do yếu tố chủ quan nhiều hơn (ảnh: Công Bính)

Bộ GTVT mời các chuyên gia trong ngoài ngành tham gia nghiên cứu đánh giá trong thời gian qua, thậm chí mời cả chuyên gia nước ngoài. Nguyên nhân có cả chủ quan và khách quan, nhưng đường vừa đưa vào khai thác đã xuất hiện hằn lún trong thời gian ngắn thì “yếu tố chủ quan nhiều hơn”, dưới tác động của thời tiết xe quá tải đẩy nhanh hằn lún hơn.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu các đơn vị có trách nhiệm tiếp tục tăng cường kiểm soát các chủ thể tham gia thực hiện dự án ở tất cả các khâu như kiểm soát yếu tố đầu vào, thí nghiệm, thi công, hệ thống quản lý chất lượng nội bộ, rà soát các đơn vị có tay nghề, đánh giá năng lực nhà thầu…

“Công tác thí nghiệm thiết kế bê tông nhựa phải hết sức kỹ lưỡng. Thi công thì giống như kê được đơn thuốc, cứ uống đúng ngày sẽ tiến tới khỏi bệnh. Những đơn vị nào làm kém thì sẽ không được xem xét làm các dự án về sau. Nếu đường hỏng, chủ đầu tư, nhà thầu sẽ phải tự bỏ tiền ra khắc phục, đồng thời kéo dài thời gian bảo hành”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ tiến hành rà soát xếp hạng lại năng lực các ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát, cố gắng trong năm nay đưa ra các loại kết cấu mặt đường của từng vùng miền dựa vào điều kiện và nguồn vật liệu khác nhau, tăng cường kiểm soát tải trọng xe.

“Bộ GTVT luôn cầu thị lắng nghe các ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia có những đóng góp, hiến kế để đảm bảo thi công, chất lượng đường bê tông nhựa; chia sẻ, trao đổi bài học kinh nghiệm tốt; lắng nghe đề xuất, khó khăn trong hằn lún. Còn một mét đường nào hằn lún thì Bộ GTVT sẽ có trách nhiệm nghiên cứu, khắc phục tới cùng” - Thứ trưởng Đông cho biết thêm.

Châu Như Quỳnh