1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thứ trưởng GTVT: “Nới” vận tốc chạy xe để giảm ùn tắc trong đô thị

(Dân trí) - “Trước đây, trong đô thị các loại xe khác nhau thì quy định tốc độ khác nhau nên xe này tăng tốc mà xe khác lại hạn chế thì không thông suốt được và dẫn tới ùn tắc. Với hạ tầng hiện nay xe có thể chạy với vận tốc 50km/h, nhưng vì biển giới hạn chỉ 40km/h nên thành vi phạm giao thông”.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết như vậy khi trao đổi với PV Dân trí xung quanh quy định mới về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trên đường bộ trong khu vực đông dân cư trong Thông tư 91/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành.

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, với việc Bộ GTVT “nới” tăng thêm 10km/h cho ô tô trong khu đông dân cư, nhiều người băn khoăn về nguy cơ mất an toàn giao thông cũng sẽ gia tăng theo vận tốc. Thứ trưởng nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Tại sao phải thay đổi Thông tư số 13/2009/TT-BGTVT đang áp dụng? Vì hiện nay chất lượng hạ tầng giao thông đã tốt lên, rất nhiều tuyến đường được phân làn có dải phân cách ở giữa nên việc xe chạy đối đầu giảm đi rất nhiều. Quy định mới nâng vận tốc thêm 10km/h không áp dụng ở tất cả các loại đường mà chỉ áp dụng trên đường 2 chiều, đường có dải phân cách. 

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường

Thông tư 13 quy định tốc độ xe chạy trong khu vực dân cư, trong đô thị và quy định vận hành xe trên quốc lộ trước đây quy định các loại xe khác nhau thì có tốc độ lưu thông khác nhau, vì vậy xe này tăng tốc mà xe khác lại hạn chế thì giao thông không thông suốt được và dẫn tới ùn tắc.

Căn cứ vào tình hình giao thông thực tế, Bộ GTVT sửa đổi Thông tư, quy định lại vận tốc lưu thông cho phù hợp, nhằm mục tiêu giảm ùn tắc giao thông.

Hiện nay ô tô cá nhân đang gia tăng, khi nâng tốc độ chạy xe trong khu đông dân cư Bộ GTVT có cân nhắc đến khả quan trong lưu thông?

Trên thực tế thì các xe vẫn đang chạy với tốc độ 50km/h, nhưng vì biển giới hạn tốc độ 40km/h nên dẫn tới vi phạm tăng lên. Ở đây người làm công tác quản lý Nhà nước phải thấy được rằng khi đường sá tốt hơn thì phải nâng tốc độ lên để tăng hiệu quả khai thác, không thể khai thác mãi theo phương án như lúc đường chưa tốt.

Nhưng tình hình giao thông đô thị tại Việt Nam vốn đã phức tạp, nếu chỉ quy định tăng tốc độ mà không có phương án điều tiết cụ thể cho từng nơi và từng thời điểm thì liệu có hiệu quả?

Phương án điều tiết ở đây là phân làn cho các phương tiện, xe máy đi một bên và ô tô đi một bên; hệ thống đèn tín hiệu giao thông sẽ chỉ dẫn cho các phương tiện lưu thông và người đi bộ; cắm lại biển báo đô thị để người tham gia giao thông nhận biết.

Trong dự thảo Thông tư 91 quy định nâng tốc độ đối với cả xe máy, nhưng Thông tư ban hành đã loại bỏ, vì sao thưa Thứ trưởng?

Lúc đầu chúng tôi dự kiến nâng vận tốc cho xe máy từ 40km/h lên 50km/h, nhưng xem xét tình hình thực tế trong khu đông dân cư, trong đô thị hiện không có làn đường dành riêng cho xe máy, vì vậy nếu nâng vận tốc đối với xe máy thì sẽ dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông, Bộ GTVT vẫn giữ nguyên tốc độ lưu thông 40km/h cho xe máy.

Việc tăng vận tốc chạy xe trong đô thị nhằm mục tiêu giảm ùn tắc giao thông (ảnh: Quang Phong)
Việc tăng vận tốc chạy xe trong đô thị nhằm mục tiêu giảm ùn tắc giao thông (ảnh: Quang Phong)

Cũng liên quan đến vận tốc chạy xe, người tham gia giao thông rất đồng tình với việc nâng vận tốc trên quốc lộ bởi hạ tầng giao thông hiện nay đã tốt hơn rất nhiều, nhưng tại sao trong Thông tư này Bộ GTVT chỉ áp dụng “nới” vận tốc đối với đường đô thị và khu vực đông dân cư?

Vận tốc lưu thông trên quốc lộ đã có quy định nâng vận tốc. Với đường cấp 3 đồng bằng vận tốc thiết kế là 80km/h, nếu đoạn đường tốt thì cho chạy lên 100km/h; đường cấp 2 (đường cao tốc) thiết kế là 100km/h, nhưng những đường tốt đã được tạo nhám thì được chạy 120km/h, như: Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Long Thành - Giầu Dây, tới đây sẽ là Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Quan điểm của Bộ GTVT là tất cả các tuyến đường có hạ tầng tốt và điều kiện giao thông cho phép thì đều được nâng vận tốc. Như cao tốc Nội Bài - Lào Cai tới đây sẽ bỏ làn đường chạy tốc độ 80km/h để nâng vận tốc chạy xe cả 2 làn là 100km/h.

Việc nâng  vận tốc trên quốc lộ đã có phối hợp liên ngành chưa thưa Thứ trưởng? Nếu người tham gia giao thông tăng tốc trên đoạn đường tốt mà bị Cảnh sát giao thông bắn tốc độ và xử phạt thì sao?

Chúng tôi đã có phối hợp liên ngành, đoạn đường nào có thể nâng tốc độ thì chúng tôi đã thống nhất với bên công an để cắm biển tốc độ cho phép lưu thông. Người tham gia giao thông hoàn có thể yên tâm sẽ không bị Cảnh sát giao thông xử phạt.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Châu Như Quỳnh (thực hiện)