Thứ trưởng Bộ Y tế nói về trách nhiệm khi thiếu thuốc, vật tư y tế
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Y tế trả lời thắc mắc của ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và một số đại biểu Quốc hội về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và trách nhiệm của Bộ Y tế.
Thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế đã đưa ra một số đánh giá về tồn tại, bất cập, vướng mắc trong luật hiện nay.
Theo ông, Luật Đấu thầu đã có quy định về mua sắm trong trường hợp đặc biệt, cấp bách nhưng quy định chưa cụ thể, đặc biệt đối với trường hợp nhà sản xuất yêu cầu phải ký hợp đồng với Chính phủ theo mẫu của nhà sản xuất mà không được sửa đổi, trong đó bao gồm các thỏa thuận mà pháp luật Việt Nam chưa có quy định hoặc trái với quy định hiện hành của Việt Nam.
"Các văn bản hướng dẫn chưa quy định trình tự, thủ tục xây dựng phương án trình thẩm định, phê duyệt, mua sắm trong trường hợp đặc biệt dẫn đến bị động, lúng túng trong quá trình thực hiện, cần phải được cụ thể hóa để triển khai thống nhất trong thời gian tới"- ông Thuấn nêu quan điểm.
Luật Đấu thầu hiện nay cũng chưa có quy định việc mua sắm thông qua các tổ chức quốc tế, mua sắm thuốc, vaccine, trang thiết bị vật tư y tế thông qua các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc.
Luật quy định hợp đồng trọn gói là loại hợp đồng cơ bản đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn đơn giản, gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hỗn hợp có quy mô nhỏ phải áp dụng hợp đồng trọn gói.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực y tế, ông Thuấn cho biết các gói thầu quy mô nhỏ như xử lý chất thải y tế nguy hại, mua thuốc hóa chất, vật tư y tế không thể xác định trước được số lượng do hoàn toàn phụ thuộc vào mô hình bệnh tật, số lượng người bệnh đến khám, chữa bệnh nên không thể áp dụng hợp đồng trọn gói. Thời gian thực hiện hợp đồng mua sắm thường xuyên chỉ áp dụng cho 1 năm cũng gây khó khăn, mất thời gian để lựa chọn nhà thầu.
Hệ thống văn bản hướng dẫn về mua sắm thường xuyên chưa được ban hành đầy đủ các khái niệm theo Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công và Luật Đấu thầu,… dẫn đến việc vận dụng gặp nhiều khó khăn.
Việc đấu thầu tập trung hiện nay quy định cam kết sử dụng tối thiểu 80% nhu cầu thuốc. Tuy nhiên, thực tế các cơ sở y tế rất khó có thể dự trù được chính xác nhu cầu sử dụng và cam kết sử dụng tối thiểu 80% thuốc đăng ký trước đó 1-3 năm. Khi không thực hiện được cam kết, cũng chưa có chế tài xử lý cơ sở y tế không mua đủ tối thiểu 80% số lượng trong hợp đồng đã ký, trong khi nhà cung cấp đã phải chuẩn bị đủ số lượng thuốc theo hợp đồng cung ứng.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị bổ sung vào dự thảo luật hình thức mua sắm qua các cơ quan liên hợp quốc, tổ chức mua sắm chuyên nghiệp quốc tế, nhất là đối với nền kinh tế. Đồng thời bổ sung quy định về mua sắm tập trung theo hướng cho phép áp dụng các hình thức khác ngoài hình thức đấu thầu rộng rãi để tăng tính cạnh tranh và hiệu quả kinh tế.
Về đấu thầu tập trung, lãnh đạo Bộ Y tế đề xuất cho phép đàm phán giá trực tiếp với nhà sản xuất, bỏ quyết định mua sắm, dự toán làm rõ là dự toán được giao hợp đồng trọn gói; bỏ quy định dưới 10 tỷ phải áp dụng trọn gói, bổ sung thỏa thuận khung mở, ký hợp đồng với nhiều nhà thầu...
"Tâm lý e dè của một số đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu"
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng thẳng thắn trả lời thắc mắc của ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và một số đại biểu Quốc hội về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và trách nhiệm của Bộ Y tế.
Theo đó, Bộ Y tế khi đấu thầu tập trung phải mất nhiều thời gian trong việc tổng hợp lại số liệu trên toàn quốc. Sau dịch Covid-19 nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân tăng vọt. Nhiều đơn vị thống kê so với cùng kỳ tăng từ 40-60% nên dự tính, dự trù không sát, vượt nhu cầu so với thực tế.
"Quá trình dịch bệnh Covid-19 nổ ra trên toàn thế giới đã có hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng. Đâu đó cũng có tâm lý e dè của một số đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu của một số đơn vị. Một số đơn vị của Bộ Y tế vừa qua quá tập trung vào công tác phòng, chống dịch, trung tâm mua sắm tập trung ít người, trong khi đó việc thì nhiều"- ông Thuấn liệt kê nguyên nhân.
Ông cũng chỉ rõ nguyên nhân do một số quy định, đặc biệt là trong Luật Đấu thầu về việc đàm phán giá. "Chúng ta phải thực hiện quy trình theo đúng thầu thông thường thì lại phải thêm một quy trình trong đàm phán nữa. Như vậy vô hình trung sẽ kéo dài thời gian trong việc đàm phán giá"- ông nói.
Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc vừa rồi Bộ Y tế, cụ thể là Trung tâm mua sắm tập trung, đã giải quyết được 86/106 loại thuốc thầu tập trung. Với biệt dược đã đàm phán được 19/65 loại, còn lại 46 thuốc dự kiến trong tháng 10-11/2022 sẽ hoàn thiện.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng sẽ chỉnh sửa Thông tư 15, trong đó phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho cấp dưới.
"Chúng tôi thấy Chủ tịch Quốc hội có ý kiến rất hay là nên chăng Bảo hiểm xã hội Việt Nam tham gia vào thầu tập trung. Nếu có sự tham gia của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc thầu tập trung thuốc, thiết bị y tế thì quá tốt và sẽ giảm được gánh nặng cho Bộ Y tế. Bộ Y tế cho rằng, nếu Bảo hiểm xã hội Việt Nam đảm đương được việc này thì Bộ Y tế rất vui mừng và rất sẵn sàng chuyển giao"- Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ.