"Bộ GTVT đang phải giải quyết 3 đơn kiện ở trọng tài quốc tế"
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho rằng những vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án có thể khiến chúng ta gặp rắc rối. Hiện Bộ GTVT có 3 đơn kiện và đang giải quyết ở trọng tài quốc tế.
Góp ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) chiều 20/9 tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu thực trạng hiện nay kết quả giảm giá qua đấu thầu rất thấp và các cơ quan viện cớ này để đưa ra xin chỉ định thầu có giảm giá; cũng có những dự án đấu thầu giảm giá rất lớn.
"Tôi chưa biết cụ thể nhưng ví dụ như các hạng mục đang triển khai của sân bay Long Thành trong Đồng Nai, các anh báo cáo là tiết kiệm được rất nhiều tiền so với việc đấu thầu công khai, rộng rãi. Vì sao lại có tình trạng này và khắc phục thế nào? Cái nào là do luật pháp, cái nào là do tổ chức thực hiện để chúng ta có giải pháp?"- ông Huệ nêu.
Về tình trạng "quân xanh, quân đỏ" và thông thầu, tham nhũng, tiêu cực, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ "nếu do luật pháp thì ở chỗ nào?".
"Chỉ có thiếu chặt chẽ, có lỗ hổng, thiếu công khai, thiếu minh bạch thì mới sinh ra chuyện đó. Bây giờ chúng ta hay nói là bịt lỗ hổng thì lỗ hổng của luật này hiện nay đang là cái gì? Có lỗ hổng không và hổng thì hổng ở đâu, vá thế nào, sửa thế nào? Tôi thấy cũng phải nên đi thẳng vào. Chúng ta nói nguyên lý nhiều thứ quá"- ông Huệ nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, mỗi lần nói đến đầu tư công là nói "chậm này nọ", trong khi tiêu cực ở đây rất nhiều.
"Bây giờ để đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ, trách nhiệm của các cơ quan tham mưu và người đứng đầu thì trong dự luật này đã đủ rõ chưa và sửa là sửa cái gì? Tôi thấy luật sửa theo hướng này có khi lại kém minh bạch hơn vì đưa ra rất nhiều thứ mà lại giao cho Chính phủ, Thủ tướng hướng dẫn. Người ta đã muốn luật hóa để công khai, nhưng có vẻ như đang đi không đúng hướng"- Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Tất cả các dự án đều "vướng"
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cho biết, hiện nay tất cả các dự án EPC (thiết kế, mua sắm và xây dựng) đều "vướng", kể cả dự án ODA, các hợp đồng FIDIC.
"Vướng ở đây có mấy việc lớn. Thứ nhất là vấn đề chuẩn bị đầu tư kém. Chuẩn bị đầu tư thì liên quan đến vấn đề chuẩn bị từ khảo sát, thiết kế sơ bộ lên tổng mức đầu tư. Làm rất sơ sài rồi mang kết quả sơ sài này đi đấu thầu. Sau khi đấu thầu xong, trúng thầu thì lại dựa vào đó để ký hợp đồng. Khi triển khai thì bắt đầu vướng, vướng từ sửa đổi thiết kế, rồi thay đổi về biện pháp thi công, thay đổi về vật liệu, thay đổi về giải pháp công nghệ, kể cả vấn đề năng lực,…"- ông Minh nêu thực tế.
Tiếp đó, theo ông Minh, vướng ở các nguồn vốn vào khác nhau. ODA và FIDIC có cả nguồn vốn nước ngoài, EPC có cả nguồn vốn nước ngoài và vốn đầu tư công. Các nhà tài trợ đều có những yêu cầu riêng về các nguyên tắc giải ngân, điều kiện thanh toán, công tác nghiệm thu và một số điều kiện trong hợp đồng.
"Một số điều kiện theo các điều ước quốc tế, rồi lại phối hợp với đầu tư công cho nên các chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn khi lựa chọn, ký hợp đồng, đàm phán và triển khai thực hiện"- ông Minh chỉ rõ.
Một vấn đề căn cơ nữa là chúng ta đầu tư cơ sở hạ tầng lớn cho các dự án nên thời gian đầu tư rất dài, thay đổi về chủ đầu tư, thay đổi thiết kế, thay đổi biện pháp thi công, giải phóng mặt bằng rất chậm. Việc thay đổi nhiều dẫn đến quá trình triển khai hợp đồng vướng giữa quy định pháp luật hiện nay, "bài thầu ban đầu", ký hợp đồng và thanh quyết toán không được.
Cái vướng cuối cùng, theo ông Minh, chính là năng lực chủ đầu tư và nhà thầu. Ông Minh đề nghị thiết kế luật cần chú ý tới vấn đề này. Phải tập trung vào vấn đề chọn nhà đầu tư, nhà thầu có đủ năng lực cả về tài chính, uy tín, quản trị.
"Tôi cho rằng Luật Đấu thầu chỉ nên dừng lại những khung cơ bản, những tiêu chuẩn chính hoặc những điều kiện chính của quá trình bình chọn nhà thầu, chọn gói thầu thôi. Nếu chúng ta triển khai toàn bộ hợp đồng theo hướng này (dự thảo luật) sẽ rất vướng, vì có những hợp đồng 10 năm, 15 năm chúng ta mới hoàn thành. Cuối cùng là các vấn đề đặc biệt. Đặc biệt thì phải ghi rõ, nếu không ghi rõ sau này làm giữa cái không đặc biệt và cái đặc biệt dễ lẫn lộn"- Thứ trưởng Bùi Hồng Minh nói.
Thứ trưởng Bộ Giao thông: "Nhà thầu sẽ kiện chúng ta trên trường quốc tế"
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy khẳng định hoàn toàn đồng ý với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh.
Theo ông, có hai cách mua sắm: Thứ nhất là có hàng rồi và chỉ đánh giá tiêu chuẩn hàng; thứ hai là chưa có hàng, phải đánh giá năng lực nhà sản xuất và năng lực nhà thầu, chất lượng hàng hóa và giá thành…
Trong quá trình thực tiễn của Bộ Giao thông vận tải làm đã vướng rất nhiều, đặc biệt là hợp đồng trọn gói EPC. "Chúng ta nói là trọn gói, nhưng trong quá trình có chuyện liên quan đến các luật khác, thanh tra, kiểm toán. Chúng ta trọn gói thì phần tăng nhà thầu EPC không được tính là đương nhiên. Nhưng phần giảm thì bao giờ giá trị hợp đồng cũng bắt buộc phải giảm và điển hình các hợp đồng EPC hiện nay đều như thế. Lúc đấy chủ đầu tư ký hợp đồng với nhà thầu thì chúng ta phải giảm và nhà thầu sẽ kiện chúng ta trên trường quốc tế"- ông Huy dẫn chứng.
Ông Huy cho biết hiện nay có 3 đơn kiện và đang giải quyết ở trọng tài quốc tế. "Đây là pháp luật trong quá trình đấu thầu và khi thực hiện thì vướng mắc. Trong Luật Đấu thầu chúng ta nói tiến độ là như thế, rồi bàn giao mặt bằng trong vòng 3 năm, 2 năm, nhưng thực tiễn thực hiện thường xuyên chậm tiến độ giải phóng mặt bằng và chậm đến 3-5 năm. Điển hình hiện nay Bộ đang bị kiện và đang đàm phán với nhà thầu đường sắt Cát Linh - Hà Đông, chúng ta chậm 5 năm về bàn giao mặt bằng cho họ. Hiện nay số tiền kiện có giá trị khá lớn"- Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải thông tin.
"Trách nhiệm thuộc về ai? Kiện là kiện chủ đầu tư, là Bộ Giao thông vận tải. Trách nhiệm giải phóng mặt bằng thì lại các địa phương"- ông Huy nói tiếp.
Mặc dù tiền giao về các địa phương thực hiện, các địa phương phê duyệt và giải phóng mặt bằng nhưng do không có chế tài dẫn tới trong các hợp đồng hiện nay Bộ Giao thông vận tải đều bị kiện.
"Nhà thầu trong nước chúng ta đàm phán được, nhưng nhà thầu nước ngoài, kể cả Bến Lức - Long Thành và đường sắt Cát Linh - Hà Đông đều đang bị kiện và vấn đề này cũng đang rất phức tạp trong quá trình xử lý"- ông Huy nêu thực tế.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết đã kiến nghị nhiều lần đưa vào trong luật quy định nhà thầu phải chịu trách nhiệm về kê khai thông tin của mình. Hiện nay có rất nhiều vụ án mà nhà thầu kê khai gian và cơ quan đấu thầu, tổ chuyên gia đấu thầu không thể xác định được, chỉ có Viện Khoa học hình sự mới xác định được hồ sơ thật hay giả.
"Chúng ta phải xử lý nghiêm các hành vi này. Xử lý càng nghiêm thì chúng ta mới càng có cơ hội minh bạch, trong sạch"- ông Huy nói.
Các hành vi vi phạm của nhà thầu trong quá trình tham gia đấu thầu các dự án cũng phải có chế tài nghiêm hơn nữa trong luật. "Chủ đầu tư cảnh cáo 3 lần là dứt khoát cấm đấu thầu 3- 5 năm, chỉ có như thế chúng ta mới sàng lọc đấu thầu minh bạch hơn, rõ ràng hơn"- Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy đề xuất.