1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thứ trưởng Bộ Tư pháp: "Phát hiện vi phạm hãy gọi trực tiếp cho tôi"

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng thẳng thắn nói như vậy trong cuộc họp sáng 8/6 trước thực trạng thi hành án dân sự, thu hồi tài sản trong các vụ án liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng 6 tháng đầu năm 2016 “chưa đạt yêu cầu”.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chỉ đạo tại cuộc họp (Ảnh: T.K)
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chỉ đạo tại cuộc họp (Ảnh: T.K)

Tại buổi sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp trong công tác thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng sáng 8/6, đại diện các ngân hàng đã trình bày hàng loạt khó khăn, phức tạp và những áp lực trong việc phải thu hồi cho được một số lượng tiền rất lớn hiện nay.

Thu hồi tài sản cho tổ chức tín dụng, ngân hàng chưa đạt yêu cầu

Theo ông Nguyễn Đình Vinh - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Vietinbank, ở nước ngoài khi sắp đến thời hạn trả nợ “người ta lo lắm”, nhưng ở Việt Nam thì từ khi có bản án của tòa đến lúc thu hồi được nợ là “một câu chuyện dài” liên quan đến hành lang pháp lý còn nhiều bất cập.

“Nhiều địa phương, khi lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự về làm việc và chỉ đạo thì Cục Thi hành án dân sự rốt ráo thực hiện nhưng sau đó lãnh đạo về thì lại đâu vào đấy, sự việc cứ kéo dài mãi. Chính vì thế chúng tôi đề nghị phải giám sát việc thực hiện lời hứa, việc giải quyết của cơ quan thi hành án địa phương và cương quyết xử lý đối với những chấp hành viên có những việc làm sai trái”- ông Vinh nêu quan điểm.

Ông Vinh kể, mới đây cơ quan thi hành án đã tiến hành các thủ tục để cưỡng chế một bất động sản rất đẹp trên đường Tuệ Tĩnh (Hà Nội) cho phía ngân hàng này. Dù hôm trước đã niêm phong toàn bộ ngôi nhà, nhưng sáng hôm sau khi lực lượng chức năng chuẩn bị tiến hành cưỡng chế thì xuất hiện một bà cụ già, ốm yếu nằm trong nhà.

“Hóa ra họ đã trèo lên mái nhà, dỡ mái ngói rồi đưa bà cụ vào nhà bằng thang. Ở tình huống đó thì không thể tổ chức cưỡng chế thi hành án được. Dẫn ra ví dụ như vậy để thấy rằng nếu không có sự vào cuộc, hỗ trợ của chính quyền địa phương, lực lượng công an mà chỉ trông chờ vào thi hành án thì việc kê biên, thu hồi tài sản của các ngân hàng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp”- ông Vinh nói.

Trong khi đó, đại diện Ngân hàng Vietcombank phản ánh, một số trường hợp việc định giá các tài sản bảo đảm chưa phù hợp với giá trị trường dẫn đến việc bán đấu giá kéo dài, qua nhiều lần giảm giá mà vẫn không bán được.

“Tại một số địa phương xuất hiện tình trạng khách hàng có nhu cầu mua lại các tài sản bán đấu giá thông qua thủ tục bán đấu giá gặp rất nhiều các khó khăn. Có hiện tượng một số đối tượng cấu kết với các đơn vị bán đấu giá ngăn cản khách hàng mua tài sản nhằm giảm giá trị tài sản để trục lợi. Có địa phương xuất hiện tình trạng người trúng đấu giá phải mua tài sản với số tiền cao hơn so với giá trúng đấu giá và phải trả ngay bằng tiền mặt cho một số đối tượng cò đấu giá”- đại diện Vietcombank phản ánh với Bộ Tư pháp.

Cục phó Cục Thi hành án dân sự Hà Nội Chu Quang Tiến đánh giá, án kinh doanh thương mại, đặc biệt trong đó là án tín dụng ngân hàng tăng đột biến thời gian gần đây đã dẫn tới quá tải đối với nhiều cơ quan thi hành án dân sự, trong khi số lượng Chấp hành viên của toàn thành phố Hà Nội còn ít đã gây nên sự quá tải trong công việc.

Bên cạnh đó, sự bất hợp tác, chống đối, cản trở việc thi hành án quyết liệt của người phải thi hành, người có tài sản đảm bảo, lợi dụng các quy định của pháp luật trong khiếu nại, tố cáo về thi hành án cũng dẫn tới vụ việc bị kéo dài.

“Đó là chưa kể tài sản thế chấp đã kê biên, xử lý nhưng không có người tham gia đấu giá, trả giá do các giao dịch bất động sản trầm lắm, đóng băng. Các tài sản chủ yếu là bất động sản ở các huyện xa trung tâm, không có giao dịch; ngân hàng không nhận tài sản kê biên sau 2 lần giảm giá không có người mua, gây ảnh hưởng đến thời gian, công sức, chi phí và tâm lý chung. Nhất là nhà đất tại khu vực Đông Anh, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Thạch Thất, Phúc Thọ, Hoài Đức”- ông Tiến nói.

Bà Phạm Thị Thanh Loan - Cục phó Cục Thi hành án dân sự TPHCM cũng thừa nhận, những năm gần đây ngân hàng và các tổ chức tín dụng là những đơn vị có nhiều việc yêu cầu thi hành án với giá trị lớn, lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Công ty cho thuê tài chính II (Agribank)… Tuy vậy kết quả cho thấy tỷ lệ giải quyết án còn rất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan thi hành án dân sự cũng như kỳ vọng của các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Nhiều vụ việc thi hành án đã thụ lý trên 3 năm nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm, thậm chí có những vụ việc hiện nay vẫn đang trong giai đoạn xác minh tài sản, dự kiến kê biên tài sản (!).

“Ngân hàng mạnh mới thúc đẩy được sản xuất kinh doanh"

Trước những vấn đề trên, ông Hoàng Sỹ Thành - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) khẳng định sẽ nhanh chóng giải quyết tất cả những vướng mắc cả của cả cơ quan thi hành lẫn tổ chức tín dụng, ngân hàng.

Ông Nguyễn Đồng Tiến - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải làm tốt ngay từ khâu thẩm định, kiểm tra tài sản để tránh hậu quả về sau (Ảnh: T.K)
Ông Nguyễn Đồng Tiến - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải làm tốt ngay từ khâu thẩm định, kiểm tra tài sản để tránh hậu quả về sau (Ảnh: T.K)

Nhận định sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước mới trải qua hơn 1 năm nhưng đã đạt được những tín hiệu đáng mừng, ông Nguyễn Đồng Tiến - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, ngân hàng phải nghiêm túc thực hiện các thỏa thuận, phối hợp với cơ quan thi hành án.

“Để hạn chế được những vụ việc phải xử lý vướng mắc, tôi đồng tình với đề nghị của Bộ Tư pháp là ngay từ khâu thẩm định, kiểm tra tài sản phải làm tốt, phải xây dựng quy trình kiểm tra giám sát ngay từ khâu ban đầu để tránh hậu quả về sau. Khi xảy ra phải tích cực giải quyết, kịp thời phản ánh các vướng mắc tồn tại và đề xuất với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp. Tại sao các ngân hàng liệt kê rất nhiều, nhưng tổng hợp phản ánh lên Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước chưa kịp thời? Tôi cho rằng nếu phản ánh kịp thời thì sẽ có tháo gỡ tốt hơn”- ông Tiến lưu ý.

Kết thúc buổi họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng khẳng định, thi hành án là nhiệm vụ rất phức tạp, khó khăn, đặc biệt đối với những vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng.

Ngoài việc đề nghị các tổ chức tín dụng, ngân hàng phải thực hiện chặt chẽ hơn nữa trong việc thẩm định giá trị tài sản, nguồn gốc, xuất xứ, ông Dũng chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân và lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự địa phương phải tập trung, quyết liệt hơn nữa thì mới có thể đạt được chỉ tiêu đã đề ra.

“6 tháng đầu năm mà kết quả thi hành án về việc và tiền như vậy là chưa đạt yêu cầu. Việc này sẽ ảnh hưởng tới chỉ tiêu thi hành án đạt 30% năm nay. Chính vì thế phải quyết liệt thực hiện, tất cả bản án liên quan đến tín dụng, ngân hàng phải rà soát và đề ra giải pháp. Tài sản nào có khả năng thi hành thì phải tiến hành ngay. Các đồng chí phát hiện Chi cục Thi hành án nào, Chấp hành viên nào có hiện tượng vi phạm thì phải phản ánh ngay tới cấp thẩm quyền hoặc có thể gọi điện trực tiếp cho tôi”- ông Dũng nói.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đánh giá, việc thi hành án, thu hồi tài sản cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng cũng chính là thu hồi tài sản về cho nhà nước.

“Ngân hàng mạnh mới thúc đẩy được sản xuất kinh doanh lên được. Nên việc này chúng ta phải đồng hành với Chính phủ. Nếu có nhiều tài sản kê biên nhưng không đấu giá được thì phải rà soát lại, không thể để tồn đọng. Phải chọn được đơn vị đấu giá có năng lực thực sự. Tôi đi thực tế ở Hà Nội rồi, tại sao chỉ chọn được 1 công ty bán đấu giá tài sản? Các đồng chí phải tự tìm giải pháp, không phải lúc nào cũng kêu, liệt kê khó khăn như vậy ?”- ông Dũng nêu yêu cầu với các cơ quan thi hành án.

Thế Kha