Gần 52.300 tỷ đồng của các ngân hàng còn tồn đọng, chưa thu hồi được
(Dân trí) - Thống kê mới nhất cho thấy, toàn quốc còn tồn đọng gần 15.200 việc liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng chưa thi hành án với tổng số tiền trên 52.280 tỷ đồng. Trong đó, số tiền phải thi hành án, thu hồi cho Agribank khoảng 9.500 tỷ đồng, Vietinbank trên 5.600 tỷ đồng, Techcombank trên 4.400 tỷ đồng, BIDV trên 3.960 tỷ đồng, Vietcombank 4.360 tỷ đồng...
Theo Báo cáo sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp trong công tác thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng được công bố sáng nay 8/6, 6 tháng năm 2016 có tổng số vụ việc phải thi hành cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng là 16.433 việc (tăng hơn 2.000 việc so với cùng kỳ năm 2015), tương ứng số tiền phải thi hành gần 60.400 tỷ đồng. Đến nay, số tiền đã thi hành xong là 1.239 việc (tăng 508 việc so với cùng kỳ năm 2015), tương ứng số tiền trên 8.120 tỷ đồng.
Mặc dù kết quả thi hành án dân sự đã tăng lên 41% số việc và tăng trên 30% số tiền so với cùng kỳ năm 2015 nhưng Bộ Tư pháp khẳng định, so với yêu cầu thì chưa đáp ứng. Tỷ lệ thi hành án xong còn thấp, số việc, tiền phải thi hành án còn lớn; tiến độ thi hành án còn kéo dài, chậm trễ.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là số vụ việc và số tiền còn phải thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng quá lớn, gồm 16.433 việc, tương ứng với tổng số tiền gần 60.400 tỷ đồng.
Trên toàn quốc, số việc còn tồn đọng chưa thi hành lên tới gần 15.200 việc, số tiền trên 52.280 tỷ đồng.
Một số địa phương có số tiền phải thi hành liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng lớn như TPHCM (1.886 việc, trên 13.700 tỷ đồng), Hà Nội (2.097 việc, trên 8.100 tỷ đồng), Đồng Nai (659 việc, trên 1.550 tỷ đồng), Long An (807 việc, trên 1.800 tỷ đồng), Cần Thơ (737 việc, trên 1.160 tỷ đồng), Hải Phòng (321 việc, trên 2.400 tỷ đồng).
Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) có 3.577 việc, tương ứng số tiền phải thi hành án gần 9.500 tỷ đồng.
Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) có tới 1.220 việc, tương ứng số tiền phải thi hành án trên 5.600 tỷ đồng.
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) co 1.529 việc, tương ứng số tiền phải thi hành trên 3.960 tỷ đồng.
Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) có khoảng 973 việc, tương ứng số tiền khoảng 4.400 tỷ đồng.
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là 433 việc và tương ứng trên 4.360 tỷ đồng.
Ngoài 5 ngân hàng nói trên, còn khoảng trên 60 tổ chức tín dụng, ngân hàng khác có số việc, số tiền phải thi hành án đang được các cơ quan thi hành án tổ chức thi hành.
Báo cáo của Bộ Tư pháp cho rằng, tình trạng các vụ việc thụ lý năm sau cao hơn năm trước, trong khi từ ngày 1/7/2015 (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực) trách nhiệm xác minh điều kiện, thông tin tài sản của người phải thi hành án chuyển sang cho Chấp hành viên dẫn đến quá tải công việc của cơ quan thi hành án ngày càng nhiều, trong khi biên chế chưa đáp ứng được yêu cầu.
Điển hình như tại địa bàn xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội có đến 180 việc thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng mà hơn 1/2 số việc phải tổ chức cưỡng chế. Có chấp hành viên phải tổ chức thi hành 120 vụ việc liên quan đến án tín dụng ngân hàng.
“Người phải thi hành án trong các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng thông thường đã mất khả năng thanh toán và có nguy cơ bị xử lý tài sản nên họ cố tình chống đối, chây ỳ việc thi hành án bằng nhiều cách: Thay đổi hiện trạng tài sản, không nhận quyết định thi hành án, cản trở việc xác minh, kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản để thi hành án, đưa tài sản là động sản (xe máy, tàu thuyền, máy móc...) đi khỏi địa phương không truy tìm được để xử lý. Nhiều trường hợp, người phải thi hành án cố tình khiếu nại, tố cáo hoặc khiếu nại vượt cấp”- báo cáo của Bộ Tư pháp nêu rõ.
Đáng chú ý, Bộ Tư pháp cho rằng trong quá trình tố tụng tại tòa án, nhiều tổ chức tín dụng, ngân hàng đã tập trung nhiều vào thỏa thuận về số tiền mà không chú ý đến các nội dung khác nên rất nhiều bản án, quyết định của Tòa án có tài sản thế chấp không đúng trên thực tế.
Một số trường hợp tòa án tuyên xử lý tài sản thế chấp, theo đó chỉ tuyên hết thời hạn mà người phải thi hành án không thi hành thì ngân hàng có quyền phát mãi tài sản để thu hồi nợ, dẫn đến không thống nhất cách hiểu về thẩm quyền xử lý tài sản giữa cơ quan thi hành án với ngân hàng.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, chỉ đạo của một số tổ chức tín dụng, ngân hàng còn thiếu tính khoa học. Nhiều tổ chức tín dụng còn buông lỏng không kiểm soát chặt chẽ dẫn đến khách hàng mất khả năng thanh toán; cán bộ tín dụng, ngân hàng thiếu kinh nghiệm khi tham gia vào hoạt động tố tụng và thi hành án.
Bộ Tư pháp đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng thực hiện đúng trình tự thủ tục thẩm định tài sản trước khi cho khách hàng vay. Khi nhận thế chấp quyền sử dụng đất có tài sản của người khác hoặc ngược lại cần cân nhắc yêu cầu người có tài sản đó có văn bản thỏa thuận để xử lý tài sản trong trường hợp người vay không trả được tiền.
“Chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng phải cử người có năng lực, trách nhiệm để tham gia giải quyết các tranh chấp liên quan đến hợp đồng tín dụng từ giai đoạn xét xử đến giai đoạn thi hành án dân sự; đồng thời phải kịp thời đề nghị Tòa án giải thích các nội dung chưa rõ trong các quyết định, bản án của Tòa án để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình”- Bộ Tư pháp đề nghị.
Thế Kha