Thu phí "cưỡng bức" ô tô vào nội đô Hà Nội từ năm 2024: Nên hay không?
(Dân trí) - Chuyên gia giao thông cho rằng, Hà Nội nên để phương tiện cá nhân hoạt động bình thường thay vì thí điểm thu phí nhằm hạn chế số lượng ô tô đi vào một số khu vực trên địa bàn từ năm 2024.
"Ép" sao khi giao thông công cộng chưa tốt?
Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông, hiện chỉ có 10% người dân ở Hà Nội sử dụng phương tiện công cộng, còn 90% sử dụng phương tiện cá nhân (bao gồm ô tô, xe gắn máy…). Trong khi đó, mạng lưới đường sắt đô thị còn chưa hình thành, hiện chỉ có tuyến độc nhất là Cát Linh - Hà Đông; xe buýt di chuyển chậm, không đúng giờ (một phần do ùn tắc, một phần do hạ tầng giao thông chưa tốt)…
Do đó, nếu đề xuất thu phí ô tô đi vào khu vực bên trong đường Vành đai 3 được thông qua và áp dụng từ năm 2024, ông Thủy bày tỏ "không hình dung nổi khi đó, người dân sẽ đi lại bằng phương tiện gì".
TS. Nguyễn Xuân Thủy cũng nêu quan điểm không ủng hộ thông tin đưa ra về giải pháp đồng bộ, tương hỗ lẫn nhau, gồm: phát triển hệ thống vận tải công cộng, hệ thống đường sắt đô thị kèm giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân.
"Chúng ta không thể "ép" người dân từ bỏ lựa chọn sử dụng phương tiện cá nhân trong các hoạt động khi hệ thống giao thông công cộng chưa tốt. "Cưỡng bức" áp dụng giải pháp thu phí trong bối cảnh đó sẽ gây khó khăn cho người dân, cản trở với các hoạt động phát triển kinh tế xã hội" - ông Thủy nhận định.
Vị chuyên gia giao thông này cho rằng, thay vì "cưỡng bức" việc người dân sử dụng phương tiện cá nhân, Hà Nội nên để người dân tiếp tục được sử dụng quyền lựa chọn như bình thường.
Khi mạng lưới, hệ thống phương tiện công cộng phát triển tốt, người dân sẽ tự hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân. Theo dự kiến, đến năm 2035, khoảng 40% người dân sẽ di chuyển, đi lại bằng phương tiện công cộng.
Đo đếm sao khả năng giảm ùn tắc, ô nhiễm?
Nêu quan điểm về mục tiêu mà giải pháp thí điểm thu phí ô tô vào nội đô hướng đến, TS. Phan Lê Bình - chuyên gia giao thông cho biết, áp dụng thu phí sẽ khiến người dân cân nhắc lại việc di chuyển bằng ô tô cá nhân. Khi đó, người dân có thể lựa chọn đi xe máy hoặc phương tiện công cộng. Tuy nhiên, người dân có thể không muốn di chuyển bằng phương tiện khác, chấp nhận nộp phí.
"Khi đó, người dân sẽ lựa chọn như thế nào? Và khi thực hiện việc thu phí như thế thì ùn tắc, ô nhiễm có giảm đi không? Ở thời điểm hiện tại, rất khó để có thể nhận định, có thể nói trước được việc này. Tuy nhiên, chắc chắn rằng người dân khó có thể chấp nhận việc mỗi ngày ra vào vùng nội đô bằng ô tô cá nhân lại phải trả thêm phí" - ông Bình cho hay.
Đề cập đến mốc thời gian áp dụng, theo TS. Phan Lê Bình, thành phố nên bắt đầu thí điểm sớm nếu mục tiêu hướng đến là giảm nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân. Ông cũng không dám khẳng định khi áp dụng thu phí thì ùn tắc giao thông có giảm được hay không.
Đồng thời, nếu có làm thì Hà Nội nên lắp trạm thu phí một cách đồng loạt, làm trên quy mô lớn vì nếu thí điểm một vài vị trí nào đó, người dân có thể lựa chọn di chuyển cung đường khác khi vào nội đô để... né phí.
Đặc biệt, vị chuyên gia giao thông này cho rằng, việc thu phí "từ sáng đến tối" là bất hợp lý. Bản thân ông không đồng tình với đề xuất này. Thay vào đó, giải pháp hài hòa hơn là chỉ nên thu phí vào các khung giờ cao điểm.
Chiều 18/10, trao đổi với báo chí, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, các thông tin liên quan đến đề án "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào" có thể mới chỉ là một phía, từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Tramoc), không phải thông tin từ Sở.
Theo ông Viện, hiện các cơ quan liên quan đang tiếp tục nghiên cứu, chưa có phương án chính thức.
Trong báo cáo gửi Sở GTVT ban hành ngày 10/10, Tramoc đã nêu lộ trình thí điểm thu phí. Cụ thể, nếu đề án được HĐND TP thông qua và UBND TP trình báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2022 thì đến năm 2024, Hà Nội sẽ tiến hành thí điểm và chính thức áp dụng từ năm 2025. Việc triển khai đề án như thế phù hợp với quy định hiện hành.
Giai đoạn thí điểm sẽ thu phí tại một số trục chính bằng cách bố trí 15 trạm thu phí tại 9 vị trí trên các trục đường nội đô có lưu lượng lớn, có nguy cơ ùn tắc giao thông. Sau khi thí điểm có hiệu quả, thành phố tiếp tục từng bước mở rộng vùng thu phí.
Giai đoạn 2 (từ năm 2026 đến 2030): Mở rộng vùng thu phí bờ Nam sông Hồng. Khu vực thu phí mở rộng có ranh giới được giới hạn bởi các đường Vành đai 3 - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - cầu Thăng Long - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Vành đai 3.
Giai đoạn 3 (sau năm 2031): Mở rộng vùng thu phí bờ Bắc sông Hồng, được giới hạn bởi các đường Nguyễn Văn Linh - Trường Sa - Hoàng Sa - Võ Văn Kiệt - cầu Thăng Long - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Vành đai 3.