1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đề xuất thí điểm thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội từ năm 2024

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Tại Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường", mốc thời gian thí điểm được đề xuất từ năm 2024.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Tramoc) vừa báo cáo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội kết quả nghiên cứu thực hiện Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào".

Đề xuất thí điểm thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội từ năm 2024 - 1

Hình ảnh các phương tiện ùn ứ khi di chuyển trên đường Nguyễn Trãi hướng vào nội đô trong giờ cao điểm (Ảnh: Nguyễn Trường).

Nội dung báo cáo thể hiện, dựa trên kết quả sơ bộ từ 1.028 phiếu khảo sát online (tính đến ngày 10/10/2022) do đơn vị tư vấn thực hiện, có 39,7% số người ủng hộ việc thu phí; 33,2% số người ủng hộ với điều kiện kèm theo và 27,1% không ủng hộ.

Theo Tramoc, nếu đề án được HĐND TP thông qua và UBND TP trình báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2022 thì đến năm 2024, Hà Nội sẽ tiến hành thí điểm và chính thức áp dụng từ năm 2025 thì việc triển khai đề án phù hợp với quy định hiện hành.

Nếu lùi thời gian báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2025 và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách đã được thực hiện thí điểm thì sẽ gặp khó khăn khi triển khai đề án do Nghị quyết 115/2020/QH14 hết hiệu lực.

Khi đó, để có cơ sở pháp lý thu phí cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách thu phí (điều chỉnh luật) và khó có thể triển khai thí điểm trước năm 2030.

Do đó, Tramoc kiến nghị giữ nguyên lộ trình như đã báo cáo là bắt đầu thí điểm thu phí từ năm 2024, chính thức áp dụng từ năm 2025.

Đề xuất thí điểm thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội từ năm 2024 - 2

Vị trí dự kiến sẽ đặt 87 "trạm thu phí" đối với xe ô tô cá nhân vào nội đô được Sở GTVT Hà Nội xây dựng vào năm 2021 (Ảnh: Sở GTVT cung cấp).

Về phạm vi, báo cáo đề xuất không gian thu phí là khu vực bên trong đường Vành đai 3. Giai đoạn thí điểm sẽ thu phí tại một số trục chính bằng cách bố trí 15 trạm thu phí tại 9 vị trí trên các trục đường nội đô có lưu lượng lớn có nguy cơ ùn tắc giao thông. Sau khi thí điểm có hiệu quả, tiếp tục từng bước mở rộng vùng thu phí.

Giai đoạn 2 (từ năm 2026 đến 2030): Mở rộng vùng thu phí bờ Nam sông Hồng. Khu vực thu phí mở rộng có ranh giới được giới hạn bởi các đường Vành đai 3 - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - cầu Thăng Long - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Vành đai 3.

Giai đoạn 3 (sau năm 2031): Mở rộng vùng thu phí bờ Bắc sông Hồng, được giới hạn bởi các đường Nguyễn Văn Linh - Trường Sa - Hoàng Sa - Võ Văn Kiệt - cầu Thăng Long - Âu Cơ - Nghi Tàm  - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Vành đai 3.

Theo Đề án đơn vị tư vấn trình lần đầu, từ nay đến năm 2025, Hà Nội sẽ lập gần 100 trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm, cửa ngõ để thu phí ô tô vào nội đô (phương án trước đây là 87 trạm). Mức thu phí được xác định tối thiểu 50.000 đồng và tối đa 100.000 đồng/lượt xe ô tô.

Thời gian áp dụng thu phí xe vào nội đô là 5h - 21h hàng ngày. Tổng mức đầu tư cho việc lập hệ thống trạm thu phí vào nội đô dự tính khoảng 2.600 tỷ đồng.

"Phí giảm ùn tắc giao thông" là một loại phí mới

Trước đó, vào hồi tháng 10/2021, dư luận xôn xao khi hay tin Sở GTVT trình Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông" đã xây dựng để trình UBND TP Hà Nội xem xét.

Ở thời điểm này, Giám đốc GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết "phí phương tiện xe cơ giới đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông" gọi tắt là "Phí giảm ùn tắc giao thông" là một loại phí mới chưa có trong Luật Phí và lệ phí.

Đối tượng thu phí mà đề án hướng đến là xe ô tô cá nhân, xe ô tô chở người và miễn phí với xe công vụ, xe chở hàng hóa… nên không làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa, chi phí sản xuất.

Đề án đưa ra khung mức thu phí từ 50.000-100.000 đồng, từ đó làm căn cứ xây dựng dự án đầu tư trạm thu phí nên ở thời điểm hiện tại chưa tính mức phí cụ thể/lượt ô tô đi vào nội thành.

"Mức thu phí dựa trên nguyên tắc không nhằm thu ngân sách mà là biện pháp tài chính tác động đến hành vi người tham gia giao thông; mức thu phải có đủ tác động đến hành vi người tham gia giao thông, nếu thu thấp quá thì không tác động được; mức thu phải phù hợp với mức chi trả của người dân. Bản chất của loại phí này không trùng lắp bất cứ loại phí nào" - ông Viện nói.

Tuy nhiên, đến tháng 11/2021, UBND TP Hà Nội đã chưa trình HĐND TP đề án này tại kỳ họp cuối năm vì chưa phù hợp, chưa đảm bảo đầy đủ, toàn diện các điều kiện thực hiện…