Đà Nẵng:
Thử nghiệm hệ thống cảnh báo sóng thần
(Dân trí) - Sáng 15/5, tại Trung đoàn thông tin 575 (Bộ Tư lệnh QK5, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã tiến hành thử nghiệm hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần tại Đà Nẵng.
Sau gần 4 tháng triển khai thực hiện, đến cuối tháng 4/2011 đã hoàn thành việc chế tạo 10 bộ thiết bị cảnh báo sóng thần. Đặc biệt sau trận động đất 11/3 vừa qua tại Nhật Bản, 10 bộ thiết bị cảnh báo được chế tạo chịu được điều kiện môi trường đặc biệt như độ ẩm cao, nhiệt độ cao hoặc thấp hơn bình thường...; hoàn thành việc lắp đặt xong thiết bị tại 8 vị trí cảnh báo tại đài truyền thanh, khách sạn... vào ngày 30/4; hoàn thành xây dựng và lặp đặt thiết bị tại 2 cột cảnh báo với tiêu chuẩn chịu được động đất cao hơn so với cấp động đất như quy định hiện nay vào ngày 10/5.
Trong khoảng 8 phút sau khi động đất xảy ra, tiếp nhận thông tin cảnh báo sóng thần từ Viện Vật lý địa cầu, hệ thống còi hụ, các phương tiện báo động, gây sự chú ý của người dân được vận hành.
Ngay sau đó, hệ thống phát thanh qua sóng, phát thanh trực tiếp bằng các loa công suất lớn phát đi bản tin đầu tiên với nội dung thông báo sự kiện động đất, vị trí, địa điểm và cảnh báo nguy cơ tác động, ảnh hưởng bởi sóng thần.
Theo một số đại biểu, hệ thống còi hụ cảnh báo phải khác biệt với tiếng còi “đổi ca” hoặc “báo giờ nghỉ” để người dân dễ nhận biết, các phương án sơ tán người dân phải được hệ thống loa hoặc các phương tiện thông tin đại chúng hướng dẫn cụ thể nếu không sẽ xảy ra hỗn loạn, việc hàng trăm tàu thuyền của ngư dân gần bờ sẽ di chuyển như thế nào để giảm thiệt hại người và của, sau tiếng còi hụ là phải phát ngay bản tin để người dân nhận biết, ngoài phát tin bằng tiếng Việt có thể phát bằng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ khác để người nước ngoài có thể nhận biết và sơ tán...
Kết luận buổi diễn tập, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện, trang bị hệ thống cần thiết này tại các vùng có nguy cơ cao chịu động đất, sóng thần trên phạm vi toàn quốc.
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của tình trạng biến đổi khí hậu và các diễn biến ngày càng cực đoan của thiên tai. Chính phủ đặc biệt quan tâm và quán triệt tới các cấp, các ngành, tới từng người dân để đầu tư, lưu ý về công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là các thảm họa thiên nhiên như động đất, sóng thần.
“Công tác phòng chống thiên tai, động đất, sóng thần là việc làm thường xuyên liên tục và không bao giờ thừa. Nhờ công tác chỉ đạo của các cấp nên nhận thức của người dân đối với thiên tai ngày càng được nâng cao nên hạn chế thiệt hại về con người cũng như tài sản rất nhiều”, Phó Thủ tướng phát biểu.