DNews

Thu hơn 400 triệu đồng sau một tháng thí điểm cho thuê vỉa hè quận 1

An Huy

(Dân trí) - Tháng đầu thí điểm cho người dân đóng phí sử dụng một phần vỉa hè trên 11 tuyến đường khu vực trung tâm TPHCM, các ngành chức năng thu được hơn 400 triệu đồng nộp vào ngân sách.

Thu hơn 400 triệu đồng sau một tháng thí điểm cho thuê vỉa hè quận 1

9h sáng 12/6, bà Phạm Ngọc Anh Thư (41 tuổi), chủ quán nước, đang kê lại bàn ghế cho ngay ngắn trên vỉa hè trước số 583 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho (quận 1), khi nhóm khách vừa rời đi.

Bà Thư là một trong 219 hộ dân được đăng ký đóng phí sử dụng một phần vỉa hè để kinh doanh tại khu vực trung tâm TPHCM. Từ khi được mở rộng mặt bằng, việc buôn bán của bà thuận lợi hơn.

Thoải mái kinh doanh

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Thư cho biết rất vui khi thành phố triển khai cho người dân đóng phí sử dụng vỉa hè để kinh doanh. Hơn 1 tháng trước, nhận được thông báo của phường, bà liền đăng ký thuê 7m2 vỉa hè với giá 700.000 đồng/tháng mà không phải đắn đo, suy nghĩ.

Với diện tích này, bà kê được 6 bộ bàn ghế cho khách ngồi, phần còn lại để xe. Hơn một tháng qua, lượng khách đến quán bà nhỉnh hơn so với trước đây vì mặt bằng được mở rộng.

Bà thoải mái kê bàn ghế phía trong vạch kẻ màu vàng để đón khách, không phải lo lắng lực lượng đô thị kiểm tra, xử phạt như thời gian trước. Vỉa hè tại khu vực cũng ngăn nắp, không còn cảnh lấn chiếm, để xe bừa bãi.

Thu hơn 400 triệu đồng sau một tháng thí điểm cho thuê vỉa hè quận 1 - 1

Một góc vỉa hè được áp dụng cho người dân đóng phí sử dụng trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1 (Ảnh: An Huy).

"Với mức phí 100.000 đồng/m2, tôi thấy rất hợp lý. Những người kinh doanh nhỏ lẻ như tôi đủ khả năng để đóng phí. Trước đây, mặt bằng của tôi quá nhỏ không đủ kê bàn ghế cho khách ngồi. Một vài lần tôi để vật dụng lấn ra vỉa hè, bị lực lượng đô thị nhắc nhở, xử phạt", bà Thư nói.

Trong khi đó, đường Phan Chu Trinh, bên hông chợ Bến Thành (quận 1) cũng trở nên ngăn nắp, trật tự hơn từ khi thành phố áp dụng thu phí để người dân sử dụng một phần vỉa hè.

Ông Nguyễn Ngọc Cường (40 tuổi) kinh doanh giữ xe cho khách tham quan, đi chợ Bến Thành tại khu vực, cho biết làm việc tại khu vực đã 25 năm. Với ông, đây là thời điểm kinh doanh thoải mái nhất vì những người như ông được hợp thức hóa sử dụng một phần vỉa hè đúng quy định của pháp luật.

Từ khi được thuê vỉa hè, việc kinh doanh của ông thuận lợi hơn rất nhiều, không còn cảnh vội vã dắt xe máy tránh né lực lượng đô thị như trước.

Ông chính thức đóng phí vỉa hè 1 tháng nay với giá 100.000 đồng/m2. Ông thuê tổng cộng 27m2 với phí 2,7 triệu đồng/tháng. "Vừa rồi tôi đóng phí sử dụng vỉa hè một năm, hơn 28 triệu đồng. Đóng trực tiếp vào tài khoản ngân sách của thành phố chứ không qua một đơn vị nào, rất minh bạch", người đàn ông nói.

Vỉa hè ngăn nắp, trật tự

Bà Lan (55 tuổi, ngụ quận 1) trước đây kê sạp trái cây bán sát lề đường trên vỉa hè Phan Chu Trinh, đối diện cửa tây chợ Bến Thành. Mỗi lần thấy lực lượng đô thị đi qua, bà phải vội vã gánh hàng rong vào hẻm tại khu vực né tránh.

Khi được thành phố tạo điều kiện cho thuê 2m2 vỉa hè với giá 200.000 đồng/tháng, bà Lan phải dời gánh hàng rong vào vị trí gần nhà dân. Phần vỉa hè sát lề đường dùng để xe cho các cơ sở kinh doanh tại khu vực.

Thu hơn 400 triệu đồng sau một tháng thí điểm cho thuê vỉa hè quận 1 - 2

Bà Lan vui mừng khi có một chỗ ổn định để buôn bán trên đường Phan Chu Trinh (Ảnh: An Huy).

Bà Lan cho biết rất vui mừng khi được thành phố tạo điều kiện cho những người bán hàng rong như bà có chỗ ổn định làm ăn. "Để thùng trái cây sát lề đường, khách dễ nhìn thấy hơn. Tuy nhiên, có chỗ bán hợp pháp là tôi mừng rồi, hy vọng việc kinh doanh sắp tới phát triển hơn", bà Lan nói.

Từ khi áp dụng cho người dân đóng phí sử dụng vỉa hè, trên một số tuyến đường như: Hoàng Sa (phường Tân Định), Mạc Đĩnh Chi (phường Đa Kao), Võ Văn Kiệt (phường Cô Giang)… người dân chấp hành để xe và bàn ghế kinh doanh rất trật tự, không lấn ra khỏi vạch màu vàng, lộn xộn như trước đây.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Phòng Quản lý đô thị quận 1 cho biết, tổng trường hợp đăng ký sử dụng tạm thời một phần hè phố đến nay là 219 hộ. Tổng số phí sử dụng tạm thời một phần hè phố dự kiến thu gần 850 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay, số trường hợp đã đóng phí sử dụng tạm thời một phần hè phố mới chỉ có 94 hộ với số tiền thu thực tế hơn 400 triệu đồng.

Thu hơn 400 triệu đồng sau một tháng thí điểm cho thuê vỉa hè quận 1 - 3

Vỉa hè đường Phan Chu Trinh bên hông chợ Bến Thành ngăn nắp khi được áp dụng cho người dân đóng phí sử dụng một phần (Ảnh: An Huy).

Hiện quận 1 có 11 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức làm điểm kinh doanh, mua, bán hàng hóa, cho thuê giữ xe, gồm: Hoàng Sa (phường Tân Định), Mạc Đĩnh Chi (phường Đa Kao), Hải Triều, Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé), Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh (phường Bến Thành), Hàm Nghi (phường Nguyễn Thái Bình), Trần Hưng Đạo (các phường: Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Cư Trinh, Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho), Cô Bắc (phường Cầu Ông Lãnh), Võ Văn Kiệt (phường Cô Giang).

Các tuyến đường trên có giá thuê 100.000 đồng/m2/tháng (trừ đường Võ Văn Kiệt, phường Cô Giang có mức thuê là 50.000 đồng/m2/tháng), được thí điểm từ nay đến hết 30/9.

Theo Sở GTVT TPHCM, vỉa hè thuộc diện cho thuê phải rộng từ 3m trở lên. Trong đó, diện tích kinh doanh, buôn bán sẽ bố trí ở phía nhà dân và chừa lại ít nhất 1,5m cho người đi bộ, thông suốt liên tục.

Mức phí quy định cho hoạt động trông giữ xe 20.000-350.000 đồng/m2/tháng; mức thu phí cho các hoạt động khác từ 20.000 đồng đến 100.000 đồng. Mức phí được đề xuất tùy theo giá đất bình quân tại khu vực.