“Thu hồi đất cho dự án kinh tế là quy định không văn minh”
(Dân trí) - “Không thể chấp nhận cơ chế nhà nước thu hồi đất vì lợi ích riêng của nhà đầu tư. Việc Nhà nước có quyền rút quyền lợi, tài sản của người này đưa cho người khác nghĩa là xã hội không văn minh, dân chủ, công bằng, là nguyên nhân tạo nguy cơ tham nhũng...”
GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, phụ trách lĩnh vực đất đai trao đổi về những nội dung được đưa vào dự thảo luật Đất đai sửa đổi sau đợt góp ý kiến vừa qua. Bản dự thảo này sẽ được đưa ra Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp thứ 5, bắt đầu vào tuần tới.
Bản dự thảo mới nhất luật Đất đai sửa đổi, Bộ TN-MT vẫn đưa ra 2 phương án về vấn đề thu hồi đất đối với các dự án phát triển kinh tế xã hội. Phương án thứ nhất giữ nguyên quan điểm thu hồi đất cho các dự án kinh tế, xã hội. Phương án thứ 2 không quy định việc thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế, xã hội nhưng lại chia các dự án vào các nhóm được thu hồi đất vì mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phục vụ an ninh, quốc phòng. Theo đó, các dự án như làm khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị mới… do Thủ tướng hoặc Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư … đều được nhà nước thu hồi đất. Nhiều ý kiến lo ngại, luật mới như vậy vẫn để ngỏ “cửa”… chạy dự án cho các nhà đầu tư sau này?
Theo chuẩn mực đưa ra hiện nay, người ta chỉ xem xét thu hồi đất cho 3 mục đích vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phục vụ an ninh quốc phòng… mà không tính cho các dự án thuần túy kinh tế. Dự án phát triển kinh tế xã hội, theo đó, là một khái niệm không mạch lạc. Đã gọi là dự án xã hội, hoặc kinh tế - xã hội kết hợp thì thường sẽ thấy được mục đích vì lợi ích công cộng. Theo tôi, giờ chỉ cần tách ra nhóm dự án vì mục đích thuần túy kinh tế. Viết thêm “vế” xã hội vào làm rối thêm vấn đề.
Trường hợp này, cần loại bỏ hoàn toàn các dự án kinh tế ra khỏi cơ chế Nhà nước thu hồi đất. Còn trường hợp các dự án có thể vì lợi ích của nhà đầu tư nhưng vẫn mang tính công cộng thì khi đó Nhà nước vẫn có thể thu hồi đất.
Trong trường hợp đó, vẫn có không ít ý kiến băn khoăn về khả năng tách bạch, xác định được một dự án như nào là thuần túy kinh tế khi bất cứ dự án, công trình nào cũng đều phải đặt trên nền tảng là sự kết nối với cộng đồng?
Tôi có thể nêu ví dụ ngay. Một dự án gọi là “chỉnh trang đô thị”, nghe có vẻ rất xã hội, nhưng nhà đầu tư lại chỉ cần khoảng một vài nghìn mét vuông đất để xây siêu thị hoặc trung tâm thương mại hoặc vài trăm mét vuông để xây một trạm xăng vì thuần túy cơ hội "làm ăn" của mình. Kiểu dự án đó không thể được xếp là vì mục đích công cộng. Đó là vì mục đích "kiếm ăn" ở một khu dân cư nào đó, khu đô thị nào đó.
Do giá đất đai trong đô thị rất cao, tiềm năng thu lợi lớn nên nhà đầu tư mong muốn Nhà nước thu hồi đất để giao cho mình. Lợi dụng quyền thu hồi đất của Nhà nước để phục vụ lợi ích kinh tế đơn thuần của nhà đầu tư trong trường hợp này là không đúng. Đó chính là ranh giới mà chúng ta phải xác định cho được: Dự án nào là vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
Nhưng khuôn hẹp phạm vi xác định tính chất thuần túy kinh tế đến mức đó thì ngay những dự án làm khu đô thị mới, xây nhà thương mại để bán mà dư luận bức xúc nhiều thời gian qua vẫn tiếp tục “lọt cửa”. Quy định theo hướng này liệu có khả năng giúp cắt giảm được đáng kể hiện trạng phức tạp của vấn đề?
Đến phần này ta mới đang thảo luận vấn đề cơ chế thu hồi đất hay không thu hồi. Sau khi bàn xong việc này mới tính đến cơ chế bồi thường khi thu hồi.
Để khắc phục việc người dân được bồi thường thấp trong khi nhà đầu tư thu lợi lớn thì cần có cơ chế khác. Nhà nước vẫn thu hồi đất nhưng phải dùng cơ chế chia sẻ lợi ích, tức người mất đất có quyền được chia sẻ lợi ích từ dự án đầu tư. Đây là cách thức bồi thường mà Việt Nam chúng ta chưa đề cập đến. Cơ chế không đồng bộ khi thu hồi đất gây ra nhiều bất bình của người dân mà đôi khi sự bất bình đó cũng vô lý.
Để phát triển khu đô thị mới, các nước họ vẫn sử dụng cơ chế góp đất và điều chỉnh lại đất đai, việc thu hồi đất được gắn với quy hoạch đô thị, người mất đất luôn nhận lại được một phần đất đô thị nhất định. Theo cơ chế này, quyền lợi từ phát triển đô thị được chia sẻ ngay cho cư dân tại chỗ.
Cơ quan soạn thảo cũng lập luận việc không áp dụng cơ chế trưng mua với các dự án kinh tế xã hội là để đảm bảo nguyên tắc sở hữu tập trung, trong đó nhà nước là đại diện chủ sở hữu, để giúp nhà nước chủ động trong việc làm quy hoạch?
Ngay cả việc xác định sở hữu toàn dân thì vẫn phải tôn trọng quyền của người sử dụng đất. Tôi cho rằng không thể lấy lý do đó ra để biện minh. Sự thật, nhiều nước khác còn dùng một từ mạnh hơn từ thu hồi đất để khẳng định quyền lấy đất của Nhà nước, đó là từ “chiếm giữ đất” - Nhà nước có quyền chiếm giữ đất đai của tư nhân.
Tôi cho rằng nhiều người không ưng cách dùng từ “thu hồi” vì nó sẽ tạo nên một môi trường sử dụng đất bất ổn định cho người dân, tức Nhà nước giao đất rồi một ngày nào đó lại quyết định thu lại để giao cho người khác. Cách đó gây ra cảm giác rủi ro cho người đang sử dụng đất. Nên dùng từ cho chuẩn mực hơn, khi Nhà nước thực hiện quyền chiếm giữ đất thì phải có trách nhiệm bồi thường thỏa đáng và chỉ được áp dụng trong những trường hợp thật cần thiết. Từ "thu hồi" dễ bị lạm dụng theo nghĩa quyền lực đương nhiên về đất đai của Nhà nước, dễ dẫn đến lạm quyền, áp dụng sai pháp luật.
Bản dự thảo Hiến pháp được chỉnh lý mới đây nhất đã thể hiện quan điểm rất rõ ràng là không thu hồi đất cho dự án kinh tế, xã hội. Điều này được cho là “vênh” so với quan điểm phân chia các dự án về 3 nhóm mục đích như ông đã đề cập trong luật Đất đai sửa đổi đến thời điểm này?
Tôi cho rằng nếu Hiến pháp thể hiện như thế lại là… quá tay. Chỉ xác định không thu hồi đất cho các dự án kinh tế như phân tích ở trên mới là phù hợp. Nếu ghép cả mục tiêu xã hội vào thì lại "tự mình lấy đá ghè vào chân mình" mất rồi. Mục tiêu xã hội thường gắn với mục đích công cộng, ví dụ như xây dựng bệnh viện, trường học, nơi xử lý chất thải, v.v. Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp này là có lý và người dân cũng dễ đồng thuận.
Chính vì vướng chỗ này mà dự thảo luật đất đai sửa đổi đi theo hướng chẻ các dự án này ra để quy về các mục đích công cộng, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh như cách quan niệm truyền thống trước đây… Theo đó, những thứ có thể áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi còn nhiều hơn so với quy định trong luật Đất đai 2003.
Luật Đất đai sửa đổi dự kiến sẽ được thông qua trong kỳ họp tới đây trong khi Hiến pháp sửa đổi vẫn đang được xây dựng. Với những điểm còn “vướng” nhau như này, việc chỉnh quy định thu hồi đất cho dự án kinh tế - xã hội sẽ là quy trình ngược?
Tôi cho rằng theo quy trình thì cần thông qua Hiến pháp trước những luật có liên quan nhiều tới Hiến pháp. Tôi cũng có chất vấn một câu tương tự với một số cấp vụ của Tổng cục Quản lý đất đai thì được biết là Luật cứ thông qua cho đúng kế hoạch, nếu Hiến pháp được thông qua mà khác với Luật thì lại tiếp tục… sửa Luật cho phù hợp Hiến pháp.
Xin cảm ơn ông!
P.Thảo (thực hiện)