“Thót tim” xem lễ đâm trâu
(Dân trí) - Người dũng sĩ chìa thanh mác nhọn hoắt, lao vào con trâu mộng… Hàng ngàn người xem rú lên, nhiều người yếu tim quay mặt, nhắm chặt mắt.
Đây có thể xem là chương trình được nhiều du khách chờ đợi nhất. Ngay từ sáng 14/11, hàng ngàn người đã đổ vễ nơi diễn ra lễ phục dựng để được tận mắt chứng kiến lễ đâm trâu của người Bahnar.
Trong tiếng cồng chiêng rộn rã của những chàng trai và những điệu múa của các cô gái Bahnar, một chú trâu mộng được dẫn ra giữa sân khấu và được buộc vào cây nêu bởi một thòng lọng tết bằng mây rừng. Một nhóm dũng sĩ cầm mác trên tay, tất cả cùng quay quanh chú trâu ca hát làm con trâu lồng lên như muốn dứt đứt sợi dây thòng lọng.
Cứ một lúc, người dũng sĩ chính của buổi lễ chìa thanh mác nhọn hoắt ra, lao vào con trâu mộng… Hàng ngàn người xem rú lên, nhiều người yếu tim quay mặt đi, nhắm tịt mắt. Nhưng người dũng sĩ chỉ chìa thanh mác đến gần con trâu rồi lại rút mác lại.
Cứ thế, khán giả không chỉ được xem những điệu múa mê hồn của các chàng trai, cô gái mà còn hưng phấn chờ đợi nội dung chính của chương trình: đâm trâu.
Thế nhưng, trong cái chờ đợi đến ngộp thở của người xem thì đến cuối buổi lễ, ban tổ chức mới thông báo sẽ không tổ chức đâm trâu thật mà chỉ mang tính hình thức biểu diễn.
Nhiều người tỏ ra tiếc nuối nhưng cũng có nhiều người đồng tình. “Đây là một chương trình quốc tế lớn thì không nên diễn ra cảnh sát sanh (sát sinh). Ngay từ đầu tôi cũng nghĩ sẽ chỉ là biểu diễn hình thức nhưng khi được chứng kiến cảnh trói trâu, vờn trâu lại thót tim. Thật bất ngờ”, anh Ngọc Linh, một người dân ở Pleiku bày tỏ.
Lễ đâm trâu của người Bahnar khoảng 10 năm mới diễn ra một lần. Theo quan niệm, nếu trâu chết sau 2 nhát đâm của dũng sĩ thì năm đó mùa màng sẽ thắng lợi, lũ làng sẽ có cuộc sống sung túc.
Dưới đây là chùm ảnh “thót tim” trong buổi phục dựng lễ hội đâm trâu được PV Dân trí ghi lại:
Các dũng sĩ tay lăm lăm mác