1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Gia Lai:

Thót tim nhìn phụ nữ, trẻ nhỏ đứng bè gỗ đu dây qua dòng nước xiết

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Không ít lần người dân suýt bỏ mạng cho "hà bá" khi dây cáp kéo bè bị đứt hoặc người dân trượt chân rơi xuống nước. Người đứng trên bè đôi khi toàn phụ nữ và trẻ nhỏ.

Người dân vượt suối bằng chiếc bè tạm, đu dây cáp giăng đôi bờ.

Gần 2 năm nay, người dân làng Hde (xã Đăk Tơ Ver, huyện Chư Păh, Gia Lai) phải liều mình vượt qua dòng suối lớn bằng chiếc bè tạm để đi lên nương rẫy. 

Mỗi ngày, "hà bá" luôn rình rập nhưng người dân vẫn phải chấp nhận nguy hiểm để đi qua suối. Không ít lần người dân thoát chết trong gang tấc khi dây cáp kéo bè bị đứt hoặc người trên bè trượt chân rơi xuống nước.

Thường có nhiều người đi chung một bè qua sông, không có đồ bảo hộ, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ nhỏ.

Trong những ngày ảnh hưởng cơn bão số 5 vừa qua, tại làng Hde, chúng tôi chứng kiến hàng trăm lượt người dân liều lĩnh qua lại dòng suối trên chiếc bè tạm, khi mực nước liên tục dâng cao, chảy xiết.

Thót tim nhìn phụ nữ, trẻ nhỏ đứng bè gỗ đu dây qua dòng nước xiết - 1

Nhiều lần lũ về khiến sợi cáp và chiếc bè tạm bị trôi.

Sau mỗi ngày làm trong xã, anh Rơ Châm Chư (người dân làng Hde) đều ra chờ bên bờ để giúp kéo vợ con qua suối.

Anh Chư chia sẻ: "Hồi xưa, người dân trong làng đi qua bằng cây cầu gỗ. Tuy nhiên, do mưa lũ nên cầu bị nước lũ cuốn trôi mất. Vì không có kinh phí làm cầu nên dân đã góp tiền mua dây cáp, thùng nhựa để làm một chiếc bè tạm đi qua lại".

Qua lại trên suối với chiếc bè tạm và dây cáp kéo, anh Chư nhiều lần chứng kiến nước lớn, sợi cáp kéo bị đứt, người trên bè trượt ngã, đồ đạc trôi mất hết.

"Mình lo quá nên mỗi chiều khi đi làm trong xã về thì ra dòng suối này để kéo vợ con đi làm rẫy về. Mình sợ lật bè thì trẻ em với người đông sẽ không cứu hết được", anh Chư cho biết thêm.

Thót tim nhìn phụ nữ, trẻ nhỏ đứng bè gỗ đu dây qua dòng nước xiết - 2

Người dân qua suối trên chiếc bè tạm, mỗi lần qua là một lần nguy hiểm.

Tương tự, bà Xưi hàng ngày đều đặn đi hái măng ở bên kia suối. Thời gian học trò nghỉ hè, bà thường phải dẫn cháu đi lên nương rẫy cùng. Điều khiến bà Xưi lo lắng nhất là mỗi lần qua suối phải đi trên chiếc bè tạm. Bà Xưi không có sức kéo nên phải chờ người dân trong làng qua lại để đi ké.

"Chỉ có đàn ông, thanh niên mới đủ sức kéo chiếc bè này đi thôi. Phụ nữ, trẻ em muốn đi qua phải chờ người đi ké. Có nhiều người yếu kéo được nữa dòng nước thì đuối sức quá, để cho chiếc bè trôi tự do. Lúc đó sợ lắm. Mình chỉ mong có một chiếc cầu để bà con an toàn đi lại, nhất là mùa mưa lũ", bà Xưi nói.

Năm 2019, ông Trần Công Quyền (sinh năm 1985, phường Thắng Lợi, TP Kon Tum) cùng người dân đi hái lá chuối bên kia suối. Lúc quay về, vì dòng nước lũ về lớn nên chiếc bè bị lật và ông bị nước cuốn trôi.

Người làng Hde vẫn nhớ chuyện người đàn ông xấu số và cả những lần bè lật, đồ đạc trôi mất không đếm xuể. Thế nhưng vì cuộc mưu sinh, dân làng Hde - nơi có 50 hộ dân với khoảng 200 nhân khẩu - vẫn phải liều mình vượt qua con suối ngăn làng với nương rẫy.

Thót tim nhìn phụ nữ, trẻ nhỏ đứng bè gỗ đu dây qua dòng nước xiết - 3

Người dân luôn mong mỏi có chiếc cầu để thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển nông sản.

Ông Nay Kiên - Chủ tịch UBND huyện Chư Păh cho biết: Qua đánh giá, việc xây dựng cầu thì ở vị trí này không đáp ứng những tiêu chí cần thiết. Địa phương đã xây dựng phương án kêu gọi nhiều nguồn xã hội hóa nhưng không được. Hiện nay, người dân huyện Chư Păh thường xuyên đi qua suối để sang huyện Đăk Đoa canh tác hoa màu.

Thót tim nhìn phụ nữ, trẻ nhỏ đứng bè gỗ đu dây qua dòng nước xiết - 4

Cơ quan chức năng cũng đang gặp khó vì vị trí này không đáp ứng được những tiêu chí cần thiết để xây dựng cầu.

"Các ngành chức năng của huyện đã có kiến nghị vấn đề này. Sắp tới, chúng tôi sẽ đề xuất lên tỉnh nhằm có hướng xử lý để đảm bảo cho an toàn cho người dân, nhất là trong mùa mưa lũ", Chủ tịch UBND huyện Chư Păh cho hay.