Thông tin về trẻ em: Cần lắm đạo đức người làm báo!
(Dân trí) - Không ít nhà báo, tờ báo hoặc vô tình hoặc cố tình làm tổn thương trẻ bằng chính ngòi bút, góc ảnh của mình. Sự thật là yêu cầu hàng đầu của báo chí, nhưng bên cạnh đó cần giữ vững đạo đức người làm báo, nhất là khi khai thác đề tài trẻ em.
Hàng loạt vấn đề về khai thác đề tài trẻ em của báo chí được đặt ra tại Hội thảo khoa học “Đưa tin về trẻ em và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại TPHCM vào ngày 9/8 với sự tham gia của nhiều cơ quan báo đài trung ương, tỉnh.
Tăng thêm nỗi đau của trẻ
Nhiều đại biểu chỉ ra, nhiều nội dung “nhạy cảm” của trẻ em như clip sex, đánh nhau hay trẻ bị hiếp dâm, trẻ phạm tội... được không ít tờ báo chỉ đích danh tên tuổi, tường tận địa chỉ nhà, trường học của nhân vật chính. Chưa kể, có lúc hình ảnh của các em bị phơi bày trên mặt báo với kiểu che mặt lấy lệ. Không thiếu những bài báo về trẻ em phạm tội hay trẻ em bị hiếp dâm mà người đọc cũng phải rùng rợn vì các chi tiết được nhà báo mô tả, được gán bằng chính lời kể của các em.
Hậu quả của việc đưa tin quá “trung thực” rất khó lường. Một bé gái 13 tuổi mang bầu ở Huế từng tìm đến cái chết bất thành sau khi em được chỉ đính danh kèm hình ảnh đăng trên một tờ báo về việc mang bầu của mình, cuối cùng gia đình đã chuyển em tới nơi khác sinh sống. Một đôi nam nữ trẻ ở Tiền Giang đã tẩm xăng tự thiêu vì clip tình cảm của mình bị báo chí loan tin.
Thông tin nữ sinh ở Hà Nội tự tử vì bị bạn ghép ảnh mặc áo cổ rộng trên Facebook mới đây cũng được nhắc tới tại hội thảo như lời cảnh báo về mức độ dễ tổn thương của trẻ em trước các thông tin được đăng tải, dù là trên mạng xã hội.
Hay điển hình như lời chia sẻ “truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn” của cậu bé 12 tuổi Đỗ Nhật Nam được nhiều đại biểu chia sẻ như một minh chứng cho việc báo chí tăng thêm nỗi đau của trẻ nhỏ. Tờ báo không chỉ ra được toàn vẹn ngữ cảnh Đỗ Nhật Nam nhắc lại câu nói của mẹ để bảo vệ em trước mũi nhọn công kích của dư luận. Thậm chí có những tờ báo, trang tin còn cố tình bỏ ngỏ “Bạn nghĩ về vấn đề này như thế nào?” như đang tung “miếng mồi” cho dư luận.
Bà Đỗ Thị Thanh Nhã, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội cho hay, trước những sự việc đau lòng của con trẻ, người đọc có thể ồ à thương cảm rồi sẽ quên. Nhưng những nạn nhân trực tiếp của vụ việc, sống tại một địa phương cụ thể sẽ không thể nào vượt qua được dư luận, cũng khó gạt đi suy nghĩ mọi người đều biết mình như thế. Vì vậy những bài báo đi quá sâu vào đời tư đã vô tình xâm phạm vào quyền được bảo vệ của trẻ.
Viết về trẻ em - thách thức của người làm báo
Khai thác thông tin chính xác là yêu cầu hàng đầu của báo chí. Riêng trong khuôn khổ khai thác về đề tài trẻ em được đề cập, hầu hết các ý kiến đều cho rằng bên cạnh thông tin đòi hỏi người cầm bút phải thật sự có tâm. Mọi bài báo đều thể hiện đạo đức của người cầm bút thì khi viết về trẻ em nhà báo càng phải tự chất mình trong từng con chữ.
PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, trẻ em là đối tượng cực kỳ dễ bị tổn thương về tinh thần do các em còn non nớt về nhận thức. Trẻ chưa hiểu biết đầy đủ, chưa biết cách diễn đạt nên các em không lường hết được những phát ngôn của mình.
Đưa tin về trẻ em và quảng bá quyền trẻ em là thách thức không nhỏ đối với truyền thông. Báo chí không chỉ đưa tin công bằng, chính xác mà phải tạo điều kiện để các em được tham gia ý kiến, thể hiện chính kiến, mong muốn... của mình. “Mọi câu phỏng vấn dành cho trẻ em, nhà báo không được quên sự tôn trọng nhân phẩm và quyền của trẻ”, bà Hằng nói.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, Phó Trưởng ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, cho hay báo chí viết về trẻ em là một kênh cực kỳ quan trọng đối với việc tuyên truyền nếp sống, nhân phẩm cho thế hệ trẻ.
“Trẻ em trong sáng, dễ đọc và dễ tin. Và những thông tin sẽ trở thành ấn tượng hắn sâu trong tâm hồn cũng như hướng cách suy nghĩ của các em. Nó có thể là kỳ diệu nhưng cũng có thể là khủng khiếp. Vì thế viết về trẻ em là lĩnh vực cần thận trọng trong cả cách khai thác đề tài, cách viết, cách đưa lên mặt báo”, ông Nhân cho hay.
Ông Nhân nói rằng, nhiều người cầm bút đang coi trẻ em như “miếng mồi” để khai thác thông tin hình ảnh một cách vô tội vạ, họ đưa tin theo dụng ý của mình mà không quan tâm đến việc thông tin đó ảnh hưởng, làm tổn thương các em như thế nào. Vì thế theo ông Nhân, người cầm bút hãy thận trọng như viết cho con chính con cháu của mình đọc. Bởi “kể cả những người thiếu tôn trọng ngòi bút của mình thì cũng hiếm ai muốn con em mình đọc phải những điều không hay, không tốt, những điều phi nghĩa và không đúng đạo làm người”.
Đồng tình với ý kiến này, TS Nguyễn Thành Lợi cho rằng khi viết về trẻ em nhà báo phải viết chắt lọc, xử lý thông tin, đặt mình vào vị trí của trẻ để viết sao cho có liều lượng.
Điều đáng ngại là nhiều người viết nhân danh sự thật cho mình cái quyền được nói, được mổ xẻ, phán xét mà ít bận tâm đến hậu quả có thể gây tổn hại cho trẻ. Trong thời đại thông tin, các trang tin, mạng xã hội bùng nổ cũng là một thách thức đối với người làm báo trong việc chọn lọc thông tin.
Khi thực hiện phóng sự về cuộc sống trẻ có HIV, tôi gặp người phụ nữ nhận nuôi cháu bé có HIV và chị che giấu điều này với mọi người xung quanh. Chị chia sẻ rất nhiều về cuộc sống của họ và khi lên sóng phát thanh tôi đã giấu tên, địa chỉ của họ, chỉ sử dụng một đoạn ghi âm để phóng sự chân thực, sinh động hơn. Sau đó, tôi gọi điện hỏi thăm thì được biết họ đã chuyển đi chỗ khác sinh sống vì hàng xóm biết cháu bé có HIV. Đến bây giờ tôi vẫn day dứt vì điều này. Thông tin là cần thiết nhưng đạo đức của người làm báo cần phải đặt lên hàng đầu khi viết về trẻ nhỏ. Nhà báo Nguyễn Thị Nga, Đài PT -TH Bà Rịa - Vũng Tàu |
Hoài Nam - Hồng Nhung