Thòng lọng “giết” trên đường phố
Từ lâu, những nút “thòng lọng” dây điện treo lơ lửng trên đường phố Hà Nội là thành nỗi bức xúc lớn của người dân thủ đô bởi nó không chỉ ảnh hưởng tới mỹ quan thành phố mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới sự an toàn của người dân khi tham gia giao thông.
Những “thòng lọng” gây chết người
Trên các đường phố, ngõ ngách của thủ đô, hệ thống các loại dây điện, dây thông tin phần lớn vẫn chạy theo hệ thống các loại cột do ngành điện lực và ngành bưu điện trồng. Quan sát bất cứ cây cột điện nào, dù cũ hay mới, người ta đều có thể nhận thấy sự quá tải, rối rắm đến mức khó tưởng tượng của những bó dây lùng nhùng, mà số lượng dây có thể từ hàng chục tới cả trăm chiếc. Những búi dây này lớn dần lên theo ngày tháng cùng với mức độ lộn xộn, mà chính những cơ quan quản lý những loại dây này cũng phải tốn khá nhiều công sức mới có thể tìm được ra dây của mình khi cần.
Có rất nhiều dây trong búi dây đó trở thành vô chủ, bởi khi dây đứt, những người thợ chẳng buồn thu dây cũ về mà cứ thế chạy thêm dây mới. Cũng cần phải kể tới sự làm ăn tắc trách, thiếu chuyên nghiệp của thợ đi dây - phần nhiều trong số họ là người lao động ngoại tỉnh được các đơn vị có dây thuê - khiến cho các hệ thống dây vốn đã lộn xộn lại càng trở nên nhằng nhịt. Dây cũ, dây mới, dây đứt cứ thế chằng buộc vào nhau tạo nên hàng nghìn, hàng vạn “mạng nhện” giăng khắp hang cùng ngõ hẻm trên đường phố Hà Nội.
Và cũng chính những sợi dây “không đầu không cuối” ấy, khi lòng thòng xuống đường đã vô tình tạo ra những tai nạn cho người đi đường, thậm chí đã có trường hợp gây ra cái chết thương tâm như trường hợp của anh Nguyễn Quang Minh (25 tuổi, cựu SV Trường ĐH Giao thông - Vận tải Hà Nội).
Trưa ngày 20/6, trong lúc đi xe máy trên đường Đê La Thành, khi ngang qua số nhà 306, anh Minh đã bị một sợi dây đứt rơi xuống đường như một chiếc thòng lọng thít chặt vào cổ khiến anh ngã xuống đất rồi tử vong. Điều trớ trêu là ngay cả khi cơ quan công an truy tìm đơn vị quản lý sợi dây “giết người” kia trong số 5-6 đơn vị có dây trên đoạn đường này để quy trách nhiệm, dù tốn khá nhiều công sức, nhưng cuối cùng cũng đành bó tay vì sợi dây đã “vô chủ” từ lâu.
| |
|
Bao giờ hết “thòng lọng”?
Trao đổi với PV, lãnh đạo của Công ty điện lực Hà Nội than thở: Ngành điện lực đã rất nỗ lực trong việc hạ ngầm dây với khoảng 43% hệ thống dây (chủ yếu là dây trung thế) được hạ ngầm hiện tại, trước hết là tại những khu vực trung tâm TP như quanh Hồ Gươm, các tuyến phố chính như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt…
Thế nhưng, những nỗ lực ấy dường như chỉ là muối bỏ bể vì dây điện đã hạ ngầm hết, nhưng chẳng thể chặt nổi cột điện vì chẳng hiểu từ lúc nào, trên những cây cột điện ấy đã có tới hàng chục búi dây thông tin các loại, từ dây điện thoại, dây Internet, dây cáp truyền hình… Cực chẳng đã, 2 năm qua, Điện lực Hà Nội đã phải tiến hành cho thuê cột điện, nghĩa là đơn vị nào muốn sử dụng cột điện thì phải thông báo cho công ty và thuê để sử dụng. Nhưng giải pháp này cũng chỉ là tình thế.
Ngoài Bưu điện và Điện lực Hà Nội, hiện có khá nhiều đơn vị có số lượng dây nổi trên đường phố thủ đô. Có thể kể ra một số đơn vị có hệ thống dây nổi như Công ty FPT, Công ty viễn thông quân đội Viettel, các trung tâm truyền hình cáp của Đài THVN và Đài PT - TH Hà Nội…
Hạ ngầm hết các loại dây nổi trên đường phố ở thủ đô là mục tiêu lâu dài của Hà Nội. Tuy nhiên, trước mắt việc ngày nào ở Hà Nội cũng xuất hiện những “thòng lọng” tử thần, những búi dây cáp treo lộn xộn xuống cả chân nhiều cột điện, những sợi dây cáp đứt treo lơ lửng trên các đường phố... đang rất cần UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý kịp thời, có chế tài phạt nghiêm những đơn vị vi phạm. Đừng để tình trạng “cha chung không ai khóc” như thời gian vừa qua, khi mà người chết vì “thòng lọng” thì đã rõ, nhưng không tìm ra thủ phạm.
| |
|
Ông Nguyễn Minh Phương - Giám đốc Điện lực Thanh Xuân, Hà Nội đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc: “Nhiều khi, người dân thấy dây mắc trên cột điện thì nghĩ là dây điện, khiến chúng tôi bị trách oan. Để đảm bảo mỹ quan cho TP và an toàn cho người qua lại, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ những những đơn vị nào lợi dụng cột điện để treo, đi dây bừa bãi, gây mất uy tín của công ty điện lực Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Tiến - Giám đốc Trung tâm mạng - Công ty điện thoại đường dài Viettel: “Chúng tôi có thoả thuận với bên Công ty điện lực Hà Nội thuê sử dụng cột điện để đi dây điện thoại và dây Internet. Tôi cũng đồng tình với việc hạ ngầm hệ thống dây thông tin để đảm bảo mỹ quan cho đường phố. Chúng tôi cũng đang cố gắng chỉ sử dụng các đoạn dây dài từ 150 m trở xuống để hạn chế tình trạng dây võng, chùng xuống đất do quá dài”.
Ông Phạm Hồng Hải - Phó trưởng phòng Quản lý viễn thông - Bưu điện Hà Nội: “Bây giờ tất cả những đơn vị có dây vẫn phải chấp nhận lẫn nhau, bởi chính bản thân chúng tôi nhiều lúc cũng phải sử dụng cột của các ngành khác. Ở nước ngoài, thường thì người ta sẽ cho tư nhân đấu thầu để làm các hệ thống đường ngầm kỹ thuật. Sau đó, đơn vị nào có nhu cầu sẽ thuê chỗ trong đường ngầm đó để đi dây. Tuy nhiên, hình thức này chắc chưa thể áp dụng được ở Việt Nam ngay”.
Ông Nguyễn Hoàng Giáp - Phó ban thanh tra GTCC Hà Nội: “Khi phát hiện dây chùng võng, rơi xuống đường gây cản trở và mất an toàn giao thông, lực lượng Thanh tra GTCC đều thông báo ngay cho đơn vị chủ quản, nhưng có đơn vị thì nhận và khắc phục, còn phần nhiều đơn vị lại chối bỏ trách nhiệm, đổ lỗi loanh quanh. Vả lại, trên thực tế thì có rất nhiều sợi dây vô chủ nên rất khó quy trách nhiệm. Cho đến thời điểm này, lực lượng thanh tra cũng mới chỉ thông báo việc để dây chùng võng hoặc đứt, chứ chưa hề xử lý bất cứ đơn vị nào”.
Theo Nhóm PV
Lao Động