1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những “ngọn cờ” bên dòng sông giới tuyến:

Thời hoa lửa của những nữ dân quân tuổi 18-20

(Dân trí) - Dưới mưa bom bão đạn, dù mới mười tám, đôi mươi nhưng các cô đã hăng hái tham gia lực lượng dân quân bảo vệ bến đò Tùng Luật, xã Vĩnh Giang - lúc ấy là điểm vượt tuyến quan trọng từ bờ Bắc sang bờ Nam sông Bến Hải và ra đảo Cồn Cỏ.

Lần theo những tư liệu lịch sử, chúng tôi tìm về thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị để tìm gặp những nữ dân quân tham gia bảo vệ bến đò B. Phần lớn họ đã hy sinh trong cuộc chiến hoặc đã mất. Số ít những cô gái dân quân tuổi mười tám, đôi mươi ngày ấy còn sống nay cũng xấp xỉ 70 tuổi.

 

Những “ngọn cờ” bên dòng sông giới tuyến - Bài 2: Tiểu đội nữ dân quân bảo vệ bến đò B
Những năm tháng chiến tranh, Bến đò B Tùng Luật là nơi xuất phát chi viện vũ khí, lương thực, điểm vượt tuyến quan trọng từ Bắc vào Nam

 

Sống lại một thời hoa lửa

Bồi hồi lật lại ký ức về một thời lửa đạn, bà Lê Thị Hồng (70 tuổi), chỉ huy khẩu đội pháo kể lại: Năm 1968, nhận được lệnh của Khu ủy Vĩnh Linh, Đảng bộ xã Vĩnh Giang đã quyết định thành lập Tiểu đội nữ dân quân. Nhiệm vụ của Tiểu đội là phối hợp với các lực lượng khác để bảo vệ một số căn cứ trọng yếu trên “tuyến lửa” Vĩnh Linh, đặc biệt là khu vực Bến đò Tùng Luật, điểm chi viện lương thực, vũ khí từ Bắc vào Nam, nằm ở phía hạ nguồn sông Bến Hải.

Bên cạnh việc tăng gia sản xuất để ổn định nguồn lương thực phục vụ chiến đấu, lực lượng nữ dân quân còn đảm trách nhiệm vụ trực chiến, làm giao liên, hướng dẫn và đưa bộ đội qua sông…

 

Bà Tình (người cầm súng) lúc đó mới 16 tuổi những đã là một xạ thủ rất tích cực
Bà Tình (người cầm súng) lúc đó mới 16 tuổi những đã là một xạ thủ rất tích cực

 

Bà Hồng cho biết: “Tiểu đội lúc đó có khoảng 18-20 người, một số được biên chế từ cuối năm 1967, có người vào lực lượng năm 1968. Thời điểm đó, tui được giao nhiệm vụ chỉ huy khẩu đội, dưới sự điều hành của Đại đội trưởng. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, Tiểu đội nữ dân quân được giao đảm trách 2 khẩu đại liên. Những năm đó, chiến tranh diễn ra vô cùng ác liệt, khu vực bến đò A, B, C Tùng Luật thường xuyên trở thành trọng điểm bắn phá của máy bay Mỹ”.

Được xem là người trẻ nhất tham gia lực lượng dân quân, bà Trần Thị Tình lúc đó mới 16 tuổi, nhưng được giao nhiệm vụ phụ trách khẩu pháo đại liên, và trở thành một xạ thủ tích cực của tiểu đội. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, ngày 21/3/67, bà nhận tin anh trai hy sinh. Đau đớn vô cùng nhưng bà vẫn tự động viên mình vững tin để tiếp tục sống và chiến đấu.

 

Bà Tình vẫn chưa quên giây phút đương đầu với sự oanh tạc của máy bay Mỹ
Bà Tình vẫn chưa quên giây phút đương đầu với sự oanh tạc của máy bay Mỹ

 

Bà Tình tâm sự: “Lúc bản thân đang rơi vào trạng thái đau đớn nhất khi mất đi người thân, tui luôn nhận được sự động viên, quan tâm của đồng đội. Những năm tháng ấy, chị em luôn sát cánh bên nhau, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”.

Dù được biên chế trong cùng một tiểu đội, nhưng mỗi người đảm trách một nhiệm vụ khác nhau. Chị nào làm nhiệm vụ trực chiến thì phụ trách luôn việc lau chùi súng ống. Còn các chị khác thì thay phiên nhau đi cáng thương, tải đạn, đưa bộ đội về tuyến sau điều trị hoặc hướng dẫn vượt sông vào Nam chiến đấu.

Bà Tình nhớ lại: “Có những lúc, nghe tiếng máy bay ném bom bên ngoài là chị em lại phập phồng, lo lắng không biết đồng đội mình có ai bị gì không? Đến khi ngớt tiếng bom, mọi người nhào ra ôm nhau mà khóc trong hạnh phúc vì thấy đồng đội vẫn còn sống. Thời điểm ấy, cái sống, cái chết luôn cận kề từng giây, từng phút. Đều là phụ nữ nên chị em trong Tiểu đội luôn đùm bọc, yêu thương nhau, tình cảm rất sâu nặng”.

 

Chị Mạo kể lại những năm tháng chiến tranh ác liệt, những tổn thất do chiến tranh
Bà Mạo kể lại những năm tháng chiến tranh ác liệt, những tổn thất do chiến tranh

 

Trong tâm tưởng của bà Trần Thị Mạo, ký ức về những ngày tháng sát cánh cùng đồng đội chiến đấu bên mâm pháo vẫn chưa thể nào quên. Năm 1968, bà Mạo tham gia lực lượng nữ dân quân và được phân công phụ trách khẩu đại liên. Bà Mạo là xạ thủ số 2. Đây cũng là thời điểm khu vực Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh hứng chịu một lượng rất lớn bom đạn từ mọi hướng. Phía Cồn Tiên - Dốc Miếu, địch bắn xối xả, rồi từ Hạm đội 7 bắn vào, trên trời dội xuống, kèm theo máy bay B52 đánh phá dữ dội.

“Ngày 31/8/1968, địch ném bom dữ dội ở khu vực bến đò B, pháo của địch đã làm sập căn hầm trú ẩn, bộ đội của ta đang đóng ở đó bị hy sinh mất  2 người; 3 nữ dân quân cũng bị pháo địch đốt cháy. Nhiều người được đưa về trạm điều dưỡng ở Vĩnh Thành để chăm sóc” – bà Mạo kể.

Năm 1969, bà Mạo vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng và được phân công làm Đại đội phó. Sau đó, bà chuyển sang phụ trách công tác hậu cần, làm công tác đoàn thể.

Bản lĩnh tuổi 20…

Những năm sau đó, ngoài nhiệm vụ sản xuất, các chị còn tham gia vận chuyển vũ khí từ căn cứ ra chiến trường. Mỗi lần đi như vậy luôn tiềm ẩn nhiều hiểm nguy, bởi trên bầu trời, máy bay địch quần thảo rất dữ dội, chỉ cần phát hiện ra mục tiêu là chúng liên tục nhả đạn. Bà Mạo nhớ lại, trong một lần đi tải đạn dọc tuyến biển, gặp lúc máy bay địch đang càn quét, bà và bà Hồng phải ngụy trang vũ khí rồi tìm chỗ ẩn nấp. Địch ném trúng quả bom vào gần khu vực đó, khói bay mù trời. Tưởng hai chị em không qua được, vậy mà khi máy bay địch rút đi, hai chị em quay lại nhìn nhau, ôm nhau khóc nức nở.

Không ít lần đối diện với cái chết, chị em trong Tiểu đội luôn nêu cao tinh thần quyết tâm, sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn, thử thách để bảo vệ quê hương trước sự tàn phá khốc liệt của bom đạn kẻ thù.

Nhờ sự góp mặt của các chị trong tiểu đội nữ dân quân, cùng với lực lượng du kích địa phương mà bến đò B, C luôn được bảo vệ an toàn. Trong những năm từ 1954 – 1973, lực lượng dân quân du kích địa phương đã đưa trên 10 vạn cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường miền Nam chiến đấu, cùng với đó là hàng trăm tấn vũ khí, lương thực, đạn dược và nhu yếu phẩm, cấp cứu và vận chuyển về tuyến sau hơn 8.000 thương binh, áp giải tù binh, hàng binh phục vụ các đơn vị bộ đội, công an làm nhiệm vụ trên địa bàn. Bên cạnh đó, lực lượng dân quân tại đây trở thành nòng cốt trong việc tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ, phục vụ tốt công tác chiến đấu.

 

Chị Mạo kể lại những năm tháng chiến tranh ác liệt, những tổn thất do chiến tranh
Vượt qua mọi đau thương, những nữ dân quân bảo vệ bến đò B năm xưa lại có dịp ngồi lại với nhau, hồi tưởng về quá khứ

 

Chiến tranh đã đi qua 40 năm, nhưng những nỗi đau về một thời lửa đạn vẫn còn in sâu trong tâm khảm của các chị. Khi đất nước đang ở vào thời điểm cuộc chiến tranh diễn ra ác liệt nhất, các chị đã dũng cảm, gan dạ đương đầu với mọi khó khăn, sóng gió. Chiến tranh kết thúc, các chị trở về sinh hoạt bên gia đình mang theo những thương tật do cuộc chiến gây ra. Hầu hết các chị trong đội nữ dân quân đều là thương binh.

“Được sống đến ngày hôm nay là hạnh phúc lắm rồi. Còn những anh, chị, em đồng đội, đồng chí, họ không được đoàn tụ với gia đình, không được hưởng niềm vui trọn vẹn của hòa bình. Chị em chúng tôi thường nhắc nhau như vậy để cố gắng hơn trong cuộc sống” – giọng bà Hồng trầm xuống.

 

Ông Lý luôn bị ám ảnh bởi những đồng đội cùng kề vai sát cánh chiến đấu đã hy sinh
Ông Lý luôn bị ám ảnh bởi những đồng đội cùng kề vai sát cánh chiến đấu đã hy sinh

 

Nhớ về những năm tháng chiến tranh ác liệt, ông Nguyễn Văn Lý, Đại đội trưởng dân quân, luôn mang nặng một nỗi niềm, bởi trong số những người ở lại bến đò B phục vụ chiến đấu thì phần lớn đã hy sinh.  Ông Lý tâm sự: “Những ngày đó đối với tôi như một cơn ác mộng, đến hôm nay cũng không dễ gì quên được. Những người nhận nhiệm vụ ở lại bám đất, bám làng để chiến đấu và phục vụ chiến đấu thời điểm ấy có gần 50 người. Tuy nhiên, khi kết thúc chiến tranh, số người sống sót chỉ 1/5, còn lại đã hy sinh. Mặc dù đã hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó, bảo vệ được tuyến đường chi viện huyết mạch cho chiến trường nhưng mất mát do chiến tranh thì quá lớn lao và không kể xiết!”.    

Đăng Đức