1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những "ngọn cờ" bên dòng sông giới tuyến:

Ký ức người anh hùng hoạt động trên “tọa độ lửa”

(Dân trí) - Trong chiến tranh, bao thế hệ đã dũng cảm xả thân vì nước, không ngại hy sinh để chiến đấu, mang lại thống nhất cho non sông. Hòa bình, lớp trẻ lại tiếp nối truyền thống bất khuất của cha ông, xắn tay áo làm giàu trên chính nơi từng được xem là “vùng đất chết”…

Dù chiến tranh đã đi qua nhiều năm, nhưng có dịp đi qua Vĩ tuyến 17 – cầu Hiền Lương Bến Hải, hẳn ai cũng mang tâm trạng bồi hồi. Một mảnh đất nhỏ hẹp nằm giữa dải đất hình chữ S, bước ra từ sự tàn khốc, đau thương của chiến tranh, là điểm chia cắt đất nước ròng rã suốt 21 năm, nay đã đổi thay từng ngày, khoác lên một diện mạo mới.

 

Những “ngọn cờ” bên dòng sông giới tuyến - Bài 1: Ký ức người anh hùng hoạt động trên “tọa độ lửa” (Bài chờ)
Khu Di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.

 

Thung lũng Cù Bai, xã Hướng Lập là địa bàn xa nhất thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ít ai biết rằng, trong chiến tranh nơi đây được ví là “tọa độ lửa”. Do nằm ở vị trí trọng yếu nên tuyến đường Hồ Chí Minh qua Hướng Lập - nơi giáp ranh giữa miền Bắc với miền Nam luôn hứng chịu những đợt oanh tạc, tập kích của kẻ thù. Sở dĩ, địch coi trọng căn cứ trên là vì nếu chiếm đóng được khu vực này sẽ kiểm soát được đường chi viện của quân giải phóng từ Bắc vào Nam. Và như thế, mọi chiến dịch của quân đội ta hướng tới giải phóng miền Nam sẽ gặp vô cùng khó khăn.

Trước tình hình đó, Thường vụ Khu ủy Vĩnh Linh đã nhiều lần họp bàn và xác định: “Muốn bảo vệ khu vực giới tuyến, phải chủ động tấn công địch từ xa, phải đánh mạnh kẻ địch từ bên ngoài để bảo vệ chặt bên trong”. Và, nhiệm vụ quan trọng nhất được đặt ra là phải thông tuyến Cù Bai để tạo tiền đề thuận lợi cho việc tiến quân vào chiến trường miền Nam.

 

Ông Đào Xuân Hướng và rất nhiều cá nhân được tuyên dương Anh hùng trong lần ra thăm Hà Nội
Ông Đào Xuân Hướng và rất nhiều cá nhân được tuyên dương Anh hùng trong lần ra thăm Hà Nội

 

Người được giao đảm nhận nhiệm vụ ấy là một chiến sĩ công an giới tuyến, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ông đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng. Ông là Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) Đào Xuân Hướng (Đào Xuân Phương), quê ở thôn Bắc Phú, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị.

“Muốn đánh thắng địch phải nắm được lòng dân”

Men theo con đường đất đỏ tìm về thôn Bắc Phú, chúng tôi may mắn được gặp và trò chuyện với vị anh hùng, người con của quê hương Vĩnh Linh. Nhắc lại quá khứ, ánh mắt ông Hướng sáng lên tràn đầy khí thế.

Lật từng trang ký ức, ông Hướng bắt đầu kể về quá trình hoạt động của mình. Dù chiến tranh đã đi qua 40 năm, nhưng trong tâm trí của ông Hướng, những kỷ niệm về một thời “nếm mật, nằm gai” như vừa mới xảy ra. Ngày 20/4/1961, đang là chiến sĩ công an giới tuyến, ông nhận được lệnh ra ngoài biên giới, qua bờ Nam sông Sê Băng Hiêng, phía Lào để làm công tác bí mật. Khi đó, ngụy quân Lào đang hoạt động ở đây. Nhiệm vụ của ông là bám sát dân, dựa vào dân để điều tra tình hình hoạt động của địch trên tuyến biên giới. Bằng bản lĩnh, sự khôn khéo, ông đã vận động được người dân các địa phương miền núi ra ngoài định canh, định cư, tin theo Đảng, tin vào đường lối kháng chiến.

 

Gặp mặt Cựu chiến binh tham gia bảo vệ giới tuyến tại Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh
Gặp mặt Cựu chiến binh tham gia bảo vệ giới tuyến tại Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh

 

Sau khi đã nắm bắt được tình hình, biết rõ về cơ sở, phương thức hoạt động của chúng, ông nhận lệnh kết hợp với lực lượng thuộc Trung đoàn 270 (Quảng Trị), cùng đơn vị F325 (Quảng Bình) để đánh thọc sâu vào căn cứ của địch từ Cù Bai đến sân bay Áp Nậm, huyện Sê Pôn về tới huyện Pha Lan, tỉnh Sa Va Na Khet – Lào. Trong trận đánh này, lực lượng của ta đã tiêu diệt được nhiều đồn bốt của địch án ngữ trên tuyến biên giới, dọc theo con đường số 9. Bị đánh bất ngờ, địch bỏ đồn bốt tháo chạy, nhóm tàn quân đã len lỏi vào dân để ẩn mình, thu giấu mọi vũ khí trong rừng.

 

Gặp mặt Cựu chiến binh tham gia bảo vệ giới tuyến tại Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh
Chiến tranh đã đi qua nhưng ký ức về những ngày tháng hoạt động trên "tọa độ lửa" vẫn khắc sâu trong lòng ông Hướng 

 

Ông Hướng nhớ lại: “Sau khi được giao nhiệm vụ, tôi xác định điều đầu tiên là phải xây dựng được cơ sở trong các nhóm biệt kích địch. Quá trình hoạt động sau đó, bản thân tôi cũng nhận ra rằng, muốn đánh thắng địch phải dựa vào dân, nắm được lòng dân, một khi họ đã tin theo thì ta mới dễ dàng đối phó với địch”. Đây cũng chính là kinh nghiệm máu xương được ông Hướng đúc rút sau bao nhiêu năm hoạt động bí mật giữa vòng vây của địch.

Khi đã tạm thời khai thông được tuyến đường Hồ Chí Minh qua Cù Bai, xã Hướng Lập, đáp ứng được nhu cầu chi viện lương thực, vũ khí và con đường hành quân vào chiến trường miền Nam, ông Hướng lại tiếp tục nhiệm vụ giúp dân phát triển sản xuất, tự túc nguồn lương thực, ổn định đời sống. Để làm được điều này, ông cùng đồng đội tích cực trồng lúa và hoa màu rồi vận động người dân làm theo. Chỉ sau một thời gian, người dân đã tự túc được nguồn lương thực để ổn định cuộc sống. Đối với người dân lúc ấy, ông được xem là “cha đẻ” của cây lúa nước, người đã nhân rộng việc trồng lúa cho bà con vùng biên giới.

Ông Hướng kể: “Khi địch phát hiện được con đường chi viện, hành quân của ta, chúng đã ra sức ném bom bắn phá suốt đêm ngày. Thời điểm này, thung lũng Cù Bai được xem là “cửa tử”, hứng chịu nhiều đợt tập kích của bom đạn kẻ thù. Trước tình hình đó, tôi cùng đồng đội vận động người dân quay vào khu vực núi đá để ẩn nấp và tránh bom đạn. Ban ngày quay trở lại bên ngoài đào giao thông hào, phát lau sậy để tiếp tục trồng trọt. Để duy trì con đường chi viện vào chiến trường miền Nam, ta đã mở thêm nhiều tuyến đường như 16A, 16B, 16C, 16E, …để khi địch ném bom bắn phá, ta vẫn có thể tránh được”.

 

Ông Hư
Ông Hướng (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh lưu niệm với nguyên Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh

 

Song song với hoạt động ném bom bắn phá, Mỹ - Ngụy đã tung gián điệp, biệt kích trà trộn vào dân. Qua nắm bắt, ông đã biết được đối tượng cầm đầu là Pà Lờn. Tên này là người Lào nhưng do bị địch mua chuộc, dụ dỗ đi theo và được chúng huấn luyện trinh sát, chiến đấu. Sau khi được ông thuyết phục, Pà Lờn đã tin theo và sau đó trở thành cơ sở của ta.

Tiếp cận được với Pà Lờn, điều khó khăn hơn nữa là phải làm thế nào để chỉ huy của tin tưởng vào anh ta. Ông trực tiếp báo cáo tình hình với cấp trên, sau đó được cấp trên cho phép. Nhiều kế hoạch cũng được vạch ra để tạo niềm tin cho địch về cơ sở do chúng cài cắm. Tuy nhiên, chúng ta khôn khéo đánh lạc hướng mà chúng không hề hay biết. Thời gian sau đó, thông qua Pà Lờn, ông cũng nắm bắt được một số thông tin quan trọng giúp cho hoạt động của ta dễ dàng hơn.

Năm 1963, ông Hướng chuyển sang hoạt động ở vùng đường 9 Khe Sanh, lúc nhân dân ta đang bị địch tập trung vào các ấp chiến lược. Trong quá trình hoạt động tại đây, với trọng điểm là khu vực Tân Lâm (Cam Lộ), ông đã khắc phục mọi khó khăn, kiên trì bám dân để tuyên truyền, vận động, xây dựng cơ sở cách mạng và điều tra tình hình của địch. Ông cùng đơn vị đã tiêu diệt được nhiều tên ác ôn, hướng dẫn người dân phá ấp chiến lược, góp phần làm tan rã hệ thống ngụy quân, ngụy quyền dọc tuyến đường 9.

Những năm tháng không thể nào quên

Trong thời gian từ 1962 – 1966, với lòng gan dạ, ý chí sắt đá cùng với sự khôn khéo, ông đã phá được mọi âm mưu của kẻ thù. Tuyến đường Hồ Chí Minh qua khu vực này được thông tuyến và trở nên vững mạnh, phục vụ tốt công tác chi viện cho miền Nam, trực tiếp là chiến trường đường 9 Nam Lào.

Với những thành tích đặc biệt trong quá trình hoạt động, góp phần đem lại sự thắng lợi của cuộc chiến, ngày 3/9/1973, ông Hướng được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Cùng với đó, ông cũng được tặng nhiều Huân, Huy chương, 3 lần được tặng danh hiệu chiến sĩ quyết thắng.

Được lành lặn trở về sau cuộc chiến, đó là một sự may mắn nhưng ông Hướng vẫn luôn mang tâm trạng day dứt. Trong những năm tháng đó, niềm tin và tình cảm quân, dân đã được đánh đổi bằng ý chí sắt đá và cả bằng máu của người chiến sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất heo hút này. Họ đã anh dũng hy sinh để đem lại sự bình yên cho cuộc sống hôm nay.

 

Những đóng góp của ông trong cuộc kháng chiến được Đảng và Nhà nước ghi nhận
Những đóng góp của ông trong cuộc kháng chiến được Đảng và Nhà nước ghi nhận

 

Mỗi khi có dịp trở lại Cù Bai, đến với dãy Trường Sơn nơi ông đã có thời gian 20 năm gắn bó, ông vẫn mang tâm trạng bồi hồi. Đối với cá nhân ông Hướng, những ngày tháng nhận nhiệm vụ hoạt động vùng ngoại biên luôn để lại những kỷ niệm khó quên. Ở nơi ấy, tuy cuộc sống của bà con Vân Kiều vẫn còn rất nhiều khó khăn, song ông luôn nhận được sự thương yêu, đùm bọc, che chở của bà con dân bản. Nhờ “tấm lá chắn” vững chắc đó mà ông có cơ hội “thọc sâu” vào hàng ngũ của địch. Đến bây giờ ông Hướng vẫn xem đó là “món nợ” chưa thể trả hết.

Đến nay, dù đã bước sang tuổi 83 nhưng ông vẫn còn khá minh mẫn. Trò chuyện với chúng tôi, ông luôn khiêm tốn rằng, những chiến công của ông và lực lượng Đồn công an vũ trang Cù Bai là nhờ vào dân, nhờ vào sự đùm bọc, che chở của nhân dân.

Đăng Đức