1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển:

Thôi chức bộ trưởng, tôi muốn ứng cử vào Quốc hội

“Mong muốn ứng cử đại biểu Quốc hội không phải do tham quyền cố vị mà tôi vẫn muốn được đóng góp nhiều vào việc làm luật của QH”, bộ trưởng Trương Đình Tuyển, người vốn “nổi tiếng” bởi sự thẳng thắn tâm sự. Ông đã bày tỏ quan điểm của mình về hoạt động trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Thưa bộ trưởng, có những bộ trưởng dường như chỉ mong chóng kết thúc thời gian trả lời chất vấn trực tiếp trên nghị trường. Vậy vì sao ông lại muốn “có thêm thời gian”?

 

Tôi nghĩ rằng hoạt động chất vấn nếu được tổ chức tốt với tinh thần trách nhiệm cao thì sẽ rất hiệu quả.

 

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chất vấn nhiều chính là yêu cầu các bộ trưởng phải trả lời rõ ràng hơn. Nếu cứ khống chế một khoảng thời gian nhất định để bộ trưởng trả lời thì không thể truyền tải hết những điều mà ĐBQH đại diện cho cử tri quan tâm. Cá nhân tôi mỗi lần được chất vấn thì không chỉ muốn trả lời mà còn mong làm rõ hơn quan điểm của thành viên Chính phủ về những vấn đề mà các ĐBQH đặt ra.

 

Tự tin như vậy nhưng có câu hỏi chất vấn nào làm ông cảm thấy khó khăn khi trả lời không?

 

Tôi đã 3 lần trả lời chất vấn trước QH nhưng tôi chưa cảm thấy có câu hỏi nào khó khăn. Tuy nhiên, lần mà tôi thấy gay cấn nhất là lần trả lời về vấn đề quota dệt may (sau khi Thứ trưởng Bộ Thương mại Mai Văn Dâu bị bắt vì có hành vi tiêu cực trong vấn đề quota-PV). Về vấn đề này, khi trả lời, tôi luôn xác định mình phải thật thẳng thắn và sòng phẳng, những gì thuộc trách nhiệm của cá nhân thì phải nhận.

 

Có lần nào vì khó khăn mà bộ trưởng phải “chiều” theo ý của ĐBQH và dư luận xã hội để trả lời hay không?

 

Tôi luôn muốn thể hiện đúng bản tính của mình và trả lời đúng vào bản chất vấn đề chứ không trả lời theo dư luận. Có lần ĐBQH chất vấn việc tại sao để cho hoa quả ngoại tràn vào VN mà không cấm? Trả lời câu hỏi này không dễ bởi người dân đang rất bức xúc trước cảnh hoa quả ngoại ào ạt đổ bộ vào gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất trong nước nên tâm lý chung là muốn cấm. Thế nhưng, tôi vẫn trả lời thẳng rằng tại sao chúng ta chỉ lo chống hàng của nước khác tràn vào mà không nghĩ rằng các nước khác cũng có thể có biện pháp đối với hàng xuất khẩu của VN.

 

Trong phiên trả lời chất vấn vừa qua, bộ trưởng đã bày tỏ quan điểm cá nhân khác với quan điểm chung khi cho rằng nên bãi bỏ bảo hộ đối với ô tô. Bộ trưởng có cảm thấy trở ngại gì trong việc bày tỏ quan điểm cá nhân của mình như vậy?

 

Bộ trưởng là thành viên của Chính phủ nên trả lời theo quan điểm của Chính phủ là tư duy hết sức bình thường. Về cơ bản thì tôi phát biểu theo quan điểm của Chính phủ nhưng trong một số trường hợp tôi nói theo quan điểm của mình để làm rõ thêm vấn đề.

 

Chúng ta bảo hộ để cho các nhà đầu tư tăng tỉ lệ nội địa hóa, tăng sản xuất để chúng ta có một nền công nghệ sản xuất ô tô. Mong muốn này là chính đáng nhưng con đường thực hiện mong muốn này đã không thành công. Nâng thuế để các nhà đầu tư vào sản xuất ô tô là con đường không hiệu quả. Vì trong thời đại này, người ta đến đầu tư vào ô tô không phải vì có thuế bảo hộ cao mà vì đấy là nơi có chi phí sản xuất thấp. Không chỉ bày tỏ quan điểm cá nhân như đã phát biểu trước QH mà tôi đã nhiều lần phát biểu trước Chính phủ quan điểm phải xem lại chính sách này.

 

Bộ trưởng có ngại không nếu quan điểm cá nhân thẳng thắn của mình không trùng với quan điểm của Chính phủ, thậm chí “lấn sân” sang lĩnh vực của các bộ, ngành khác?

 

Thực ra thì không có nhiều trường hợp quan điểm của tôi đưa ra mâu thuẫn với các bộ, ngành và Chính phủ. Tuy nhiên, nếu cần thiết, tôi vẫn nêu quan điểm của mình để Chính phủ xem xét. Ngay trong Chính phủ, tôi vẫn thường xuyên phát biểu ý kiến cá nhân và có nhiều lúc khác với các thành viên khác. Nhưng tôi thấy rằng các thành viên của Chính phủ cũng là những người thực sự cầu thị nên nếu tôi phát biểu đúng thì vẫn được chấp nhận.

 

Bộ trưởng mong muốn thông qua các kỳ chất vấn để làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý. Hoạt động chất vấn vừa qua tại QH có đạt được điều đó không?

 

Tôi cho rằng chất vấn như hiện nay hiệu quả không cao và dễ đi đến hình thức. Theo tôi, để hoạt động chất vấn của QH đối với thành viên Chính phủ hiệu quả hơn, cần phải thực hiện trên cả 2 kênh. Một là, tổ chức các hoạt động chất vấn thường xuyên hơn, các ĐBQH thấy có vấn đề nóng là gửi thư yêu cầu bộ trưởng trả lời ngay chứ không cần đợi đến kỳ QH họp mới đem ra. Hai là, trong các kỳ họp của Ủy ban Thường vụ QH nên tập hợp ý kiến của các ĐBQH rồi mời các bộ trưởng lên trình bày. Sau đó thông báo lại trong kỳ họp Ủy ban Thường vụ QH. Ngoài ra các buổi chất vấn nên tập trung vào vấn đề lớn, những chính sách liên quan đến cuộc sống của dân... hơn là những vấn đề cụ thể của từng địa phương.

 

Tôi cho rằng hoạt động chất vấn như vậy sẽ hiệu quả hơn, giúp làm rõ vấn đề tới cùng. Tôi có mong muốn là khi thôi chức bộ trưởng sẽ được xin tự ứng cử làm ĐBQH. Mong muốn vậy không phải do tham quyền cố vị mà tôi vẫn muốn được đóng góp nhiều vấn đề vào việc làm luật của QH.

 

Theo Gia Linh - Phạm Dương
Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm