Thờ cư sĩ Diệu Liên ở chùa Tam Chúc: “Chuyện hết sức bình thường”
(Dân trí) - Theo Thượng tọa Thích Minh Quang, việc thờ cư sĩ Diệu Liên trong nhà thờ Tứ Ân là chuyện bình thường. Cư sĩ là người góp công lớn xây chùa Tam Chúc thì nhà chùa đúc tượng thờ để tưởng nhớ tri ân.
Nhiều du khách đến tham quan, lễ phật chùa Tam Chúc, ở thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam rất tò mò về nhà thờ Tứ Ân, nơi thờ “cư sĩ phật tử Diệu Liên”. Ít ai biết rằng, đó chính là bà Phạm Thị Lan, người được xem là góp công lớn kiến tạo và xây dựng chùa Tam Chúc - ngôi chùa được cho là lớn nhất thế giới hiện nay.
Tại chùa Tam Chúc, hai bên khu vực điện Tam Thế (bên trên xuống) bên trái là nhà thờ tổ, bên phải là nhà thờ Tứ Ân. Tại nhà thờ tổ, nơi đây đang thờ tự những người có công trong sự phát triển Phật giáo nói chung và quá trình xây dựng chùa Tam Chúc cổ nói riêng.
Theo đó, tại nhà thờ tổ hiện đang thờ các vị tổ sư như: Đỗ Thuận Pháp sư, Khuông Việt Thiền sư, Vạn Hạnh Thiền sư, Thiền sư Nguyễn Minh Không, Phật hoàng Trần Nhân Tông và Hòa Thượng Thích Thanh Tứ. Việc thờ tự, ca ngợi và tôn kính những vị tổ sư có từ hàng nghìn đời nay ở các ngôi chùa ở Việt Nam.
Tại nhà thờ Tứ Ân chùa Tam Chúc, hiện đang thờ “cư sĩ phật tử Diệu Liên”. Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó Trụ trì chùa Tam Chúc cho hay, đây là chuyện hết sức bình thường và nên làm, nhưng nhiều người không biết lại có ý chỉ trích.
Thượng tọa Thích Minh Quang, cho biết: “Chúng ta phải xác định truyền thống thờ hậu, tức là thờ những người có công kiến tạo, xây dựng các ngôi chùa đã có truyền thống từ lâu. Từ năm 1999, cư sĩ phật tử Diệu Liên đã có công tôn tạo, trồng hàng vạn cây xanh, kêu gọi nhiều nhà hảo tâm cùng chung phục dựng chùa Tam Chúc có được như ngày hôm nay.
Vì vậy việc thờ cư sĩ phật tử Diệu Liên trong nhà thờ Tứ Ân là chuyện hết sức bình thường. Không chỉ riêng chùa Tam Chúc mà rất nhiều chùa có truyền thống thờ hậu, tức là thờ người có công kiến tạo, xây dựng ngôi chùa đó. Và việc quyết định thờ cư sĩ phật tử Diệu Liên vào nhà Tứ Ân là do các thầy trong chùa quyết định”.
Thượng tọa Thích Minh Quang viện dẫn, tại chùa Hưng Long (Ninh Bình), nơi Thượng tọa đang làm trụ trì, cách đây hơn 400 năm có một bà cụ đã hiến 2 mẫu ruộng đất để xây dựng chùa. Mộ cụ bà hiện vẫn đang còn trong chùa và cụ được tạc tượng thờ trong chùa.
Thượng Tọa Thích Minh Quang cũng cho biết thêm, thực chất không phải là đền Tứ Ân, mà là nhà thờ Tứ Ân. Cái này do sai sót của đội thi công, hiện nay đã được sửa lại thành nhà Tứ Ân. Nhà Tứ Ân cũng không phải chỉ thờ riêng cư sĩ phật tử Diệu Liên mà sau này sẽ thờ tự những người đã có công lớn trong việc xây dựng, tôn tạo ngôi chùa.
Theo Tiến sĩ Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ, chùa Tam Chúc có nhà thờ Tứ Ân, một nơi thờ riêng không nằm trong nơi thờ Phật. Quan niệm của Phật giáo Việt Nam, trong khuôn viên đất chùa vẫn có thể xây đền hay điện để thờ, ngoài tam bảo là nơi thờ Phật.
“Nhà thờ Tứ Ân là nơi thờ người có công với chùa. Người có công đức xây dựng chùa, khi mất đưa vào chùa thờ đây là việc làm theo truyền thống từ xa xưa, đâu có trái. Nếu chưa ai “bầu hậu” thì công đức xây chùa không thể được “ký hậu” hay sao. Trong xã hội từ xưa tới nay có chùa nào cấm người “ký hậu”, có chăng là không đủ điều kiện để xây riêng”, Tiến sĩ Dược nói.
Được biết, “cư sĩ phật tử Diệu Liên”, tức là bà Phạm Thị Lan (1961 – 2018), quê xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Bà là người có công lớn trong việc tôn tạo, xây dựng và quản lý Quần thể danh thắng Tràng An - Bái Đính (Ninh Bình), để nơi đây được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới vào năm 2014. Đây là di sản hỗn hợp đầu tiên ở Đông Nam Á.
Ngoài chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc, bà Phạm Thị Lan còn là người góp công xây dựng những ngôi chùa như: chùa Vàng, chùa Bạc, chùa Báo Hiếu, chùa Thiên Phúc (tỉnh Ninh Bình). Đặc biệt là các ngôi chùa: Song Tử Tây, Đảo Đá Tây A, Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh... trên quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) góp phần bảo vệ biên cương của Tổ quốc và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Khu du lịch quốc gia chùa Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, được cho là ngôi chùa lớn nhất thế giới có diện tích gần 5.100 ha, với gần 1.000 ha hồ nước, 3.000 ha núi đá, rừng tự nhiên…, cùng nhiều thung lũng, 3 mặt bao bọc bởi dãy núi Thất Tinh hình tay ngai, trước là hồ Tam Chúc với 6 quả núi. Mặt bằng chùa Tam Chúc rộng tới 144 ha với nhiều công trình như chùa Ngọc, điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan âm, cổng Tam Quan, Trung tâm Hội nghị quốc tế…
Đức Văn – Thái Bá