Thiếu hệ thống cảnh báo sớm, Yên Bái vẫn đối mặt với lũ quét

(Dân trí) - Ông Đỗ Đức Duy – Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh này còn nhiều hạn chế, chưa có hệ thống cảnh báo sớm cho lũ ống, lũ quét và sạt lở đất nên địa phương này vẫn có nguy cơ phải đối mặt với loại hình thiên tai này trong thời gian tới.

Sáng nay (29/3), tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai (PCTT). Hội nghị do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Ông Đỗ Đức Duy phát biểu tại Hội nghị.
Ông Đỗ Đức Duy phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, ông Đỗ Đức Duy – Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã xảy ra 21 đợt thiên tai, đặc biệt là 2 đợt lũ quét lịch sử xảy ra trong tháng 8 tại huyện Mù Cang Chải và tháng 10 tại các huyện Trạm Tấu, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ. Thiên tai trong năm 2017 tại Yên Bái đã làm 53 người chết và mất tích, 33 người bị thương; hư hỏng 3.649 căn nhà; thiệt hại 5.547 ha sản xuất nông nghiệp, 23.100 con gia súc, gia cầm bị chết; phá hủy trên 500 công trình hạ tầng kỹ thuật,…Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 1.855 tỷ đồng.

Ông Duy cho biết thêm, tỉnh Yên Bái cũng như nhiều tỉnh ở miền núi phía Bắc có địa hình, địa chất phức tạp, nhiều khu vực có núi cao, chia cắt; hệ thống sông suối có độ dốc lớn, vật cản đa dạng, khi xảy ra mưa lớn thì tạo dòng chảy xiết, đột ngột; trong khi diễn biến thời tiết, mưa lũ ngày càng cực đoan, phức tạp. Điều đó dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ cao lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và khi xảy ra thì rất khó khăn cho việc cơ động lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả.

Ngoài ra, tại Yên Bái còn thiếu thông tin quan trắc, dự báo, cảnh báo sớm, đặc biệt là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất làm cơ sở để xây dựng phương án ứng phó phù hợp, nhất là việc di dân khỏi những nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét và sạt lở đất.

“Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong PCTT, đặc biệt ứng phó với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Yên Bái nói riêng và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung còn rất hạn chế. Hiện tỉnh mới có một số trạm đo mưa tự động mà chưa có hệ thống cảnh báo sớm cho lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Ngoài ra, bản đồ nguy cơ sạt lở đất, lũ quét do Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, bàn giao cho tỉnh có tỷ lệ rất lớn (1/100.000 và 1/50.000) nên chưa xác định được chính xác các khu vực, vị trí có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để cảnh báo và xây dựng phương án ứng phó phù hợp” – ông Duy phát biểu.

Một khó khăn nữa cũng được ông Duy nêu trong hội nghị đó là, tỉnh Yên Bái còn thiếu các phương tiện chuyên dùng phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai; Thiếu quỹ đất ở an toàn gắn với quỹ đất sản xuất và thiếu nguồn lực để tổ chức di dân ở vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, nhất là tại các địa bàn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thiếu nguồn lực đầu tư khắc phục, sửa chữa các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội bị hư hỏng do thiên tai.

Trước những khó khăn thách thức nói trên, ông Duy đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ Nguyên Xuân Phúc, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và các Bộ, ngành Trung ương 9 đề nghị, trong đó có nội dung như cần đầu tư trang thiết bị quan trắc, dự báo, cảnh báo sớm thiên tai; Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo việc nâng cao độ chính xác bản đồ sạt trượt đất đá để phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành PCTT,…

Nguyễn Dương