Thiết lập hệ thống hiện đại để dự báo lũ và hạn hán trên sông Mekong
(Dân trí) - Thủ tướng các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mekong ghi nhận việc thiết lập hệ thống dự báo lũ lụt và hạn hán chính xác hơn với các công cụ hiện đại nhằm giảm thiểu tác động của thiên tai.
Nội dung này có trong Tuyên bố chung Vientiane - bản tuyên bố được Thủ tướng của các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mekong thông qua sau Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4, ngày 5/4. 4 nước thành viên Ủy hội gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.
Các quốc gia nhận thức được tính cấp bách ngày một lớn từ những thách thức, rủi ro mà khu vực hạ lưu sông Mekong phải đối mặt, do tác động của các hoạt động phát triển cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Chủ động ứng phó thách thức
"Việc quản lý tài nguyên nước tối ưu nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cho lưu vực sông Mekong là vô cùng quan trọng để đạt được sự ổn định về môi trường và kinh tế xã hội cho các cộng đồng sống trong lưu vực", theo Tuyên bố chung.
Trong Tuyên bố chung, người đứng đầu Chính phủ các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mekong ghi nhận nhiều thành tựu, trong đó có hướng dẫn của vùng đối với quy hoạch quốc gia để phát triển lưu vực, quản lý tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan một cách bền vững hơn.
Bên cạnh đó, các bên đã hoàn thiện và triển khai bước đầu chiến lược ngành về thủy điện bền vững, quản lý môi trường và quản lý hạn hán, hướng dẫn cập nhật về thiết kế đập dòng chính, và hướng dẫn đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới.
Các quốc gia trong lưu vực ghi nhận việc chuyển hướng sang chủ động ứng phó thách thức và xác định giải pháp đầu tư trong lưu vực, bao gồm việc phát triển thủy điện, thủy lợi, giao thông thủy và các hoạt động phát triển tài nguyên nước bền vững khác.
Lãnh đạo Chính phủ các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mekong cũng ghi nhận kết quả về hỗ trợ giảm tác động bất lợi đối với các cộng đồng dễ bị tổn thương do lũ lụt và hạn hán thông qua thiết lập hệ thống dự báo lũ lụt và hạn hán chính xác hơn với các công cụ hiện đại.
Song song với đó, các bên cùng hợp tác trong cảnh báo sớm và chuẩn bị sẵn sàng cho ứng phó với thảm họa thông qua quản lý tổng hợp về lũ lụt và hạn hán.
"Dù việc phát triển và sử dụng nguồn nước của sông Mekong đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng có thể gây ra những tác động bất lợi đến môi trường lưu vực và các cộng đồng dễ bị tổn thương", theo nhận định của các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mekong.
Các quốc gia khẳng định để giải quyết các thách thức của lưu vực vốn ngày càng trở nên phức tạp, cần cả giải pháp về quản lý lẫn phát triển, để đảm bảo tính bền vững về tài nguyên môi trường.
7 lĩnh vực hành động ưu tiên
Tuyên bố chung Vientiane đưa ra 7 lĩnh vực hành động ưu tiên.
Thứ nhất là dựa trên một quy hoạch phát triển lưu vực chủ động và thích ứng, xác định các dự án đầu tư chung và dự án quốc gia có ý nghĩa cho toàn lưu vực.
Các hoạt động hỗ trợ có liên quan nhằm tăng cường tương trợ và giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của cộng đồng ở cấp lưu vực và quốc gia cùng giải pháp ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu cũng là nội dung được các quốc gia trong lưu vực ưu tiên.
Thứ hai là hỗ trợ các quốc gia trong trợ giúp cộng đồng thích ứng với biến động của dòng sông thông qua việc đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc thông suốt.
Theo các quốc gia trong lưu vực, việc này nhằm thông báo kịp thời và hiệu quả các biến động bất thường, các vấn đề về chất lượng nước, lũ lụt và hạn hán và các trường hợp khẩn cấp khác liên quan tới nước.
Thứ ba là hỗ trợ việc ra quyết định về phát triển và vận hành thông qua tăng cường sử dụng công nghệ. Việc này cần được áp dụng trong thực hiện tất cả chức năng quản lý lưu vực sông, từ công tác theo dõi, giám sát và quản lý vận hành công trình tới công tác đánh giá, lập kế hoạch, chiến lược dài hạn.
Thứ tư là đảm bảo hoạt động tham vấn được thực hiện hiệu quả hơn thông qua diễn đàn của các bên liên quan toàn lưu vực do Ủy hội và các đối tác đối thoại phối hợp tổ chức.
Thứ năm là tăng cường quản lý toàn lưu vực trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Ủy hội thông qua đổi mới về chính sách, công nghệ và cơ chế hợp tác, đối tác với các khung hợp tác vùng khác có liên quan.
Thứ sáu là duy trì và tìm kiếm nguồn tài chính mới để hỗ trợ các nỗ lực nêu trên, bao gồm nguồn từ Nhà nước và tư nhân, cơ chế hỗ trợ tài chính toàn cầu.
Thứ bảy là đảm bảo Ủy hội đang trong quá trình chuyển đổi bền vững để tự chủ vào năm 2030, thông qua việc không ngừng phát triển tổ chức nhằm tăng cường năng lực của Ủy hội và các cơ quan, bộ, ngành có liên quan của quốc gia, để triển khai thực hiện chức năng chủ chốt về quản lý lưu vực sông.
Các quốc gia trong lưu vực cho biết việc này bao gồm thu thập và quan trắc số liệu liên quan về nước do các nhóm chuyên gia chung của lưu vực thực hiện, xây dựng một mạng lưới giám sát sông Mekong hiệu quả về mặt tài chính.
Lãnh đạo Chính phủ các nước thành viên Ủy hội sông Mekong khẳng định lại cam kết cùng nỗ lực, tăng cường hơn nữa vai trò của Ủy hội nhằm đảm bảo an ninh nước, lương thực, năng lượng và sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, môi trường của lưu vực sông Mekong.
Hoài Thu (Từ Vientiane, CHDCND Lào)