1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thiết lập đường bay mới trên trục Hà Nội - TPHCM

(Dân trí) - Cục Hàng không Việt Nam cho biết sẽ thiết lập thêm 1 đường bay trục Hà Nội - TPHCM, song song với đường bay hiện tại, nhằm giải quyết sự quá tải. Bộ Quốc phòng đã đồng ý về mặt nguyên tắc với phương án này và đang tính toán để tổ chức vùng trời.

Đây được xem là diễn biến mới nhất trong kế hoạch “nắn” đường bay nhằm rút ngắn thời gian bay, tiết kiệm nhiên liệu cho hãng hàng không, tạo thuận lợi cho hành khách và nâng cao hiệu quả kinh tế trong khai thác hàng không.

Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) - cho biết, mục đích thiết lập đường bay mới song song nhằm giảm tắc nghẽn trên đường hãng không và hiệu quả kinh tế từ đó sẽ tăng lên.

“Đường bay mới được thiết lập trên trục sẽ song song với đường bay hiện tại. Khi hoàn thành sẽ có 2 đường bay trục có độ dài bằng nhau, trong đó một đường bay khai thác từ Bắc vào Nam và một bay từ Nam ra Bắc” - ông Lại Xuân Thanh thông tin.

Cũng theo Cục trưởng Lại Xuân Thanh, Bộ Quốc phòng đã đồng ý về mặt nguyên tắc với phương án này. Hiện 2 bên vẫn đang làm việc thêm để tính toán các phương thức bay và tổ chức vùng trời. Dự kiến, đường bay mới sẽ được triển khai trong năm 2014 - 2015.

Đường bay mới được thiết lập (màu tím) song song với đường bay trục hiện tại (màu xanh) 

Đường bay mới được thiết lập (màu tím) song song với đường bay trục hiện tại (màu xanh) 

Hiện nay, hệ thống đường bay hiện hành của Việt Nam hiện chỉ có 1 đường bay trục được khai thác cho cả 2 chiều đi và về, vậy nên các máy bay được phân luồng lệch độ cao để tránh nhau. Nhược điểm của đường bay 2 chiều là khi hoạt động bay tăng cao, các mùa cao điểm, trên trục Hà Nội - TPHCM các máy bay bị dồn lại khi về đến Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Đó là lí do vì sao các chuyến bay phải “xếp hàng” chờ ở trên trời từ khoảng cách vài trăm dặm trước khi hạ cánh xuống sân bay. Khi đó, điều hành không lưu phải làm việc với tần suất cao để đảm bảo giữ khoảng cách an toàn cho các máy bay.

Việc thiết lập cặp đường bay song song để máy bay có thể bay một chiều hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ dẫn đường. Việc này cũng sẽ giúp máy bay có thể hoạt động ở mực bay tối ưu, rút ngắn được thời gian bay để tiết kiệm nhiên liệu. Theo tính toán của các hãng hàng không, ở các tuyến bay đường dài, nếu bay ở mực bay tối ưu sẽ giúp máy bay tiết kiệm được 5-6% nhiên liệu.

Theo giới chuyên môn, thiết lập thêm đường bay mới 1 chiều được giới chuyên môn nhìn nhận là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh hoạt động hàng không ngày càng sôi động, khi Việt Nam mở cửa bầu trời vào năm 2015.

5 năm rút ngắn được 7 phút bay Hà Nội - TPHCM

Theo Cục HKVN, việc “nắn” đường bay trục để rút ngắn thời gian bay đã được bàn bạc từ năm 1980 và trước năm 2008, Cục này cũng có ý tưởng về “đường bay vàng” xuất phát từ yêu cầu tiết kiệm chi phí nhiên liệu của các hãng hàng không. Đến năm 2008, “đường bay vàng” chính thức được phi công Mai Trọng Tuấn đề xuất. Lúc này Cục HKVN đã thành lập Tổ công tác liên ngành về đường hàng không với nhiệm vụ tiếp nhận các đề xuất của doanh nghiệp, tổ chức để sử dụng công cụ phần mềm chuyên dụng để đánh giá, lựa chọn phương án hợp lý nhất với điều kiện thực tiễn.

Tuy nhiên, với quan điểm “đường ngắn nhất là đường tốt nhất nhưng chưa chắc là đường tối ưu”, Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho rằng khi “nắn” đường bay phải có sự nghiên cứu rất kỹ lưỡng về mạng bay, phương thức bay, thời gian bay và những tính toán về sự ảnh hưởng trên vùng bay quân sự với dân dụng.

Đường bay mới được thiết lập (màu tím) song song với đường bay trục hiện tại (màu xanh) 

Việc "nắn" đường bay đã rút ngắn được đáng kể thời gian bay và mang lại những hiệu quả kinh tế nhất định

Trong 5 năm (2008 - 2012), Tổ công tác liên ngành đã thiết lập mới 17 đường bay quốc tế, 12 đường bay nội địa, “nắn” và điều chỉnh chế độ hoạt động của 39 đường bay. Trong đó, rút ngắn được nhiều thời gian nhất là đường bay Hà Nội - Côn Minh, rút ngắn được 20 phút nhờ “nắn” thẳng đoạn đường hàng không B329 Nam Hà - Pakse (Lào). Đường trục Hà Nội - TPHCM đã tiết kiệm được 7 phút bay. Trong giai đoạn này cũng có 100 phương thức bay được điều chỉnh, cho phép máy bay được cất/hạ cánh trong nhiều điều kiện thời tiết.

Kết quả “nắn” đường hàng không và điều chỉnh phương thức bay cũng được thể hiện bằng những con số kinh doanh khi Vietnam Airlines cho biết đã tiết kiệm được khoảng 3.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2008 - 2012.

Châu Như Quỳnh