Thiệt hại nặng vì hoàn lưu bão, tiếp diễn nguy cơ lũ quét và sạt lở đất
(Dân trí) - Bão số 3 gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại các địa phương vùng ven biển và vùng núi phía Bắc. Tình trạng lũ quét và sạt lở đất còn diễn biến phức tạp tại nhiều nơi.<br><a href='http://dantri.com.vn/xa-hoi/it-nhat-17-nguoi-thuong-vong-sau-bao-so-3-944636.htm'><b> >> Ít nhất 17 người thương vong sau bão số 3</b></a>
Theo thông báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn TƯ, trong những ngày tới tình trạng lũ quét và sạt lở đất còn diễn biến phức tạp tại các địa phương vùng núi phía Bắc. Ở các địa phương vùng Đồng bằng Bắc bộ trong đó có Hà Nội ngày và đêm còn diễn ra mưa, giông.
Bão số 3 đi qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở các địa phương ven biển, đặc biệt các địa phương ở khu vực phía đông Bắc bộ, trong đó có các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang.
Cụ thể, tính đến trưa ngày 17/9 toàn tỉnh Lạng Sơn đã có 13 người bị thương vong do nước cuốn và sạt lở đất, trong đó có 8 người chết, 5 người bị thương.
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong số này có 6 người là công nhân bốc vác thuộc Công ty TNHH Xuân Cương thiệt mạng do sạt lở đất tại khu Kéo Kham, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc; 1 cháu bé 5 tuổi chết do sập nhà tại xã Phú Xá, huyện Cao Lộc; 1 học sinh lớp 3 chết do nước cuốn tại huyện Bình Gia.
Một hộ gia đình tại thôn Há Súng, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, Hà Giang bị đổ sập. (Ảnh: Kim Tiến).
Tại Hà Giang, theo báo cáo nhanh, của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCLB&TKCN), đến hết ngày 17/9, có hơn 500 ngôi nhà bị tốc mái, một cháu nhỏ tử vong do cột nhà đổ vào người.
Hà Giang thời điểm này trời đang mưa to. Huyện Mèo Vạc là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất tỉnh do hoàn lưu bão số 3. Theo số liệu thống kê của BCH PCLB&TKCN huyện Mèo Vạc, đã có 16/17 xã, thị trấn của huyện bị thiệt hại. Gió lốc làm 568 nhà dân bị tốc mái, trong đó có 26 nhà bị tốc hoàn toàn và 2 nhà bị sập hoàn toàn. Ngoài ra, gió lốc còn làm hư hỏng 13 điểm trường và 2 trụ sở thôn.
Đặc biệt, gió lốc đã làm đổ cột nhà anh Hờ Mí Lử ở xã Khâu Vai, làm 1 cháu nhỏ 8 tháng tuổi tử vong.
Ngay sau khi gió lốc gây thiệt hại, các cán bộ xã đã nhanh chóng đến các thôn thống kê chính xác thiệt hại để có biện pháp hỗ trợ. Trước mắt di dời dân sang ở các hộ lân cận, các điểm trường; những hộ bị thiệt hại nhẹ được khắc phục, che chắn đảm bảo ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, UBND tỉnh đã yêu các các sở ban ngành và cơ quan chức năng trong tỉnh dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo ứng phó cơn bão số 3; huy động toàn bộ lực lượng giúp dân gặt nhanh, thu hoạch những diện tích lúa đã có thể gặt được; phân công trực tại các mặt hồ chứa 24/24h để thông báo sẵn sàng điều tiết nước khi mưa to... Với những hộ sinh sống tại nơi có nguy cơ sạt lở cao, tỉnh đã chỉ đạo di dời trước khi mưa đến. Tại toàn bộ các đoạn đường nguy cơ sạt lở, các đầu đường qua suối…, tỉnh đã cử công an viên gác cảnh báo. Với các doanh nghiệp đang thi công trên địa bàn tỉnh, tỉnh đã cảnh báo, kiểm tra lán trại, đưa công nhân ra khỏi các vị trí có nguy cơ sạt lở.
Tại Bắc Giang, do ảnh hưởng của bão, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa đến mưa to khiến nhiều diện tích lúa mùa bị đổ, hoa màu bị dập nát.
Tỉnh Cao Bằng cũng báo cáo, sau bão số 3 đã có 151 nhà tốc mái; 80 ha hoa màu bị thiệt hại; tuyến đường giao thông liên xã Phan Thanh – Cao Sơn (Nguyên Bình) bị sạt lở taluy dương gây ách tắc giao thông.
Phạm Thanh - Hồng Ngân