1. Dòng sự kiện:
  2. Phá tòa "Hàm cá mập", cải tạo không gian quanh hồ Gươm

Thiết bị quân đội sử dụng để kiếm nạn nhân dưới đống đổ nát tại Myanmar

Nguyễn Hải Mạnh Quân

(Dân trí) - Quá trình khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar, Lữ đoàn 229, Binh chủng Công binh sẽ sử dụng thiết bị dò tìm âm thanh DESA, thiết bị tìm kiếm nạn nhân dưới đống đổ nát cầm tay PO-900,...

Chiều 30/3, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng đã cử 80 cán bộ, chiến sĩ từ các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar. 

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Quốc phòng), cho biết lực lượng sang cứu hộ, cứu nạn tại Myanmar là những cán bộ, chiến sĩ tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam. 

Lực lượng thực hiện nhiệm vụ với nhiều trang thiết bị hạng nặng, như máy xúc, máy ủi. Nhiệm vụ hàng đầu của đoàn là tìm kiếm nhanh nhất và cứu hộ những nạn nhân mắc kẹt trong đống đổ nát tại những nơi bị tàn phá bởi động đất.

Rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ sau thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 2/2023, lực lượng tham gia tại Myanmar có nhiều kinh nghiệm hơn trong công tác tổ chức, chỉ huy, điều hành các hoạt động cứu trợ; phối hợp với các lực lượng cứu trợ quốc tế, cũng như xử lý các tình huống khẩn cấp, tình huống phát sinh.

Thiết bị quân đội sử dụng để kiếm nạn nhân dưới đống đổ nát tại Myanmar - 1

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn đảm nhiệm tổng chỉ huy các lực lượng của QĐND Việt Nam tham gia khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar (Ảnh: Mạnh Quân).

Theo Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, sau khi lực lượng có mặt tại Myanmar, sẽ phối hợp với Liên Hợp Quốc, Ủy ban điều phối quốc tế và Ủy ban cứu hộ của Myanmar, từ đó, căn cứ vào lực lượng, trang thiết bị, sở trường của chúng ta để xác định khu vực thực hiện nhiệm vụ, nhằm đảm bảo hiệu quả nhất.

"Tôi chắc chắn, lực lượng của chúng ta sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và quân đội giao. Đồng thời chứng minh cho cộng đồng quốc tế hình ảnh đất nước, dân tộc và quân đội nhân dân Việt Nam", Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ khẳng định.

Theo lịch trình dự kiến, lực lượng cứu trợ, cứu hộ của Bộ Quốc phòng sẽ xuất phát tại sân bay Nội Bài lúc 15h ngày 30/3. Trong đêm nay, lực lượng sẽ trao đổi với nước bạn để thống nhất, xác định kế hoạch ứng phó. 

Thiết bị quân đội sử dụng để kiếm nạn nhân dưới đống đổ nát tại Myanmar - 2

Quân đội tìm kiếm các nạn nhân sau vụ động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Văn Hiếu/QĐND).

Dự kiến, sáng 31/3, lực lượng cứu hộ của quân đội Việt Nam sẽ thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn.

Trung tá Trần Trung Dũng, Phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn 229 Binh chủng Công binh, cho biết đội công binh gồm 6 sĩ quan và 24 quân nhân chuyên nghiệp, đã được dự báo về nhiệm vụ sau khi xảy ra động đất tại Myanmar.

Do đó, Binh chủng Công binh đã chuẩn bị đầy đủ về lực lượng, phương tiện, các trang bị cứu hộ cứu nạn, chủ yếu là những trang bị cứu hộ cứu nạn cầm tay nhỏ gọn nhưng có khả năng phát hiện, tìm kiếm những nạn nhân bị nạn cao nhất.

Đặc biệt, Binh chủng Công binh đưa các trang bị như máy soi chiếu V5, thiết bị tìm kiếm nạn nhân dưới đống đổ nát cầm tay PO-900 có thể tìm kiếm nạn nhân cách xa 15m, cách bức tường 10cm.

Thiết bị quân đội sử dụng để kiếm nạn nhân dưới đống đổ nát tại Myanmar - 3

Trung tá Lại Bá Thành, bác sĩ Khoa gan mật tụy, Bệnh viện 103, Học viện Quân y (Ảnh: Mạnh Quân).

Lần thứ 2 tham gia nhiệm vụ cứu hộ quốc tế (lần đầu cứu hộ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2023) Trung tá Lại Bá Thành, bác sĩ Khoa gan mật tụy, Bệnh viện 103, Học viện Quân y, chia sẻ chiều 29/3, đội quân y nhận nhiệm vụ và ngay lập tức chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị, sẵn sàng lên đường sang Myanmar.

Trung tá Lại Bá Thành đánh giá, nhiệm vụ lần này có phần đặc biệt hơn so với tại Thổ Nhĩ Kỳ như thời điểm cứu hộ tại Myanmar sớm hơn Thổ Nhĩ Kỳ, nguy hiểm hơn; địa hình, thời tiết giữa 2 quốc gia cũng có nhiều thay đổi.

"Tuy Myanmar cùng ở khu vực Đông Nam Á nhưng điều kiện thời tiết, giao thông khác với Việt Nam", Trung tá Lại Bá Thành đánh giá.

Chia sẻ những kinh nghiệm từ cứu hộ động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ cho chuyến đi Myanmar, Trung tá Thành cho biết, các cán bộ, chiến sĩ cần thành thục kỹ năng sống của bản thân, các kỹ năng cứu trợ bệnh nhân, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và phối hợp với các lực lượng quốc tế, chính quyền địa phương để giữ an toàn.

Theo Trung tá Thành, điều quan trọng là trong ba lô có nhiều trang thiết bị cá nhân có thể đảm bảo cuộc sống sinh tồn ở mọi hoàn cảnh cứu hộ, cứu nạn và chúng là vật bất ly thân.

Được biết, lực lượng quân y sang hỗ trợ thảm họa động đất tại Myanmar gồm 30 người, với nhiệm vụ là tìm kiếm cứu nạn, sơ cứu bước đầu và vận chuyển các nạn nhân.

80 quân nhân được cử đi cứu hộ tại Myanmar có 3 người của Cục Cứu hộ - Cứu nạn; 2 người Cục Đối ngoại; 2 người của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam; một đại diện Cục Bảo vệ An ninh quân đội; 30 quân y.

Trường Trung cấp 24 Biên phòng có 9 cán bộ, huấn luyện viên cùng 6 chó nghiệp vụ đặc biệt huấn luyện cho công tác tìm kiếm cứu nạn; Lữ đoàn 229 thuộc Binh chủng Công binh cử 6 sĩ quan và 24 quân nhân chuyên nghiệp tham gia đoàn công tác. 

Đội cứu hộ được trang bị nhiều loại trang bị, khí tài và thiết bị công binh hiện đại, thiết kế gọn nhẹ, cơ động và chuyên dụng cho công tác cứu hộ, cứu nạn trong môi trường phức tạp.

Các thiết bị tiên tiến bao gồm thiết bị dò tìm âm thanh DESA, Radar tìm kiếm âm thanh và hình ảnh, thiết bị thủy lực hỗ trợ công tác đào bới, và đặc biệt là thiết bị tìm kiếm nạn nhân dưới đống đổ nát cầm tay PO-900,... cùng các vật chất bảo đảm sinh hoạt.

Quá trình tham gia khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn sẽ đảm nhiệm tổng chỉ huy các lực lượng của QĐND Việt Nam.