Thiêng liêng tiếng “chào thầy” trên đường ra trận

(Dân trí) - Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngành giáo dục Nghệ An đã gửi tới chiến trường hàng trăm giáo viên. Những người thầy - vì nghĩa lớn - đã rời bục giảng lên đường ra trận. Người nằm lại chiến trường, người trở về, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Thầy giáo Nguyễn Quốc Khánh.
Thầy giáo Nguyễn Quốc Khánh.

Cả đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đã quá quen với lời chào của học trò nhưng có một tiếng chào mà thầy Khánh không bao giờ quên. Tiếng chào vang lên giữa đại ngàn Trường Sơn, khi hai thầy trò gặp nhau trên đường ra trận.

Mùa hè năm 1972, thầy giáo Nguyễn Quốc Khánh (phường Lê Mao, Tp Vinh, Nghệ An), khi đó đang là giáo viên dạy văn của Trường cấp 3 Tân Kỳ, được lệnh lên đường nhập ngũ. Với tinh thần sẵn sàng chia lửa với tiền tuyến, thầy giáo trẻ xếp bút phấn, tạm biệt bục giảng hành quân ra trận. Đợt này, Ty Giáo dục Nghệ An đóng góp cho chiến trường gần 150 giáo viên.

Do yêu cầu gấp rút của cuộc chiến đấu nên chỉ gần 2 tháng huấn luyện, đoàn tân binh – nhà giáo được lệnh đi thẳng vào Trường Sơn. Một nửa sang chiến trường Lào, một nửa bổ sung cho Đoàn 559 – Binh đoàn Trường Sơn, thầy giáo Nguyễn Quốc Khánh được phiên chế vào tiểu đoàn pháo cao xạ bảo vệ tuyến đường Trường Sơn.

“Đầu năm 1973, khi Hiệp định Pari chuẩn bị được ký kết, đế quốc Mỹ phán đoán sau Hiệp định, quân giải phóng sẽ chuyển quân từ Lào về Việt Nam nên tập trung lực lượng đánh phá. Để bảo toàn lực lượng, chúng tôi được lệnh di chuyển vào miền Nam. Đoàn quân xe pháo cồng kềnh vượt đại ngàn Trường Sơn hướng tới miền Nam ruột thịt. Đoàn pháo cao xạ gặp một đoàn pháo mặt đất đi song hành bên một con đường cách đó một quãng ngắn. Giữa tiềng gầm rú của động cơ, tôi chợt nghe tiếng “Em chào thầy”, vang lên từ đoàn pháo mặt đất.

Hồi ức những ngày rời bục giảng lên đường ra trận.
Hồi ức những ngày rời bục giảng lên đường ra trận.

Như một luồng điện chạy dọc sống lưng, tôi mừng quá đỗi khi đó là cậu An, một học trò cũ ở Trường cấp 3 Tân Kỳ. Quân lệnh chiến trường, thầy trò chỉ kịp chào nhau rồi mỗi người mỗi ngả. Hơn 40 năm qua rồi, tiếng chào của cậu học trò trên đường ra trận vẫn vang vọng trong tâm trí. Sau này, mấy lần về thăm trường cũ, tôi cố gắng dò hỏi nhưng đều không có thông tin gì về An, không biết em ấy còn hay đã hy sinh...”, thầy giáo già ngừng lại, như thể đang trở về miền ký ức đã ngót nửa thế kỷ.

Năm 1974, đơn vị pháo cao xạ được lệnh hiệp đồng chiến đấu với bộ binh đánh chiếm cứ điểm Bàn Cờ - Minh Long. Pháo cao xạ có nhiệm vụ chặn đứng những đợt bỏ bom của máy bay A-37 để bộ binh chiếm chốt. Không quân địch bị vô hiệu hóa, cứ điểm Minh Long bị tiêu diệt. Địch bỏ chốt chạy tán loạn.

“Bộ binh thay nhau giữ chốt, không để địch chiếm lại. Cứ mỗi tối, từng nhóm lính sẽ cắt gác thay nhau. Chúng còn trẻ quá, khuôn mặt măng tơ, có đứa là sinh viên, có đứa mới rời ghế nhà trường. Cứ mỗi lần đi qua công sự pháo, chúng lại đưa cánh tay lên vẫy, như một cách thể hiện sự quyết tâm giữ chốt, cũng như một lời chào bởi có đứa lên giữ chốt rồi nằm lại trên ấy không về...

Nếu không có chiến tranh... có lẽ chúng đang đi học, đâu phải cầm súng và đi mãi không về.
"Nếu không có chiến tranh... có lẽ chúng đang đi học, đâu phải cầm súng và đi mãi không về".

Những khuôn mặt măng tơ, những cánh tay vẫy trong đêm tối ám ảnh thầy đến tận bây giờ. Nghĩ mà thương chúng quá, nếu không có chiến tranh, tuổi đó, chúng còn đang đi học...” đôi mắt thầy Khánh đỏ hoe, giọng như nghẹn lại. Ông ngồi bất động đến hàng phút...

Địch bỏ chốt chạy thoát thân, đơn vị thầy Khánh được lệnh đi bắt tù binh. Đi bắt tù binh là nhiệm vụ mà lính ta ngán nhất, không phải là sợ nguy hiểm mà nó rất mất thời gian và gặp những tình huống dở khóc, dở cười. Tối đó, nai nịt gọn gàng, thầy Khánh cùng các đồng đội đi bắt tù binh. Đó là một cánh đồng lúa rộng lớn, lùng sục suốt đêm, đội phát hiện một tên lính ngụy bị thương, đang sợ hãi núp dưới ruộng.

“Nó đói lả đi, vết thương đã 3-4 ngày, bắt đầu bốc mùi. Thấy quân giải phóng, nó sợ rúm ró, xin tha mạng. Vừa căm giận, vừa thấy thương. Mấy anh em lấy lương khô cho ăn rồi cho nó lên cáng khiêng về, giao cho bên chính sách”, thầy Khánh kể tiếp.

Thầy Khánh (hàng sau, ngoài cùng bên phải) cùng các giáo viên nhập ngũ năm 1972.
Thầy Khánh (hàng sau, ngoài cùng bên phải) cùng các giáo viên nhập ngũ năm 1972.

Chiến dịch Hồ Chí Minh mở ra, pháo cao xạ được lệnh cùng các đơn vị mở cửa mở ở phía Tây Sài Gòn cho bộ binh đánh vào trung tâm thành phố. Đêm 29/4, đoàn quân vượt qua cầu Long Thành, trên mỗi nóng pháo đều cắm ngọn ngờ giải phóng. Trong đêm tối, ngọn cờ vẫn kiêu hãnh tung bay, cùng đoàn quân tiến vào sào huyệt cuối cùng của Ngụy quyền Sài Gòn.

Dưới sức tiến công như vũ bão của quân giải phóng, địch chống cự điên cuồng hoặc nhanh chóng rời bỏ đội hình để chạy thoát thân. Anh em tù chính trị cũng nhân cơ hội phá ngục tự giải thoát. “Pháo qua cầu Long Thành, từng đoàn tù chính trị quần áo rách rưới, đôi mắt trũng sâu, thân hình gầy gò ùa ra từ một nhà tù. Họ chạy tới, ôm lấy lá cờ giải phóng trên xe khóc không thành tiếng. “Chúng tôi chờ đợi mấy mươi năm mới được ôm lá cờ giải phóng”!. Những người tù nước mắt giàn giụa, thay nhau giữ chặt lá cờ trong ngực mình khiến chúng tôi cũng xúc động lây”, thầy Khánh nhớ lại.

13h30, đoàn pháo cao xạ cũng có mặt tại Dinh Độc Lập, hòa mình vào niềm vui thống nhất non sông....

Kết thúc chiến tranh, thầy Khánh được điều về Trường văn hóa của Bộ Tư lệnh Trường Sơn rồi chuyển về Nghệ An, cống hiến suốt thời gian còn lại cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà cho đến khi nghỉ hưu.

Hoàng Lam