1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thiên tai năm 2022 tiếp tục diễn biến phức tạp và dị thường

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Thiên tai năm 2022 sẽ tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp và dị thường. Nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường đầu tư cho công tác dự báo, quan trắc.

Sáng nay (25/4), tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022. Hội nghị được kết nối tới 63 điểm cầu UBND tỉnh, thành phố và 701 điểm cầu quận, huyện trên cả nước với hơn 19.000 người dự.

Thiên tai năm 2022 tiếp tục diễn biến phức tạp và dị thường - 1

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Ngọc Hà).

Thiên tai năm 2022 diễn biến phức tạp, dị thường

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thiên tai năm 2022 sẽ tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp và dị thường. Lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan. Nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường đầu tư cho công tác dự báo, quan trắc.

Nằm ở hạ nguồn của sông Ba, đại diện tỉnh Phú Yên phản ánh, số lượng trạm quan trắc trên lưu vực sông còn ít. "Do đó, cần tăng số lượng trạm quan trắc ở thượng lưu sông Ba để tăng khả năng dự báo", ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nói. Cần có công nghệ tính toán dự báo lũ đến các trạm quan trắc cũng như các hồ chứa từ lượng mưa đo được hoặc từ lượng mưa dự báo và điều hành xả lũ ngay, không chờ đến khi lũ đã tập trung mới điều hành xả lũ.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, bộ này đã yêu cầu các chủ đập thủy điện tổ chức quan trắc, thu thập thông tin khí tượng thủy văn để chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền; tham gia cắt/giảm/làm chậm lũ, bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du.

Đối với các hồ khu vực tỉnh Phú Yên trên lưu vực sông Ba, các hồ đã thực hiện giảm lưu lượng xả, mực nước hồ lớn hơn mực nước dâng bình thường nhưng thấp hơn mực nước lũ thiết kế. Hiện nay, việc vận hành, điều tiết lũ của các hồ chứa vẫn bảo đảm an toàn.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác chỉ đạo, điều hành, Bộ Công Thương nhận thấy phát sinh nhiều khó khăn, bất cập. Cụ thể, một số nội dung quy định về quản lý an toàn đập, hồ chưa thủy điện tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP đến nay đã bộc lộ những bất cập, cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.

Một số nội dung quy định trong Quy trình vận hành liên hồ chứa rất khó triển khai thực hiện, không bảo đảm được các mục tiêu về an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước và kém hiệu quả trong sử dụng tài nguyên nước quốc gia.

Theo ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, với việc vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa, trong các năm vừa qua, các hồ trong quy trình đã tham gia cắt giảm đỉnh lũ từ 30-98% tùy từng cơn lũ, cắt giảm tổng lượng lũ từ 30-80% tổng lượng lũ (một số cơn lũ cắt được 85-92%).

"Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục rà soát, dự kiến trước mắt sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành một quyết định điều chỉnh chung, trong đó sẽ sửa đổi một số điều của các quy trình vận hành liên hồ trên một số lưu vực sông để giải quyết một số vấn đề còn tồn tại, bất cập chung của các quy trình, đặc biệt là bổ sung cơ chế phối hợp vận hành, cung cấp thông tin, dữ liệu...", ông Trần Hồng Thái nói.

Chất lượng các bản tin dự báo cần tiếp tục được nâng cao hơn

Thiên tai năm 2022 tiếp tục diễn biến phức tạp và dị thường - 2

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Đức Tuân).

Kết luận Hội nghị, đánh giá về công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, năm 2021, những thiệt hại do thiên tai gây ra giảm đáng kể so với năm 2020. Số người chết, mất tích do thiên tai là 108 người, giảm 70% so với năm 2020. Thiệt hại về tài sản 5.200 tỷ đồng, giảm 87% so với năm 2020. "Đây là năm thiệt hại do thiên tai gây ra thấp nhất trong hàng chục năm vừa qua", Phó Thủ tướng nói.

Trung bình trong 20 năm qua, ở nước ta mỗi năm thiên tai làm trên 300 người chết, thiệt hại về kinh tế từ 45-50 nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2017 thiệt hại gần 60.000 tỷ đồng.

Nói về nguyên nhân, Phó Thủ tướng chỉ rõ, nguyên nhân khách quan là sự may mắn của năm 2021, số cơn bão, sự cố thiên tai ít hơn, mức độ nhẹ hơn so với các năm trước. Nguyên nhân chủ quan, là sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, lực lượng vũ trang, đặc biệt là sự vào cuộc tích cực của các địa phương và toàn hệ thống chính trị cơ sở.

Bên cạnh đó, có vai trò rất tích cực của các tổ chức quốc tế, trách nhiệm của các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc thông tin cảnh báo, tuyên truyền kịp thời. Đặc biệt quan trọng là sự cố gắng, tinh thần tự giác của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.

Bên cạnh những kết quả rất quan trọng đã đạt được, Phó Thủ tướng đã nêu rõ một số tồn tại lớn cần quan tâm trong giai đoạn tới. Đó là công tác dự báo thiên tai tuy đã có nhiều cố gắng nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, chất lượng các bản tin dự báo cần tiếp tục được nâng cao hơn nữa.

"Đợt mưa lũ trái quy luật ngay trong thời gian mùa khô ở các tỉnh Nam Trung Bộ vừa qua, nếu chúng ta có thể dự báo, cảnh báo sớm hơn, chính xác hơn, chắc chắn thiệt hại về tài sản của nhân dân đã được giảm nhẹ hơn", Phó Thủ tướng nói.

Công tác hỗ trợ, triển khai khắc phục hậu quả thiên tai còn bất cập, thủ tục rườm rà gây chậm trễ, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Công tác vận hành liên hồ chứa trên các hệ thống sông, đặc biệt tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên còn có những tồn tại, bất cập. Sự phối hợp, thông tin giữa các địa phương thượng nguồn với hạ nguồn, giữa cấp tỉnh với cấp huyện, cấp xã, giữa chủ hồ, đơn vị quản lý vận hành hồ với chính quyền địa phương chưa tốt.

Việc chấp hành quy định vận hành liên hồ chứa chưa nghiêm; việc thông báo cho chính quyền địa phương, người dân khi xả lũ ở một số hồ chứa chưa kịp thời, đúng quy định hoặc hình thức thông báo chưa phù hợp, kịp thời dẫn đến bị động trong ứng phó.

Phó Thủ tướng lấy ví dụ, nhiều trường hợp ngay trong mưa lũ, người dân vẫn đi đánh cá, vớt củi hay đi qua ngầm, tràn, rất dễ xảy ra tai nạn. Hầu hết các trường hợp thiệt mạng trong đợt mưa lũ lớn cuối tháng 11, đầu tháng 12/2021 đều là do tai nạn, bị lũ cuốn trôi...