"Thiên hạ học làm thầy, tôi học làm thợ"
(Dân trí) - Biết sẽ chịu áp lực khi đến gặp “ông vua dầu gấc” Nguyễn Công Suất, bởi báo chí đã viết quá nhiều về anh và những lao lực anh dành cho trái gấc. Nhưng tôi vẫn đến. Tôi không tin người đàn ông nhỏ nhắn ấy chỉ có những câu chuyện về trái gấc để kể!
“Đâm đầu vào đá tảng - Chết cũng đáng”
Rời bỏ vị trí một bác sĩ quân y - Viện 108 để tự thân đứng ra thành lập một doanh nghiệp tư nhân chuyên sản xuất dầu gấc, anh làm điều đó vì thực sự muốn “toàn tâm toàn ý” cho trái gấc hay chẳng qua là vì những năm tháng ấy, vấn đề về Y đức đang gây nhức nhối toàn xã hội?
Việc trở thành một bác sĩ là ước mơ suốt thời trai trẻ của tôi. Mười tám tuổi, theo tiếng gọi của Tổ quốc, tôi lên đường nhập ngũ mang theo hai cuốn tiểu thuyết Ruồi trâu và Thép đã tôi thế đấy. Những năm ấy, thanh niên chúng tôi sống lý tưởng lắm, sẵn sàng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Chiến tranh biên giới nổ ra năm 1979, đồng đội tôi nhiều người nằm xuống. Tận mắt chứng kiến đồng đội mình đau đớn, vật vã với những vết thương bị nhiễm trùng... Ngay lúc ấy, tôi đã nghĩ mình phải trở thành một bác sĩ.
Và sau đó, tôi đã thực hiện được ước mơ của mình nên khi quyết định rời bỏ vị trí bác sĩ ở Viện 108, tôi đã phải suy nghĩ cân nhắc hàng năm trời. Đó là những đấu tranh trong chính con người tôi, một bên là vì cái danh bác sĩ quân y ở một bệnh viện hàng đầu - oai lắm chứ, một bên là những trăn trở trĩu nặng khi nhìn những bệnh nhân nghèo, từ quê lên xếp hàng dài trước cổng bệnh viện. Tôi ao ước tìm ra một thứ thuốc có thể phòng bệnh cho bà con mình.
Khi ấy, đề tài về gấc lại có quá nhiều người nghiên cứu, nhưng chưa có ai làm đến nơi đến chốn. Tôi có rủ một vài đồng nghiệp ra làm chung, nhưng thường thì, nhiều người vẫn nghĩ tốt nghiệp đại học ra là phải làm thầy chứ ai chịu đi làm thợ? Cân nhắc mãi, cuối cùng tôi quyết định rời bỏ Viện 108 để theo đuổi trái gấc tới cùng. Tôi không chịu áp lực từ bất kỳ lý do nào khác.
Vốn là một bác sĩ sống trong bao cấp của quân đội, khi rời bỏ nó, anh đối mặt với những khó khăn của thương trường như thế nào? Chắc hẳn, trái gấc không mang đến cho anh chỉ một vị ngọt ngào?
Chắc chắn không có thành công nào tự nhiên đến, không có đường đi nào bằng phẳng, không có ai không phải trải qua những thất bại bao giờ. Tôi đã đi qua nhiều cay đắng, đã nếm trải nhiều thất bại, đã có những bước thử nghiệm không thành... Nhưng tôi không muốn nhắc lại, bởi những gì tôi đang có hiện tại hình như đã chứng minh sự lựa chọn của tôi là đúng.
Trước mỗi quyết định, người ta cần nhất sự quyết liệt, dám nghĩ dám làm. Tính tôi không thích mọi sự... lờ nhờ, nửa này nửa nọ. Thời trẻ, mang theo Thép đã tôi thế đấy trong ba lô, tôi phơi phới ra trận, tự nhủ với mình “Thép được tôi trong lửa đỏ, nước lạnh sẽ cứng rắn và không biết sợ”. Đến khi thi vào trường Y, thời ấy “nhất Y nhì Dược” nên kỳ thi không đơn giản chút nào, bạn bè khuyên tôi nên chọn trường dễ hơn, rằng “Đừng đâm đầu vào đá tảng”, tôi cười “Đâm đầu vào đá tảng chết cũng đáng”. Tính tôi là vậy, làm cái gì cũng quyết liệt, đến yêu tôi cũng... “quyết tử”! (Cười). Muốn có một loại thuốc tốt, phòng bệnh cho bà con mình đỡ khổ, nhất là những người nghèo, tôi mạnh mẽ hơn khi đối mặt với mọi khó khăn.
“Bạn bè xui tôi đi... kiện”
“Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình bảy anh chị em. Bố mẹ tôi quần quật ngoài đồng từ sáng đến tối như hàng ngàn vạn gia đình thuần nông đói nghèo khác. Làng tôi ở ven sông Cầu (làng An Lạc, xã Trung Dã, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) yên bình như mùa con nước lên và nghèo đói điển hình như mùa khô con nước cạn kiệt. Tuổi thơ tôi đầu trần chân đất, chăn trâu cắt cỏ đầu làng cuối bãi, chỉ nghe thấy cái đói, cái nghèo thấm vào da thịt.
Thấy nghề nông vất vả quá, ông bà nội tôi buôn bán thêm mật mía sang các làng, xã lân cận rồi phát triển đến tận vùng Yên Thế - Bắc Giang sang cả tỉnh Vĩnh Phúc bây giờ. Thấy vậy, bố mẹ tôi cũng tìm mối hàng, và có một thời gian dài, bữa cơm gia đình tôi được no hơn một chút nhờ buôn bán vải.
Nỗi khổ cực từ nghèo đói vẫn đeo bám theo tôi như một ám ảnh...”. |
Viên dầu gấc Vinaga của anh đến thời điểm này đã có mặt trên thị trường nội địa. Nhưng giá của nó không hề rẻ... Điều ấy chứng tỏ, anh đâu có làm thuốc cho người nghèo!
Chi phí để sản xuất ra một viên dầu gấc hiện tại của chúng tôi có giá thành khá cao. Đó cũng đang là một vấn đề trăn trở của tôi. Nhưng so với thuốc Tây - tác dụng rất nhanh nhưng kéo theo hàng loạt những phản ứng phụ nguy hiểm - thì viên dầu gấc thực sự là một loại thuốc vừa phòng bệnh, vừa chữa bệnh vừa không gây phản ứng phụ. Cây gấc với người Việt Nam là bình thường, nhưng cây gấc với người Mỹ là “thứ quả đến từ thiên đường”. Họ vừa mới nhập ruột gấc đông lạnh của chúng tôi để chế ra nước gấc sinh tố rất ngon, sẽ có mặt trên thị trường Việt Nam không xa.
Anh vừa nhắc đến những viên thuốc Tây có nhiều phản ứng phụ nguy hiểm, nhưng vì tác dụng của nó đến rất nhanh nên người ta vẫn mua. Ngược lại, những loại thuốc chiết xuất từ dược thảo, hiệu quả có thể đến khá chậm... Bởi vậy, không ít người đã nói rằng dùng viên dầu gấc Vinaga của anh đã lâu mà vẫn chưa thấy có tác dụng gì? Anh sẽ nói sao?
Tôi không biết họ có dùng đúng viên dầu gấc nhãn hàng Vinaga của chúng tôi hay không. Bởi thực tế, thị trường hiện nay, nhãn hàng chúng tôi đang bị làm nhái nghiêm trọng. Chúng tôi đã xác định được có khoảng 16 loại hàng nhái. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp xui tôi đi kiện, nhưng tôi nghĩ, cuộc chiến nào cũng gây sứt đầu mẻ trán, cũng gây thương vong, đổ máu cho cả đôi bên. Hãy cứ để sự sáng suốt của khách hàng lựa chọn! Cách ấy cũng nhân văn hơn. Vả lại để chống được hàng nhái cũng không hề đơn giản, bây giờ người ta đạo đủ mọi thứ, đạo văn, đạo thơ, đạo nhạc còn được kia mà, huống chi là... “đạo” thuốc! Chế tài của mình chưa đủ mạnh để ngăn chặn.
Nhưng nạn nhân cuối cùng của sự “im lặng” này lại chính là những bệnh nhân nghèo! Họ không có tiền để mua thuốc thật của anh. Anh từng nói rất nhiều đến những trăn trở về bệnh nhân nghèo... Nhưng hình như đã có “thế lực” khiến anh buông xuôi rồi?!
Không phải thế! Thực sự, mọi cuộc đấu đá đều gây thương vong cho cả đôi bên. Tôi tin tưởng vào sự thông thái của khách hàng. Tôi đang có rất nhiều ý tưởng hướng tới trái gấc, ví như nước sinh tố, các loại son môi và kem dưỡng da... Từ khi còn là một cậu bé, tôi đã để ý thấy, các cô gái ăn xôi gấc sẽ mềm môi và không bị khô nẻ. Sau sự kiện son môi hóa chất bị phát hiện có chất xu-đăng gây ung thư, tôi càng nung nấu ý nghĩ sẽ làm ra loại son môi chiết xuất từ trái gấc. Hiện tại, để giúp bà con nghèo, tôi đang thuyết phục bà con trồng gấc rộng rãi để thu mua theo từng mùa vụ cho bà con, với giá khoảng 1.500 đồng/kg. Tôi tin nhiều vùng sẽ thoát nghèo từ cây gấc!
Ông Dương Trung Quốc tặng thơ?
Có một điều tôi rất muốn hỏi anh. Ngay từ khi viên dầu gấc Vinaga ra đời đã nhận được sự hỗ trợ không nhỏ từ phía giới truyền thông, báo chí. Có một người vợ là nhà báo hình như đã giúp anh rất nhiều?
Không hề! Riêng trong chuyện này tôi lại muốn có một sự khách quan. Nói thật, tất cả các báo, đài đến đây gặp gỡ, tôi đều không dám nói mình có bà xã làm báo, nói ra họ sẽ lập tức không muốn nói chuyện hay hỏi han gì nữa mà... “mất điện” luôn! Việc lên chương trình Người đương thời, Tạ Bích Loan đã có ý định mời tôi nhiều lần trước đó nhưng tôi bận không thu xếp được.
Phía sau người đàn ông thành đạt, bao giờ cũng là một người phụ nữ. Với anh, câu này có ý nghĩa như thế nào?
Tôi gặp vợ mình bây giờ khi còn đang là sinh viên trường Y giữa thời đói khổ. Cô ấy là con gái Hà Nội, không ít lần chết khiếp khi mục sở thị bữa cơm sinh viên gạo lẫn trấu, “nước chấm đại dương”, “bát canh toàn quốc” ở căng-tin trường tôi. Nhưng cô ấy vẫn cười, đọc luôn câu thơ tự trào và... ăn ngon lành. Cô ấy đã dành trọn cả thời con gái đẹp nhất chờ đợi tôi hoàn thành sáu, bảy năm học ở trường Y.
Hiện tại, gia đình tôi đang rất hạnh phúc. Năm 32 tuổi, tôi mới lập gia đình. Tôi hiểu, vợ mình thiệt thòi nhiều vì chồng lỡ mắc “lỗi” hoài bão. Từ thời trẻ, tôi đã luôn “ôm” những khát khao, lý tưởng và sống lý trí.
Thời quân ngũ, có cô bạn cảm mến, cầm tay giữa rừng, tôi giãy nảy, từ chối ngay: “Đừng nắm tay anh, anh là đảng viên”. Kỷ luật chiến trường nghiêm ngặt thời đó làm người ta sống nghiêm khắc, nghị lực hơn. Khi ở trường Y, tôi cũng gặp những người con gái yêu mến mình thật lòng, muốn tính chuyện hôn nhân nhưng cũng phải gạt đi vì “còn phải học”, phía trước vẫn còn nhiều điều phải phấn đấu.
Được biết, có lần anh được nhà sử học Dương Trung Quốc làm tặng một câu thơ, điều đó hư thực thế nào?
Câu chuyện thật ra là thế này. Trong một lần mấy anh em gặp gỡ bù khú với nhau, bác Quốc (Dương Trung Quốc) có ý khen rằng, cây gấc vốn trồng ở vườn nhà nay nhờ có tôi nên xuất khẩu ra nước ngoài. Rồi một nhà thơ “sắp xếp” thành câu lục bát: “Cây gấc mọc ở vườn nhà - Nhờ công Công Suất xuất ra nước ngoài”. Câu chuyện bù khú ấy mà.
Cảm ơn anh về buổi trò chuyện!
Hiền - Phương (thực hiện)