1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Thiên hạ đệ nhất hà tiện”

Được mời đi ăn tiệc, ông xin không ăn để được nhận tiền, gia đình khấm khá nhưng vẫn đi xin quần áo để mặc... Ông chắt bóp từng đồng để chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.

Ông khoe lương hưu hiện nay trên 2 triệu đồng. Nếu cộng với khoản tích lũy khác như tiền tiết kiệm, tiền huân - huy chương kháng chiến các loại và tiền của các con gửi bố ăn quà..., ông “thu nhập” mỗi tháng khoảng 4-5 triệu đồng. Với mức này, ông thuộc loại thu nhập khấm khá ở phố La, thị trấn Vũ Thư, Thái Bình.

 

Số tiền ấy ông chia làm bốn phần. Một phần để ông và vợ cơm nước mỗi ngày, một phần để dành lo hậu sự khi qua đời. Hai phần còn lại ông để đó lo việc “hệ trọng” của ông. Ông đề ra “nội quy tiết kiệm” cho chính ông bằng giấy mực rất rõ ràng: phải giảm 20% tiền may mặc, không ăn quà vặt quá 2.000 đồng...

 

Người dân phố La kể rằng ngoài ba bữa cơm đạm bạc ra, ông không cho phép mình tiêu xài quá 2.000 đồng vào việc giải trí. Ông thường ra vỉa hè, uống đúng một cốc bia hơi làng và hút đúng một điếu thuốc lá. Chủ quán bia đầu ngõ quen ý đến độ khi ông ra là đưa ra đúng một ly bia, một điếu thuốc. Chủ quán đặt cho ông cái tên “bác Định hai nghìn”.

 

Mấy chục năm qua, người ta chỉ thấy ông mặc quần áo lính đã sờn cũ, không dám mua quần áo mới vì sợ tốn tiền! Ông còn đi xin cả quần áo về mặc để “đỡ phải may quần áo mới”. Con cháu, bạn bè đến thăm tặng quà bánh thì y như rằng khi người đó vừa về ông đem mấy thứ quà ra bán cho các cửa hàng ở phố để lấy tiền.

 

Đi dự hội nghị cựu chiến binh, cán bộ hưu trí... của huyện hay của tỉnh, câu đầu tiên của ông là: “Này, tôi nghe nói bữa nay có chiêu đãi cơm trưa. Xin quy phần tôi ra tiền để tôi lấy tiền dùng vào việc khác. Trưa tôi về nhà ăn cơm rồi quay lên họp cũng được”.

 

Bởi thế có người nói ông là “dị nhân”. Có người bảo ông là “thiên hạ đệ nhất hà tiện”. Với ông tiền quý lắm, nhưng không quý cho bản thân ông mà cho thiên hạ...

 

“Mệnh lệnh của trái tim”

 

Nhà của ông khá khang trang và lúc nào cũng đông khách, phần lớn là những người cơ nhỡ, ốm yếu, nghèo nàn. Đó chính là nhà của lương y, bác sĩ Phạm Nhất Định.

 

Trước cửa nhà ông lão đã 78 tuổi này treo một tấm bảng khá ấn tượng: “Khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp cứu tai nạn giao thông miễn phí”. Bao nhiêu tiền ky cóp, hà tiện, không dám ăn tiêu ông đều dồn sức vào nơi đây. Lúc nào nhà cũng mở rộng cửa đón bệnh nhân nghèo, bất kể là đêm hay ngày.

 

“Mình cần phải ghi rõ như thế để mọi người dù là dân địa phương hay người đi đường có thể mạnh dạn ghé vào. Tôi rất hiểu tâm trạng của những bệnh nhân nghèo khi không có tiền trong túi ngần ngại như thế nào mỗi khi bước vào các phòng khám bệnh”, bác sĩ Định nói.

 

Bất kể là ai, vào khám bệnh còn được ông trân trọng mời một bát nước chè xanh bốc khói, thơm ngát. Khám xong còn được nhận thuốc mang về mà không phải tốn một đồng nào cả.

 

Không chỉ khám, chữa bệnh tại chỗ, bác sĩ Định còn đi khám bệnh “lưu động” miễn phí trên chiếc xe gắn máy cà tàng của mình khắp mọi nơi thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh Thái Bình.

 

Ông nói: “Đối với tôi, cứu người là mệnh lệnh của trái tim. Chỉ cần nghe có người bệnh cần phải được cứu chữa thì bất kể xa xôi, cách trở mấy cũng phải đi đến nơi cho kỳ được”.

 

Có lần đang nửa đêm, có người ở tận huyện Quỳnh Phụ, cách thị trấn Vũ Thư mấy chục cây số đến gõ cửa nhờ ông đến cứu mạng cho mẹ mình. Ngay lập tức, ông nón, áo lên đường trong đêm mưa.

 

Gia đình ông đã mấy đời làm nghề thuốc đông y. Ông tốt nghiệp đại học với hai bằng bác sĩ tây y và đông y. Thời tuổi trẻ của bác sĩ Định là những tháng ngày ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ trên chiến trường miền Trung.

 

“Tôi từng chứng kiến bao nhiêu mạng người đã mất vì bom đạn. Cận kề với cái sống và cái chết, tôi hiểu sinh mạng con người quan trọng như thế nào nên tâm niệm dành cả cuộc đời cho việc cứu người bằng tất cả khả năng của mình”, ông tâm sự.

 

Nhiều người dân ở Vũ Thư nói họ không nhớ bác sĩ Định bắt đầu khám bệnh từ thiện từ lúc nào, chỉ nhớ là nhiều gia đình từ ông bà, cha mẹ đến con cái đều là ân nhân của bác sĩ Định. Ông cũng không thể nhớ được mình khám bệnh cho bao nhiêu người.

 

Có lần ông bảo con cháu đếm lại những phiếu khám bệnh miễn phí mà ông giữ lại như một kỷ niệm đời mình thì chỉ trong vòng mười năm trở lại đây, ông đã khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho gần 20.000 lượt người.

 

Điện thoại reo, có người nghèo bị ốm nặng ở tận Quỳnh Phụ lại gọi ông. “Ông lão hà tiện” dắt chiếc xe cà tàng mà ông gọi là “phòng khám lưu động” ra và mất hút trên đường làng...

 

Theo Tuổi Trẻ