Lâm Đồng:
“Thiếc tặc” băm nát thung lũng Đạ Chomo
(Dân trí) - Hơn 10 ha ruộng lúa “miếng cơm” của 64 hộ đồng bào dân tộc thuộc thôn Hang Hớt, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà tại thung lũng Đạ Chomo bỗng chốc thành công trường khai thác thiếc trái phép gần 4 năm qua.
Phóng viên Dân trí đã thâm nhập vào nơi đây để chứng kiến sự tàn phá môi trường, khai thác khoáng sản trái phép này.
Nguy hiểm đường đột nhập
Từ thị trấn Đinh Văn (trung tâm huyện lị Lâm Hà) chúng tôi men theo những con đường rừng đất đỏ sình lầy của mùa mưa Tây Nguyên để đến với xã Mê Linh. Được sự giúp đỡ của người dân địa phương, trong vai người đi mua đất rừng, chúng tôi “qua mắt” sự giám sát gắt gao 24/24 của “thiếc tặc”.
Hơn 1 giờ đồng hồ bám rừng, vượt qua những cánh rừng trơ trụi, những con suối hung dữ, cuối cùng chúng tôi cũng đặt chân đến địa bàn hoạt động của nhóm “thiếc tặc”. “Phải cẩn thận nhé! Lơ đãng ăn mã tấu như chơi!” - người dẫn đường cảnh báo.
Từ ngọn đồi đầu nguồn con suối Đạ Chomo nhìn xuống, bãi khai thác thiếc hiện ra với hàng trăm hầm hố lớn, nhỏ kéo dài ở khu vực thượng nguồn con suối hơn 1km. Thung lũng lúa nước trù phú ngày xưa nay trở thành những bãi đất nhấp nhô tan hoang.
Những hố sâu hàng chục mét với hàng chục phương tiện máy móc, xe cơ giới hoạt động ngày đêm hết công suất. Anh Ha B… (xin giấu tên), một người dân địa phương cho biết “Mấy ngày nay ít đó, chứ những lần đi rẫy, anh thấy hàng trăm người ngang nhiên đào, đãi thiếc… bất chấp lệnh cấm của chính quyền”.
Chúng tôi tiến đến “tiếp cận” bãi thiếc… Có lẽ cảm thấy “bị động” nên hàng trăm “thiếc tặc” vứt bỏ dụng cụ máy móc, sàn quặng… kể cả những can xăng đổ vội, những đôi dép, kìm, dao… ngay trên bãi thiếc để rút vào rừng.
Ba thanh niên chừng 26 - 27 tuổi đang đãi lỡ tay nên không rút kịp. Vẫn trong vai người đi mua đất rừng hỏi chuyện, người thanh niên rụt rè: “Bãi thiếc của những người cai đầu dài. Mình chỉ đi đãi thuê 30.000 đồng/ngày thôi…”. Rồi chỉ là điệp khúc “không biết” đáp lại những câu hỏi bâng quơ của chúng tôi.
Hiện trường cho thấy, khác hẳn với cách đãi thiếc thủ công, bãi thiếc này máy móc hiện đại được tận dụng tối đa để “tận vét” tài nguyên. Con suối Đạ Chomo bị ô nhiễm nặng nề. Ẩn trong lùm cây ven đường là những căn lều dựng tạm của đội quân “thiếc tặc” dùng để nghỉ chân và cất giấu máy móc, dụng cụ và “chiến lợi phẩm”.
Bốn năm, chưa thể dứt điểm?
Thung lũng Đạ Chomo rộng chừng hơn 10ha trước kia là đất sản xuất lúa nước của người dân thôn Păng Tiên, xã Pi Tô, huyện Lâm Hà. Khi thôn Păng Tiên được sáp nhập vào xã Lát, huyện Lạc Dương thì ruộng đất này được bà con thôn Hang Hớt, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà mua lại và canh tác mấy năm nay.
Theo ông Ha Nhố, Trưởng thôn Hang Hớt, “thiếc tặc” đã hoành hành từ năm 2005, khiến người dân thôn Hang Hớt mất đất, không còn đất sản xuất, chẳng biết làm gì để sống.
Dự án thủy điện Đạ Chomo và Đạ Dâng đã quy hoạch và đang chờ được giải phóng mặt bằng nhưng đã qua mấy năm, mặt bằng cũng chưa giải tỏa, người dân chưa được đền bù thì “thiếc tặc” đã tàn phá khu quy hoạch trọng điểm của dự án. Người dân ở trong cảnh “tiến thoái lưỡng nan” chưa được đền bù và cũng không còn đất sản xuất.
Phòng Tài nguyên Môi trường (TNMT) huyện Lâm Hà cho biết mấy năm trở lại đây tình trạng khai thác thiếc hoạt động càng mạnh, nhưng do địa bàn hoạt động rộng và nằm sâu trong rừng nên công tác quản lí còn nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Đức Thông, Trưởng phòng TNMT huyện Lâm Hà: “Trước sự ngang nhiên vi phạm pháp luật của “thiếc tặc”, Phòng đã nhiều lần phối hợp với công an huyện và UBND xã Pi Tô để kiểm tra, xử lý. Thế nhưng, do lực lượng mỏng nên chúng tôi vẫn chưa thể giải quyết được dứt điểm vấn đề này”.
“Vùng khai thác thiếc ở khuất trong rừng sâu, xa với trung tâm xã nên sự quản lý của xã còn hạn chế, ngoài ra lực lượng khai thác thiếc đến hàng trăm người từ nhiều nơi đến nên rất khó để giải quyết” - ông Thông lý giải (?!).
Trong lúc chính quyền địa phương chưa tìm ra giải pháp thì môi trường ở con suối Đạ Chomo đang xuống cấp nghiêm trọng và tiếng máy khai thác thiếc vẫn âm ỉ ngày đêm dưới thung lũng Đạ Chomo.
Bài và ảnh: Hà Huy Vũ