1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thị trường xuất khẩu lao động Hàn Quốc “ấm” trở lại

(Dân trí) - Thị trường xuất khẩu lao động Hàn Quốc hứa hẹn qua thời kỳ “đóng băng” khi Chính phủ Hàn Quốc sẽ ký bản ghi nhớ đặc biệt tạo điều kiện cho hơn 12 nghìn hồ sơ của người lao động Việt Nam đang tồn ứ chờ việc.

Ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, đến thời điểm này, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc vẫn ở mức cao (trên 50%); hơn 20 tỉnh, thành có lao động hết hạn hợp đồng nhưng không về nước.

Do đó, thị trường XKLĐ Hàn Quốc vẫn gần như "đóng băng", cụ thể vẫn còn 12 nghìn hồ sơ đã tuyển chọn từ cuối năm 2011 vẫn tạm thời bị treo; gần 3 nghìn lao động làm nghề nông nghiệp, đã đóng tiền cũng bị tạm ngưng. Tuy nhiên, mới đây phía bạn đã nhất trí ký bản ghi nhớ đặc biệt để tạo điều kiện khơi thông cho số lao động đang “tồn” này (khoảng 52% hồ sơ thi tuyển trên mạng đã được chủ lao động lựa chọn). Theo đó, thời hạn 20 ngày, nếu hồ sơ không được chủ sử dụng lao động cũ lựa chọn sẽ được chuyển sang nhóm lao động mới, chờ cơ hội mới. Trong đó có 4 nhóm đối tượng được ưu tiên bao gồm: 11.956 hồ sơ tồn dư năm 2011; lao động nông nghiệp; lao động ngư nghiệp và lao động trung thành. 

Như vậy, thị trường XKLĐ đã có tín hiệu tích cực trở lại. Cũng theo ông Minh, từ nay đến cuối năm Trung tâm sẽ thông báo rộng rãi cho các tỉnh nhu cầu tuyển dụng đi làm việc trở lại nếu lao động nào có nhu cầu. Người lao động có thể học tiếng ngay tại địa phương để giảm chi phí. Với lao động nông nghiệp ở các huyện nghèo (khả năng học tiếng nước ngoài khó hơn), Trung tâm cũng đang nghiên cứu để yêu cầu các doanh nghiệp tăng thời gian học tiếng để đảm bảo yêu cầu.

Để giải quyết tình hình lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc, mới đây Chính phủ nước ta đã ban Nghị định 95 (có hiệu lực từ ngày 10/10) nhằm siết chặt tình trạng lao động bỏ trốn bằng những quy định như: Phạt 100 triệu đồng nếu lao động hết hạn hợp đồng nhưng không về nước; bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng; bỏ trốn tại sân bay sau khi nhập cảnh Hàn Quốc; lôi kéo dụ dỗ, ép buộc, lừa gạt lao động Việt Nam ở lại cư trú bất hợp pháp. Ngoài ra, những lao động này buộc về nước và không được đi làm việc trong 2 năm (nếu bỏ trốn tại nơi cư trú), 5 năm nếu bỏ trốn tại sân bay và dụ dỗ người khác ở lại Hàn Quốc trái quy định. Nếu tự nguyện về nước trong thời gian 3 tháng (từ ngày 10/10/2013 đến ngày 10/1/2014), lao động đã bỏ trốn sẽ được miễn xử phạt hành chính.

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB-XH và Ngân hàng Chính sách đang bàn bạc một số quy định về tiền quỹ này như lãi suất tiền vay bằng lãi suất tiền gửi; vay tiền ngân hàng nào thì ký quỹ ở ngân hàng đấy. Thời gian ký quỹ sẽ dài hơn 4 năm 10 tháng ( phòng trường hợp lao động vi phạm hợp đồng bỏ trốn). Về tình hình XKLĐ chung của ngành, ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, chỉ tiêu 80 nghìn lao động được xuất khẩu năm 2013 dự kiến sẽ cán đích, trong đó thị trường lớn nhất vẫn là Đài Loan, Nhật Bản,… với khoảng 63 nghìn lao động (trung bình xấp xỉ 7 nghìn lao động đi xuất khẩu/tháng).

Năm 2013 cũng có nhiều đột phá khi đưa ngành đã  được một số y tá có trình độ cao sang Nhật Bản, Đức làm việc. Nếu thực hiện nghiêm túc trong vòng 1-2 năm nữa, đây sẽ là những thị trường cần nhiều lao động Việt Nam.

Phạm Thanh