Thị trường mũ bảo hiểm "nóng" trở lại
(Dân trí) - Sát thời điểm bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi lưu thông trên tất cả các tuyến đường (15/12), người dân lại lùng sục tìm mua mũ bảo hiểm vừa chất lượng, vừa đẹp vừa không quá đắt. Thị trường mũ bảo hiểm một lần nữa lại lên "cơn sốt".
Tâm lý người tiêu dùng thay đổi
Chị Ngọc Linh, giáo viên trường THCS Tân Mai (Hà Nội) cho biết: Chưa bao giờ, chủ đề MBH lại được các thầy cô trong trường quan tâm đến vậy. Trong các giờ nghỉ của giáo viên, chủ đề được bàn tán sôi nổi nhất vẫn là mua MBH ở đâu cho đẹp và đảm bảo chất lượng.
Bản thân chị Linh cũng đã bỏ không ít thời gian lang thang trên những tuyến phố bán mũ bảo hiểm như phố Huế, Nguyễn Văn Cừ, Bà Triệu, Ngọc Khánh…để tìm cho mình và các thành viên trong gia đình kiểu mũ phù hợp nhất.
Minh Ngọc - làm việc tại một công ty liên doanh - cũng đang có mối quan tâm tương tự. Vốn cầu kỳ trong trang phục nên với Ngọc, MBH cũng phải thời trang và thẩm mỹ. Ngọc vừa quyết định "đầu tư" tới 5 chiếc mũ với 5 mầu khác nhau để thay đổi cho phù hợp với màu sắc của trang phục.
“Tôi thấy có cô gái mặc váy đỏ, áo xanh và lại đội trên đầu chiếc mũ bảo hiểm vàng rực, quả thực trông rất buồn cười. Có khi tôi bắt gặp những người ăn mặc rất cầu kỳ nhưng lại đội một cái “nồi cơm điện” to đùng, lem nhem vết bẩn. Qua đó, tôi nhận thấy MBH cũng phải phù hợp với bộ cánh của người đội” - Ngọc chia sẻ.
Anh Phạm Ngọc Cường, chủ cửa hàng số 178 Phố Huế, cho biết: Sát thời điểm ngày 15/12, cửa hàng anh và rất nhiều đại lý khác đã tăng cường nhập hàng với nhiều chủng loại, mẫu mã cũng như chất lượng để đáp ứng nhu cầu của tất cả các đối tượng khách hàng.
Giá thành của các loại mũ sản xuất trong nước hiện dao động từ 80.000 - 300.000 đồng/chiếc; mũ xuất khẩu giá thành có cao hơn, từ 190.000 - 700.000 đồng/chiếc, tuỳ thuộc vào chất lượng và xuất xứ, từ Thái Lan, Malaysia hay Mỹ. MBH của trẻ em giá thành cũng không rẻ, từ 70.000 -180.000 đồng/chiếc.
Kiểu dáng các loại mũ bảo hiểm trên thị trường hiện nay cũng cực kỳ phong phú: loại gọn gàng ôm đầu kiểu mũ ngựa đua; loại nửa đầu; loại thể thao với kiểu dáng vuốt về phía sau. Ngoài ra, phần lớn các loại mũ đều thiết kế khuy cài để người sử dụng có thể bỏ vành lưỡi trai thay bằng kính chắn gió. Màu sắc cũng rất bắt mắt và đa dạng: trơn, pha hoặc điểm hoa văn, họa tiết lạ mắt...
Chị Minh Tâm, chủ một cửa hàng bán mũ bảo hiểm trên phố Ngọc Khánh, tiết lộ: Chưa bao giờ thị trường MBH lại đa dạng và phong phú như hiện nay. Nguyên nhân là có nhiều cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lượng chất lượng Việt Nam đã đi vào sản xuất hàng loạt nên số lượng và chủng loại mũ có mặt trên thị trường rất phong phú. Nếu như trước đây Protec, Honda, Hitech… luôn chiếm thế thượng phong thì nay người mua đã có rất nhiều lựa chọn khác.
“Khách hàng, đặc biệt là nữ giới ngoài vấn đề giá thành, chất lượng còn rất quan tâm đến mẫu mã, kiểu dáng và mầu sắc của các loại mũ bảo hiểm. Hiện nay, loại mũ đội nửa đầu, sản xuất trong nước như Protec, Amotor, HSL,...cũng đang được rất nhiều người ưa chuộng do kiểu dáng nhẹ nhàng phù hợp, giá cả lại không quá đắt so với các loại mũ nhập khẩu.
Ví dụ như loại mũ Amotor với 10 mầu sắc khác nhau, kiểu dáng gọn nhẹ, trẻ trung, an toàn, lại có giá thành khá “mềm” từ 80-100 nghìn đồng/chiếc nên được rất nhiều người lựa chọn” - chị Tâm cho biết.
Cũng theo chị này thì phần lớn người tiêu dùng giờ đây không còn ham mũ giá rẻ kém chất lượng.
Các “ông lớn” bị cạnh trạnh
Cách chọn mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn
Theo ông Nhữ Mạnh Hải và các chuyên gia, MBH tốt phải có đủ những yếu tố sau:
- Mũ phải có tem nhãn kiểm định chất lượng, tem chống hàng giả, tên cơ sở sản xuất.
- Mũ và các vật gắn trên mũ không được có các gờ sắc, nhọn, không sử dụng các bu-lông, ốc vít bằng kim loại.
- Các phần ở mũ không làm che khuất tầm nhìn của người đội
- Mũ phải chịu được va đập, hấp thụ được xung động.
- Khối lượng của mũ không nặng quá 1,5 kg đối với mũ che cả hàm và quá một kg đối với mũ che nửa đầu.
- Kính chắn gió (nếu có) phải đảm bảo độ trong để không làm sai lệch hình ảnh, độ truyền sáng, khi vỡ không tạo thành các mảnh có góc quá nhọn gây thương tích cho người đội.
- Quai mũ phải có khoá và đảm bảo đủ độ đàn hồi nằm trong giới hạn cho phép. |
Không chiếm được ưu thế có mặt từ sớm trên thị trường, lại chưa có nhiều tiếng tăm, một số hãng sản xuất "sinh sau đẻ muộn" đã chọn con đường chinh phục thị trường bằng giá cả kèm chất lượng. Công ty TNHH Á Long với nhãn hiệu MBH Amotor vừa mới tung ra thị trường các loại mũ dành cho người lớn và trẻ em với 10 màu sắc khác nhau, giá thành rất phải chăng.
Ông Nhữ Mạnh Hải, giám đốc công ty, cho biết đối tượng khách hàng mà công ty nhắm tới là giới sinh viên và những người có mức thu nhập trung bình; chỉ cần trên dưới 100 nghìn đồng khách hàng đã có một chiếc MBH đạt chất lượng mà không phải mua mũ giả, kém chất lượng.
Công ty CP Nam Phát (Hải Dương) với nhãn hiệu NP thì lại lấy niềm tin của khách hàng bằng cách cho phép dùng búa đập thử vào mũ.
Với giá thành 120.000 -145.000 đồng/ chiếc, MBH NP cũng được khá nhiều khách hành lựa chọn. Đại diện công ty cho biết công ty đang cung ứng một lượng MBH khá lớn cho thị trường TPHCM.
Bên cạnh đó, một số nhãn hiệu có tiếng từ lâu như Honda, Protec, Xanaha, Suzuki… vẫn thu hút một lượng lớn người mua. Các công ty này cho biết đã tăng năng suất gấp đôi nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đại diện nhãn hiệu MBH Honda cho biết dù đã tăng cường tối đa khả năng sản xuất nhưng hãng vẫn luôn rơi vào tình trạng "cháy" hàng.
Về vấn đề này, ông Vũ Văn Diện, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Đo lường chất lượng Việt Nam nhận định: Hiện nay, tổng cục đã giao trách nhiệm quản lý và cấp phép đảm bảo chất lượng cho các Sở Khoa học Công nghệ địa phương. Rất nhiều doanh nghiệp đã được phép sản xuất MBH. Ngoài ra còn có một lượng không nhỏ MBH nhập ngoại đã ồ ạt có mặt trên thị trường. Chính vì vậy, chuyện "cháy" MBH trên thị trường đến thời điểm này rất khó xảy ra.
Đà Nẵng: “Cơn sốt” MBH lần 2
Từ cuối tháng 11 đến nay, thị trường MBH ở Đà Nẵng nhanh chóng “nóng” trở lại, thậm chí “nóng” hơn cả “cơn sốt” đầu tháng 9. Người đi mua mũ bây giờ phần lớn là người của các huyện, xã vùng ven.
Các trung tâm bán MBH “sôi sùng sục” vì giá. Giá tăng hơn 30-40% so với hồi tháng 9 trong khi chất lượng lại không đảm bảo. Nhiều người dân than phiền, tìm mỏi mắt mới có một chiếc mũ bảo hiểm chất lượng và đủ tin cậy với giá dưới 150.000 đồng.
Nhiều chủ hàng phân trần, giá lên là do nhà cung cấp chứ không phải do các đại lý. Tuy nhiên theo nhận định của chúng tôi thì giá mũ đang tăng kỷ lục và theo kiểu mỗi nơi mỗi khác, có khi chênh nhau tới vài chục nghìn đồng. Hiện các hãng mũ được người dân tin cậy vẫn là Amoro, Andes, Honda, Sankyo, Protec,…
Các loại mũ nhái, mũ kém chất lượng vẫn được bày bán tràn lan và giá thành cũng không kém “cắt cổ”. Ngoài ra, ăn theo cơn sốt mũ bảo hiểm, các dịch vụ trang trí, sửa chữa, thay kính, sơn mới MBH cũng ăn nên làm ra.
Một nỗi lo của người dân là tình trạng lấy cắp hoặc tráo đổi MBH ở các điểm trông giữ công cộng. Lúc gửi xe gửi kèm mũ tốt, khi về có khi nhận lại chiếc mũ giống hệt nhưng là hàng “dỏm”. Bên cạnh đó, rất nhiều cơ quan đơn vị cũng chưa bố trí chỗ để mũ bảo hiểm cho CBCNV. (Lê Tấn Quỳnh) |
P. Thanh