1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thị trường điện cạnh tranh: “Vẫn loay hoay chọn mô hình”

Thời điểm thực hiện thị trường điện cạnh tranh đã cận kề, nhưng ngành điện vẫn chưa thể tìm ra được một mô hình hợp lý nhất. Đó là chưa kể đến vô số những phát sinh, vướng mắc mà chúng ta sẽ phải đối mặt.

Liệu ngành điện có thực hiện đúng lộ trình đã đề ra và người tiêu dùng có được hưởng những lợi ích từ việc hình thành thị trường điện cạnh tranh hay không vẫn đang là một ẩn số. Xung quanh vấn đề này, báo giới đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Hùng, thành viên tổ thiết kế thị trường điện cạnh tranh, nguyên Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực.

Mâu thuẫn giữa giá điện và thu hút đầu tư

Việc Chính phủ chưa chấp thuận thành lập Công ty Cổ phần Mua bán điện của Tập đoàn Điện lực (EVN) liệu có ảnh hưởng đến việc xây dựng thị trường điện cạnh tranh, thưa ông?

Một trong những điều kiện để hình thành thị trường điện cạnh tranh (theo mô hình nhà tư vấn đưa ra) là phải có một đơn vị mua điện duy nhất để bán lại cho các nhà bán lẻ khác. Chính vì vậy, trong lộ trình cải cách thị trường điện chúng ta đã tính đến việc thành lập một công ty mua bán điện nằm trong EVN.

Hiện nay công ty này đã được thành lập. Còn Chính phủ chỉ không tán thành việc công ty mua bán điện được cổ phần hóa (thành lập Công ty Cổ phần Mua bán điện) do EVN đề xuất.

Do đó, đến thời điểm này, một trong những điều kiện cần để hình thành thị trường điện cạnh tranh đã có nên việc không thành lập công ty cổ phần mua bán điện sẽ không ảnh hưởng gì đến quá trình xậy dựng thị trường điện cạnh tranh.

Một trong những mục đích của thị trường điện cạnh tranh là nhằm đem lại lợi ích cho khách hàng (giảm giá điện). Thế nhưng, theo các nhà tư vấn thì khi thực hiện thị trường điện cạnh tranh, chúng ta phải áp dụng một mức giá đồng loạt cho tất cả các vùng (trong khi hiện nay chúng ta đang tính giá theo vùng, theo khu vực). Vậy, có nghĩa là một bộ phận người dân sẽ chịu thiệt thòi, thưa ông?

Các nhà tư vấn cho rằng, Việt Nam cần áp dụng một mức giá chung nếu như không có giới hạn về truyền tải, tức là chúng ta coi hệ thống điện là một thể thống nhất, không bị phân tách vùng.

Chẳng hạn, nếu miền Bắc thừa công suất trong khi miền Nam lại thiếu mà không truyền tải được thì giá điện phải chia theo vùng. Nhưng nếu truyền tải được thì sẽ áp dụng một mức giá chung. Do đó, điều này còn phụ thuộc vào năng lực truyền tải điện của chúng ta trong tương lai.

Như trên đã nói, mục tiêu của thị trường điện cạnh tranh là để giảm giá điện nhưng điều này sẽ là rào cản trong việc kêu gọi đầu tư vào ngành điện. Vậy, theo ông chúng ta nên giải quyết mâu thuẫn này như thế nào?

Đúng là ngành điện Việt Nam vẫn đang ở vào thế khó để có thể giải quyết được mâu thuẫn này. Chúng ta đã tranh luận rất nhiều mà vẫn chưa lựa chọn được một mô hình thị trường điện như thế nào để có thể đáp ứng được cả hai mục tiêu: phải đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội, nhưng giá điện phải hợp lý để hàng hóa Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Hai mục tiêu này tự thân đã mâu thuẫn với nhau. Nếu giá điện thấp thì thu hút đầu tư vào ngành điện sẽ rất khó và sẽ dẫn đến thiếu điện. Nhưng nếu giá điện cao thì thu hút đầu tư dễ nhưng người tiêu dùng sẽ thiệt thòi và sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam sẽ rất khó khăn.

Do vậy, bắt buộc chúng ta phải lực chọn một mô hình như thế nào đấy để có thể hài hòa được cả hai mục tiêu trên. Đó là lý do tại sao trong mấy năm qua, dù đã được các tổ chức, cá nhân chuyên gia nước ngoài tư vấn giúp đỡ nhưng chúng ta vẫn đang loay hoay, tìm kiếm một mô hình hợp lý nhất.

Vậy trong các mô hình mà nhà tư vấn đư ra thì chúng ta thiên về mô hình nào nhất, thưa ông?

Đến thời điểm này thì vẫn đang bàn cãi trong việc lựa chọn mô hình, nhưng mô hình “chào giá theo chi phí” vẫn được xem là khả dĩ và có thể áp dụng được.

Nếu áp dụng mô hình này thì có nghĩa là sắp tới chúng ta sẽ “tự do hóa” ngành điện, thưa ông?

Đây cũng là cái khó đối với các nhà quản lý của chúng ta. Nếu tự do hóa toàn bộ thì tất cả mọi chi phí từ đầu vào sản xuất điện, chi phí truyền tải, chi phí phân phối sẽ được đẩy sang hết cho người tiêu dùng gánh chịu. Đồng thời nếu tự do hóa thì chắc chắn việc điều hành thị trường điện sẽ vo cùng khó khăn.

Trong khi đó, chúng ta đang phải xác định lại giá năng lượng theo biến động của thế giới đang ở mức rất cao thì liệu người tiêu dùng Việt Nam có chịu được không.

Đó là lý do tại sao dù không muốn nhưng Nhà nước vẫn phải can thiệp vào ngành điện để có được một mức giá cuối cùng mà khách hàng có thể chấp nhận được.

2020 sẽ tiến đến thị trường cạnh tranh bán lẻ

Thưa ông, vấn đề giá điện, thiếu điện… đã căng thẳng quá lâu nhưng tại sao phải đến 2020 chúng ta mới có thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh, thưa ông?

Theo lộ trình chỉ đạo của Chính phủ thì hiện nay chúng ta đang thực hiện thí điểm thị trường điện cạnh tranh. Đến 2009 sẽ thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh. Nếu mọi việc suôn sẻ thì đến năm 2014 sẽ chuyển sang thị trường bán buôn cạnh tranh và 2020 sẽ tiến đến thị trường cạnh tranh bán lẻ.

Sở dĩ phải cần một khoảng thời gian lâu dài như vậy là vì đây là lần đầu tiên chúng ta thực hiện thị trường điện cạnh tranh. Trên thế giới đã có khá nhiều nước bị thất bại, buộc phải làm lại nên chúng ta cần phải thận trọng hơn để không bị hụt bước, không phải quay lại.

Theo ông, khi áp dụng thị trường điện cạnh tranh thì giá điện có giảm so với hiện nay không?

Điều này còn tùy thuộc vào mặt bằng giá thế giới vào thời điểm hiện tại. Nhưng chắc chắn rằng, nếu vận hành thị trường theo hướng cạnh tranh thì người tiêu dùng sẽ có cơ hội tiếp cận với một mức giá thấp nhất vào thời điểm đó. 

Theo Từ Nguyên
VnEconomy