Thí điểm đưa phạm nhân ra ngoài lao động, trả công theo quy định

Hoài Thu

(Dân trí) - Phạm nhân có thể tự nguyện viết đơn đề nghị được tham gia lao động, học nghề ngoài trại giam. Nếu đáp ứng đủ điều kiện và được đơn vị nghiệp vụ lựa chọn, họ sẽ được trả công theo quy định.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 09 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết 54 của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Theo Nghị định của Chính phủ, trại giam thực hiện thí điểm phải đảm bảo an ninh, an toàn và danh sách các trại giam được thực hiện sẽ do Bộ Công an ban hành.

Tiêu chí được đề cập trong Nghị định số 09 nêu rõ tổ chức hợp tác với trại giam tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam phải không thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức là người nước ngoài; không liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài hay có vốn đầu tư của nước ngoài.

Thí điểm đưa phạm nhân ra ngoài lao động, trả công theo quy định - 1

Theo Nghị định của Chính phủ, trại giam thực hiện thí điểm phải đảm bảo an ninh, an toàn và danh sách các trại giam được thực hiện sẽ do Bộ Công an ban hành (Ảnh: Hoàng Lam).

Tổ chức này phải có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp, ban hành; giấy phép kinh doanh đối với các ngành nghề hợp tác lao động là ngành nghề có điều kiện.

Địa điểm khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam phải đóng trên địa bàn có tình hình an ninh trật tự ổn định; có khoảng cách đến điểm đóng quân gần nhất thuộc trại giam không quá 50km để thuận tiện cho công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý các tình huống đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra. Khu vực này cũng phải có tường, rào bảo vệ xung quanh tách biệt với khu dân cư.

Về cách thức, tiêu chí lựa chọn phạm nhân đưa ra lao động, dạy nghề ngoài trại giam, Nghị định số 09 nêu rõ trại giam phổ biến điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định để phạm nhân đối chiếu và tự nguyện viết đơn đề nghị được tham gia lao động, học nghề ngoài trại giam. Giám thị trại giam chỉ đạo các đội nghiệp vụ phối hợp, lựa chọn phạm nhân theo quy định.

Phạm nhân được đưa ra các khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam phải có nơi cư trú rõ ràng; chấp hành nghiêm nội quy cơ sở giam giữ, có ý thức cải tạo tiến bộ.

Đối với phạm nhân có mức án trên 15 năm, chung thân phải thuộc trường hợp phạm tội lần đầu, đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và thời gian chấp hành án còn lại từ 7 năm trở xuống, có ít nhất 12 tháng liền kề thời điểm xét duyệt được xếp loại "Khá" hoặc "Tốt".

Đối với phạm nhân có mức án từ 15 năm trở xuống phải thuộc trường hợp phạm tội lần đầu và bảo đảm các điều kiện: Phạm nhân có mức án từ trên 7 năm đến 15 năm phải chấp hành được 1/3 mức án, thời gian chấp hành án còn lại từ 7 năm trở xuống, đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, có ít nhất 9 tháng liền kề thời điểm xét duyệt được xếp loại "Khá" hoặc "Tốt"; phạm nhân có mức án từ trên 3 năm đến 7 năm có ít nhất 6 tháng liền kề thời điểm xét duyệt được xếp loại "Khá" hoặc "Tốt"; phạm nhân có mức án từ 3 năm trở xuống có ít nhất 3 tháng liền kề thời điểm xét duyệt được xếp loại "Khá" hoặc "Tốt".

Riêng với số phạm nhân có tiền sử nghiện ma túy, Chính phủ nêu rõ phải xem xét thận trọng, chặt chẽ, chỉ lựa chọn số phạm nhân không còn biểu hiện lệ thuộc ma túy để đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam.

Về chế độ, chính sách đối với phạm nhân khi lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam, Nghị định nêu rõ họ sẽ được trả công theo quy định.