Theo dấu hàng lậu mùa giáp Tết
(Dân trí) - Cứ tới tháng cận tết, tình trạng buôn lậu ở hai bờ sông Sê-pôn và dọc QL9 (Lao Bảo - Đông Hà) lại “trăm hoa đua nở” với đủ hình thức. Để vượt sự kiểm soát của cơ quan chức năng, các tay buôn dùng đủ chiêu thức “ve sầu thoát xác”.
Ông Nguyễn Huỳnh Đường - Phó trưởng Công an TX Đông Hà cho biết: “Cuối năm, Đông Hà như cái rốn hàng lậu. Chúng tôi túc trực chiến đấu cả ngày lẫn đêm nhưng không xuể vì hàng lậu phân tán nhỏ lẻ, hoạt động liên tục”. Ông cho biết, nếu để hàng lậu lọt qua “nút chai” kiểm soát ở khu cửa khẩu, việc ngăn chặn buôn lậu khi hàng đã về xuôi khó khăn gấp nhiều lần.
Ngược QL9 lên Lao Bảo, nơi có cửa khẩu và khu kinh tế - thương mại đặc biệt (KKT-TM ĐB), chúng tôi mới hiểu vì sao lượng thuốc lá, rượu bia, nước giải khát và đồ tiêu dùng trôi về Đông Hà nhiều đến thế dù các lực lượng chống buôn lậu ở biên giới và cửa khẩu không hề ít.
Thuyền chở thuốc lá lậu chạy hiên ngang trên sông Sê-pôn chờ thời cơ "nhả" hàng.
Theo chân một người bản địa, tôi được mục sở thị bến Ngô Đồng bên sông Sê-pôn, nơi được coi là một điểm tập kết thuốc lá lậu trước khi được xé lẻ và mang vào nội địa tiêu thụ. Quanh khu vực bến, vài chiếc xe tải nhỏ đậu hững hờ, vài đám người quần áo xộc xệch, có lẽ là cửu vạn, ngồi túm tụm. Chiếc xe máy của chúng tôi đỗ lại, lập tức những ánh mắt dò xét, thiếu thiện cảm được ném vào hai người khách không mời. Dưới sông Sê-pôn, những chiếc thuyền của nước bạn Lào chầm chậm chạy dọc bên nửa kia sông, thuyền nào cũng chất đầy hàng trăm cây thuốc lá.
Khi gặp các đơn vị tuần tra, các thuyền này sẽ tấp vào phía nước bạn Lào "lánh nạn".
KKT-TM ĐB Lao Bảo càng về cuối năm càng nhộn nhịp mua bán. Vì hàng được miễn thuế nên giá cả “mềm”, mặt hàng tiêu dùng cũng tương đối đa dạng nên nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân đều tranh thủ dịp cuối năm lên tham quan, mua sắm. Nhưng đằng sau sự yên bình đó là cả một thế giới buôn lậu muôn màu.
Hàng ngày, có hàng nghìn lượt khách tới Lao Bảo trên hàng trăm chuyến xe hầu hết mang BKS Quảng Trị, Quảng Bình, TT-Huế. Có khi mỗi chuyến xe chỉ có vài khách, nhưng như dòng xe vẫn nườm nượp đi về. Bởi không ít chủ xe xem vận tải hành khách chỉ là cái cớ, còn mục đích chính vẫn là mua hàng ở KKT-TM ĐB Lao Bảo rồi “vượt ải” kiểm soát mang về xuôi kiếm lời.
Tại bến xe Lao Bảo lúc xế chiều, dăm bảy chiếc xe khách 16 chỗ được nhồi nhét cơ man nào là hàng: thuốc lá, rượu, nồi cơm điện… Cả lái xe và lơ xe đều lăn lê chọn mọi ngõ ngách trong xe để xếp từng gói thuốc, chai rượu một cách cẩn thận trước chuyến về xuôi. Có khách thì tốt, không khách cũng mặc kệ. Leo lên một chiếc xe như thế, chúng tôi qua cổng B KKT-TM Lao Bảo. Xe ngay trước mặt đang bị lực lượng liên ngành bắt dỡ hàng hóa xuống để kiểm tra, còn xe của chúng tôi chỉ dừng lại một khoảng thời gian rất ngắn trước khi tiếp tục nhấn ga.
Hai "rô-bốt" đang đứng chờ xe đến gom hàng.
Lách luật và theo dõi cả cơ quan chức năng
Một chai rượu ngoại khi được vận chuyển trót lọt về xuôi sẽ sinh lãi trên dưới 100.000 đồng sau khi trừ mọi chi phí. Tương tự, một cây thuốc lậu cũng mang lại từ vài chục đến 100.000 đồng tùy loại. Các mặt hàng tiêu dùng khác cũng đem nguồn lợi nhuận khổng lồ cho dân buôn lậu. Chính vì thế, như ông Lê Văn Tới - Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Trị thừa nhận: “Cuộc chiến chống buôn lậu khó lòng triệt để dù đã có sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan”. Theo ông, cứ đến các chiến dịch cao điểm chống buôn lậu thì lượng hàng giảm, còn sau đó hàng lậu lại ồ ạt tràn về xuôi với nhiều chiêu bài tinh vi mà ngay cả cơ quan chức năng cũng phải vất vả ứng phó.
Sử dụng cửu vạn địa phương cõng hàng là một chiêu thức quen thuộc của giới chủ buôn lậu.
Khi “chiêu” xé lẻ hàng đã cũ, các chủ xe còn nghĩ ra “ngón” mới tinh vi hơn: hàn vào thùng xe những ngăn hàng “hai đáy” rồi chất đầy hàng lậu vào ngăn dưới, phủ lên ngăn trên những loại hàng giá trị thấp nhưng khó kiểm tra kỹ như than củi…
Một khi đã “qua mặt” được lực lượng Hải quan, phần còn lại của chặng đường về xuôi trở nên đơn giản hơn. Nếu chẳng may bị các lực lượng chức năng khác bắt giữ, nhiều chủ xe lại dở một “độc chiêu” khác để thoát nạn: theo quy định, trong 24 giờ kể từ thời điểm bị tạm giữ hàng, nếu chủ hàng có đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng thì coi như không vi phạm. Chính vì vậy, nhiều chủ xe thường xếp lên các xe lượng hàng và mặt hàng tương tự nhau, trong đó chỉ có một xe có giấy tờ hợp lệ. Hễ bị bắt, các chủ xe sẽ tức tốc xoay giấy tờ này cho lô hàng bị bắt, xe còn lại sẽ “án binh bất động” chờ dịp thuận lợi tẩu tán. Hầu hết các vụ vận chuyển hàng lậu lớn đều thành công nhờ chiêu thức này.
Thậm chí vào nửa đầu năm, cũng bằng các chiêu thức này dân buôn lậu còn tuồn hàng loạt các hàng tiêu dùng, thuốc lá, bia, sữa… sản xuất trong nước từ KKT-TM ĐB Lao Bảo về xuôi tiêu thụ. Tuy nhiên, đến tháng 8/2008 Bộ Tài chính đã kịp thời “bịt” khe hở luật này bằng quyết định không hoàn thuế VAT một số mặt hàng sản xuất tại Việt Nam nhập vào KKT-TM Lao Bảo.
Ông Tới còn cho biết, trong khi Hải quan gặp nhiều khó khăn trong việc đẩy lùi nạn buôn lậu thì các chủ buôn lậu dùng “chân rết” theo dõi hoạt động của cơ quan chức năng, nắm quy luật hoạt động của các cổng kiểm soát hòng lựa chiều xoay xở. Không ít lần cứ các đội cơ động xuất kích là các chủ hàng đều đã biết tin. Thậm chí có trường hợp lực lượng chức năng đã bắt giữ được một ổ hàng lậu nhưng bị người dân xung quanh ùa ra cướp “hôi”.
Hồng Kỹ - Minh San